Dồn lực cho môi giới, các công ty chứng khoán ra sao?
Việc đầu tư cho đội môi giới với dự báo thị trường phục hồi trong năm nay sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi chi phí cố định tăng vọt mà doanh thu giảm mạnh.
- 18-05-2015Chứng khoán Bản Việt: Tăng trưởng mạnh hoạt động môi giới, quý 1 lãi gần 32 tỷ đồng
- 04-05-2015Chứng khoán MB: Môi giới, tự doanh...đều giảm, quý 1 lãi hơn 1 tỷ, giảm sâu 94% so với cùng kỳ
- 20-04-2015Doanh thu môi giới giảm một nửa, VietinbankSc chỉ lãi 11,5 tỷ trong quý 1/2015
- 16-04-2015VNDirect năm 2015: Ồ ạt các kế hoạch huy động vốn, tăng số lượng môi giới lên 500 người
Quý 1/2015, cùng với sự sụt giảm thanh khoản của thị trường chung, có thể thấy doanh thu mảng môi giới của các CTCK đều đi xuống. Tuy nhiên, từ đầu năm, nhiều CTCK đã đặt mục tiêu rất cao cho mảng môi giới.
Chen chân vào top 5 thị phần
VNDirect – một công ty trong top 5 thị phần môi giới năm 2014 đã đặt mục tiêu tăng trưởng thị phần năm 2015 là 6,5% và số lượng môi giới sẽ tiếp tục tăng lên đến 500 nhân viên. Theo đó, công ty này cho biết sẽ tập trung vào thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chuẩn bị cho Thông tư 36, từ năm trước VND đã tăng vốn thêm 550 tỷ đồng. Nhưng không dừng ở đó, với kế hoạch phát triển mảng môi giới mạnh hơn nữa, để huy động vốn phát triển nghiệp vụ cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, thực hiện các hợp đồng bảo lãnh phát hành… VND sẽ phát hành riêng lẻ trái phiếu không chuyển đổi với tổng giá trị huy động 500 tỷ đồng.
Chứng khoán MBS, một lần nữa đặt mục tiêu chiếm lĩnh 6,5% thị phần môi giới (năm 2014, công ty chỉ đạt được con số 4,86%) và hướng đến việc nằm trong Top 5 các CTCK có thị phần môi giới và doanh thu tư vấn cao nhất toàn thị trường. Để phục vụ kế hoạch, MBS cũng sẽ phát hành trái phiếu tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
MBS cho biết đã gia tăng đáng kể thị phần ở khu vực phía Nam khi tỷ trọng thị phần tại khu vực này trong khối môi giới đã tăng lên 34,5% từ mức 24% trong năm 2013.
Chứng khoán IBSC – một CTCK không nằm trong top 10 cũng công bố một kế hoạch là triển khai “rầm rộ” hoạt động môi giới, dù ông Ngô Phương Chí từng chia sẻ “môi giới của IBSC hiện tại gần như con số 0”.
Theo IBSC, công ty trước mắt sẽ xây dựng hạ tầng công nghệ cao cấp và chuỗi giá trị IB – môi giới – tự doanh. Cũng trong năm 2015, công ty sẽ mở rộng hoạt động thị trường vào phía nam. Dài hơi hơn, CTCK này đặt mục tiêu trong 5 năm tới đứng trong top 5 CTCK lớn nhất Việt Nam.
Ngay cả “ông lớn” HSC trước sự đi xuống của mảng môi giới, cũng khẳng định sẽ giành lại thị phần ở mảng cá nhân trong năm 2015 với giả định thị phần ở mảng này sẽ tăng lên 8%. Lãnh đạo HSC khẳng định môi giới khách hàng cá nhân vẫn là quan trọng nhất. Công ty đặt kế hoạch phí môi giới gần 300 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 do mục đích tăng thị phần.
Vũ khí cạnh tranh
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHCĐ 2015, giải pháp cho sự phát triển mảng môi giới mà lãnh đạo MBS đề ra khá chung chung. Theo đó, công ty dựa vào quá trình 15 năm hoạt động, đã từng đứng đầu về thị phần môi giới trong quá khứ và sử dụng giải pháp lâu dài là công nghệ thông tin, quản trị rủi ro, phát triển nhân sự để đạt được mục tiêu.
Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc cho biết: “Chúng tôi chủ trương phát triển khách hàng active hơn là mở mới tài khoản. Đồng thời phát triển mặt hỗ trợ về CNTT và tư vấn với mục tiêu là tạo sự khác biệt về đội ngũ và chất lượng tư vấn.”
Hẳn cũng như đại diện SSI đã nói, công ty có những bí quyết kinh doanh riêng không thể tiết lộ.
Quả thực khi lựa chọn mở tài khoản, nhà đầu tư sẽ căn cứ trên các tiêu chí như hệ thống công nghệ, dịch vụ khách hàng, chất lượng tư vấn… Nhưng vũ khí sắc bén không thể thiếu vẫn là lãi suất cho vay ký quỹ. Theo khảo sát, lãi suất cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán hiện ở trong khoảng 12,5% - 14%/năm.
Tại ĐHCĐ 2015, lãnh đạo HSC cho biết do cạnh tranh với các CTCK khác, công ty này đã phải giảm lãi suất từ 15% trong năm 2014 xuống 12,5% trong năm 2015. Dù vậy, theo biểu phí dịch vụ công bố trên website của HSC, mức lãi suất là 14,4%. Và 14% là mức lãi được áp dụng tại SSI, VND, SHS. CTCK SHS sau khi dừng gói hợp tác 3 bên từ 2/2/2015 do áp dụng Thông tư 36 thì mức lãi suất 12% đã không được áp dụng, theo môi giới tại đây, mức lãi suất là 14%.
Trong khi đó, VPBS và VCBS đã tăng lãi suất margin lên so với giai đoạn trước đó. Theo thông báo mới nhất, 2 công ty này đều áp dụng mức lãi 13,5%/năm.
Sự cạnh tranh lãi suất cho vay đôi khi không hấp dẫn bằng tỷ lệ cho vay ký quỹ. Theo quy định của UBCK, tỷ lệ cho vay ký quỹ tối đa là 50% nhưng thực tế vẫn có những công ty cho vay vượt tỷ lệ này để thu hút khách hàng.
Khó khăn phải đối mặt
Từ đầu năm đến nay, diễn biến thị trường không mấy thuận lợi về thanh khoản. Giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý 1/2015 ở mức 2.300 tỷ đồng – giảm hơn 20% so với giá trị giao dịch của quý 1/2014.
Ảnh hưởng của việc này được thấy ngay, như đã nói ở trên là doanh thu mảng môi giới của các CTCK đều đi xuống. Ngoại trừ SHS và VCSC tăng trưởng doanh thu môi giới thì các CTCK trong top 10 đều giảm từ 20% – trên 50%. Việc giảm lãi suất margin cũng ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động cho vay ký quỹ.
Việc đầu tư cho đội môi giới với dự báo thị trường phục hồi trong năm nay sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi chi phí cố định tăng vọt mà doanh thu giảm mạnh. Từ cuối năm trước, VND là một trong những công ty tăng mạnh lương cho đội ngũ môi giới và cùng với sự thuận lợi của thị trường, doanh thu hoạt động môi giới năm 2014 có sự tăng vọt. Tuy nhiên, điều đó có lẽ khó lặp lại trong năm nay.
Trí Thức Trẻ