Dòng cổ phiếu ngân hàng – cao trào cuối cùng?
Thông tin "nới room" cho khối ngoại tại các NHTM Việt Nam lên trên 30% có lẽ sẽ là cú huých cho dòng cổ phiếu ngân hàng lên bước cao trào cuối cùng trong trung hạn?
- 05-05-2015Khối ngoại sẽ mua ròng vào nửa đầu tháng 5 và giảm dần vào nửa cuối tháng?
- 04-05-2015Khối ngoại mua ròng hơn 237 tỷ đồng trong ngày thị trường “đỏ lửa”
- 20-04-2015Cổ phiếu ngân hàng chưa hết chuyện để bàn, 2 sàn giảm điểm
- 25-03-2015Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á, tín hiệu kết thúc khủng hoảng nợ xấu
Sau cú rơi nặng nề của phiên ngày 04/05, thị trường có vẻ tích cực hơn trong ngày 05/05 với sắc xanh của các chỉ số và mức thanh khoản cao chỉ kém hôm trước. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100 triệu đơn vị trên HSX và 40,6 triệu đơn vị trên HNX. Việc phục hồi sau một phiên giảm điểm mạnh như vậy được nhiều nhà đầu tư đón nhận trong sự hứng khởi, đồng thời cũng có người đánh giá đó là điều bình thường và có phần mang tính kỹ thuật. Với một cách nghĩ khác, nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng đây chỉ là một phiên bull trap.
Có thể thấy điểm đỡ tâm lý cho thị trường ngày 05/05 đến từ khối ngoại khi họ mua mạnh tại các mã ngân hàng lớn và giúp cho giá cổ phiếu nhóm này phục hồi đáng kể. Chỉ số chung của nhóm ngân hàng đã tăng gần 3%, gần như đã lấy lại những gì đã mất trong ngày trước đó.
Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn khối ngoại
Trong phiên 05/05, mặc dù tính về giá trị, khối ngoại bán ròng gần 70 tỷ trên HSX nhưng nếu trừ giao dịch thỏa thuận tại VIC giá trị gần 244 tỷ thì khối ngoại đã mua ròng.
Đứng đầu danh sách mua ròng chính là cổ phiếu CTG của ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với khối lượng hơn 1,5 triệu cổ phiếu tương đương 26,7 tỷ đồng. VCB và BID cũng được mua lần lượt là 13,9 tỷ và 9 tỷ, đứng trong top các mã được mua ròng nhiều nhất.
Không phải chỉ có những ngày tháng 5 này mà trong 4 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Hoạt động mua vào ở các cổ phiếu ngân hàng hàng đầu và còn room như CTG, BID, VCB rất ổn định và đều đặn bất chấp xu hướng biến động của thị trường. Riêng CTG được mua mạnh hơn kể từ ngày 17/04 đến nay mặc dù ngân hàng này xuất hiện những thông tin không tích cực từ kết luận của Thanh Tra Chính phủ. Trước đó, giao dịch của khối ngoại tập trung tại BID nhiều hơn.
Sự quan tâm dành cho cổ phiếu ngân hàng có thể đến từ kỳ vọng vào sự ổn định, lành mạnh và khả năng tăng trưởng của các ngân hàng lớn sau động thái tái cơ cấu tích cực của NHNN. Kỳ vọng này vốn đã là động lực cho đợt sóng cổ phiếu ngân hàng hồi đầu năm.
Trong báo cáo chiến lược tháng 5 của CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), các chuyên gia đã đánh giá rằng dòng vốn nước ngoài quay trở lại trong tháng 4 với sự đồng thuận của dòng tiền đầu tư cơ bản và dòng vốn nóng ETF.
Với sự giảm điểm mạnh vừa qua, premium giữa giá và NAV của quỹ VNM ETF duy trì ở mức độ rất cao. Và đó là tín hiệu giúp cho dòng tiền tiếp tục được đổ vào quỹ.
Theo BSC, tại quỹ ETF VNM, mức chênh lệch giữa giá và NAV luôn duy trì ở mức dương cao cho thấy các hoạt động mua vào của quỹ sẽ còn được duy trì trong đầu tháng 5. CTCK này cho rằng khối ngoại sẽ tiếp tục mua theo đà vào nửa đầu tháng 5 và giảm dần vào nửa cuối tháng 5. Sự mua ròng của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.
Cao trào cuối cùng?
Mới đây trong buổi tiếp ông Nobuyuki Hirano - Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30%.
Điều này được khẳng định lại tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 04/2015 tổ chức ngày 25/04. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Đây được đánh giá là một thông tin tích cực đối với cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, sau 4 tháng đầu năm, các cổ phiếu ngân hàng lớn đều đã tăng từ 30 - 40%. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng khi thông tin về việc sáp nhập của các ngân hàng lớn như Vietinbank với PGBank, BIDV với MHB cũng như tại một số ngân hàng tầm trung khác đã “xong xuôi”, mùa đại hội cổ đông cũng đã đi đến giai đoạn cuối thì thông tin “nới room” nói trên sẽ là cú huých cho dòng cổ phiếu ngân hàng lên bước cao trào cuối cùng trong trung hạn.
Bên cạnh đó, vào ngày 4/5, con số tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng do NHNN công bố cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2015, tỷ lệ nợ xấu đã tăng trở lại khá mạnh từ mức 3,25% tháng liền trước lên 3,49%. Một cơ quan khác là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã công bố, đến tháng 4/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 2,78% - mức cao nhất trong 3 năm gần đây.
Những thông tin hỗ trợ đã được công bố, thị trường tháng 5 bước vào giai đoạn trống thông tin, và theo chuyên gia nói trên, kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu ngân hàng sẽ không còn dễ dàng như thời gian qua nữa.
>> Sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại NHTM Việt Nam lên trên 30%?
Thanh Mao
Tài chính Plus