MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền: Có cơ sở để lạc quan

Tuần giao dịch sôi động với các quỹ ETF đã được các nhà phân tích nhìn nhận một cách tích cực, ngay cả khi đã bóc tách các giao dịch nổi trội của khối ngoại.

Mặc dù các ý kiến đều nhìn nhận về yếu tố đột biến trong giao dịch tuần qua, nhưng có nhiều cơ sở để lạc quan, đặc biệt là sức mạnh của nhà đầu tư trong nước cũng được thể hiện với quy mô giao dịch khoảng 2.000 tỷ đồng, cổ phiếu không chịu ảnh hưởng của ETFs cũng giao dịch khởi sắc, chỉ số đang ở mức hỗ trợ và nhiều thông tin tích cực liên quan đến kết quả kinh doanh quý 1/2015.

Tuy vậy, điều khiến các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn quan tâm là thanh khoản cần tiếp tục gia tăng. Vẫn có ý kiến quan ngại lớn về thanh khoản ở mức thấp và việc các quỹ ETF giao dịch lớn không đủ để lôi kéo thanh khoản tốt hơn. 

Các đánh giá khác nhau đã dẫn tới mức độ tham gia thị trường khác nhau. Nếu so với tuần trước thì chiến lược gia tăng tỷ trọng đã chiếm ưu thế, với mức giải ngân cao nhất được ghi nhận là 80%. Mức giải ngân thận trọng nhất vẫn là 30%.

Nguyễn Hoàng: Tuần qua diễn biến đáng chú ý nhất chắc chắn là giao dịch của ETF. Tuy nhiên các giao dịch này lại tạo ra mức thanh khoản đột biến bất thường. Anh chị đánh giá thế nào về sức mạnh dòng tiền tuần qua? Liệu giao dịch lớn của ETF có lôi kéo thanh khoản tốt hơn trong tuần này?

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS)

Tuần qua, những diễn biến giao dịch của ETF có phần nào làm nhiễu tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận thấy sức mạnh dòng tiền đang có những cơ sở để cải thiện. 

Thứ nhất, trong phiên cuối tuần, nếu loại trừ khối ngoại, dòng tiền của khối nội cũng vào khoảng 2.000 tỷ, cho dù là tiền của các tổ chức mua đối ứng của ETF hay cá nhân thì con số này cũng khá tích cực. 

Thứ hai, điểm nóng của phiên thứ 6 không chỉ xuất hiện ở nhóm cổ phiếu có ETF tham gia, rất nhiều mã trên thị trường tăng điểm với thanh khoản tốt. 

Theo tôi đây sẽ là nền tảng để thị trường có những diễn biến tốt hơn trong tuần này.

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS)

Tâm lý chờ đợi từ phía nhà đầu tư từ việc các công ty chứng khoán nâng thêm tỷ lệ cho vay ký quỹ cổ phiếu và đặc biệt hơn là tiếp tục quan sát diễn biến các quỹ ETFs thực hiện các thay đổi trong danh mục quý 1 đầu năm. Động thái mua bán dè dặt, thăm dò chiếm ưu thế đã phản ánh giá trị giao dịch toàn thị trường chung duy trì ở mức trung bình thấp ngoài trừ phiên giao dịch cuối tuần qua. 

Tuy nhiên, chỉ sổ VN-Index vừa kết thúc nhịp điều chỉnh ở quanh mốc 575 điểm cùng với điểm sáng đến từ phiên giao dịch đột biến vừa rồi thì tuần tới tôi cho rằng thanh khoản sẽ tốt hơn và nhà đầu tư sẽ quay trở lại giao dịch nhiều hơn.

Ông Trần Xuân Bách (Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt)

Tôi thấy thanh khoản thị trường tương đối ảm đạm trong tuần qua, ngoại trừ phiên thứ 6 tăng đột biến do hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. 

Việc thanh khoản thị trường liên tục thụt lùi về cuối tuần có thể xuất phát từ tâm lý thận trọng, lo ngại của nhà đầu tư về áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tác động xấu đến xu hướng thị trường chung trong ngắn hạn. 

Đối với giao dịch của các quỹ ETFs thì nhìn chung không gây nhiều bất ngờ cho thị trường khi nhà đầu tư trong nước đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như vị thế trước động thái mua bán của khối ngoại, điều này phần nào được thể hiện qua tương quan cung - cầu tương đối cân bằng ở các mã được thêm mới vào danh mục của các quỹ ETF như KDC, KBC.

Tuần này, thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện tích cực hơn khi thị trường bắt đầu đón nhận nhiều hơn các thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý 1, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm 2015 của các doanh nghiệp trong kỳ đại hội cổ đông.

Ông Phạm Thiên Quang (Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS)

Thanh khoản tăng đột biến trong phiên cuối cùng của tuần ETF review danh mục là diễn biến bình thường, không có gì ngạc nhiên. Nếu loại trừ hoạt động của ETF, thanh khoản vẫn đang ở mức thấp so với bình quân cùng kỳ năm trước. 

Tôi vẫn tiếp tục quan điểm là hiện dòng tiền nội đang bị ảnh hưởng động bởi Thông tư 36 và lo ngại về Dự thảo sửa đổi Thông tư 210, trong khi cung-cầu dự báo sẽ bất lợi cho khả năng thị trường có thể tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, do đó thanh khoản dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. 

Tôi không cho rằng giao dịch của ETF trong tuần này sẽ lôi kéo được thanh khoản tốt hơn trong tuần này.

Nguyễn Hoàng: Phiên tăng điểm cuối tuần không lấy lại được bao nhiêu so với điểm số đã mất. VN-Index vẫn giảm khoảng 1,8%. Trên quan điểm kỹ thuật, anh chị đánh giá thị trường như thế nào?

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS)

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì chỉ số VN-Index cuối tuần qua đã điều chỉnh về sát “siêu hỗ trợ” 570 điểm kèm theo thanh khoản tăng mạnh. Đây có thể nói rằng là phiên bản lề phát đi tín hiệu điều chỉnh kết thúc và thị trường sẽ bước vào 1 con sóng chứng khoán. Cụ thể, tuần tới sẽ là tuần hồi phục của 2 chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index.

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS)

Về mặt kỹ thuật, sau chuỗi ngày phần lớn là giảm điểm, thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi trong ngắn hạn. Vì vậy tôi đánh giá trong tuần tới, thị trường sẽ có sự khởi sắc hơn. Một số cổ phiếu khỏe đã đi trước trong phiên thứ 6 vừa rồi.

Ông Phạm Thiên Quang (Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS)

Ngoại trừ phiên giao dịch cuối tuần tích cực nhờ hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại (ETF review danh mục), trên quan điểm kỹ thuật, tôi nhận thấy lực cầu nhìn chung khá yếu. Kể từ khi VN-Index đạt đỉnh ngắn hạn 602 điểm vào ngày 5/3/2015, chỉ số này vẫn đang trong xu hướng giảm dần và lần lượt phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ. 

Nếu không có thông tin mới hỗ trợ đáng kể, tôi cho rằng khả năng thị trường bật tăng mạnh trở lại là khá hạn chế. Thị trường có lẽ sẽ tiếp tục tích lũy một thời gian nữa.

Ông Trần Xuân Bách (Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt)

Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đã cho phản ứng hồi phục khi lùi về vùng hỗ trợ mạnh 570-575 điểm, qua đó được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số tiếp tục hồi phục tăng điểm trong tuần giao dịch tới. 

Tuy nhiên, việc các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực hơn trong tuần qua, khiến tôi để ngỏ khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 570 điểm trước khi tiếp tục quá trình hồi phục tăng điểm trong tuần tới.  

Nguyễn Hoàng: Thị trường sụt giảm khá nhiều trong tuần và tạo cơ hội mua tốt, nhưng cũng lại có quan điểm lo ngại xu thế tăng đã “gãy”. Anh chị đánh giá rủi ro thế nào? Mức phần bổ tỷ trọng vốn hiện tại là bao nhiêu?

Ông Trần Xuân Bách (Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt)

Tuần qua, tôi đã thực hiện chiến lược trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn đang nắm giữ, đồng thời thực hiện nâng tỷ trọng cho phần danh mục ngắn hạn này lên mức 50% khi thị trường về đến vùng hỗ trợ 570-575 điểm, qua đó đưa tỷ trọng danh mục tổng lên mức 80% cổ phiếu (trong đó danh mục trung hạn vẫn được duy trì ở mức 30% cổ phiếu). Danh mục ngắn hạn của tôi vẫn tập trung vào các mã chứng khoán và bất động sản tầm trung.

Tuần này, tôi dự định sẽ thực hiện bán giảm tỷ trọng cho phần danh mục ngắn hạn trong những phiên thị trường tăng điểm.

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS)

Thực sự thị trường chưa cho tín hiệu nào cho thấy sự cải thiện trong trung hạn. Tuy nhiên, rất nhiều cổ phiếu đang chạm về hỗ trợ là đường xu hướng nối các đáy trong 1, 2 năm trở lại đây. Vì vậy tại thời điểm này rất dễ xuất hiện đảo chiều. Tại vùng ranh giới này, tôi phân bổ 50% cổ phiếu với nhận định sẽ có ít nhất một cơ hội tăng ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS)

Tôi thường ít khi để ý đến thị trường chung mà quan tâm nhiều hơn đến từ cơ hội từ những cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, việc thị trường chung tăng hoặc giảm thế nào cũng thường phản ánh cơ hội mua hoặc bán trong ngắn hạn đến từng cổ phiếu.

Tôi thấy rõ cơ hội mua vào khi thị trường điều chỉnh về mốc 570 điểm và kỳ vọng việc VN-Index sẽ quay trở lại xu thế tăng điểm quay về mốc 600 điểm trong tháng tới. Mặc dù tin tưởng thị trường hồi phục vào tuần tới nhưng tôi chỉ nâng tỷ lệ cổ phiếu lên đôi chút chứ chưa thực hiện mua vào mạnh do chưa thực sự đặt niềm tin vào mã cụ thể ở sóng này. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay của tôi là 50%/50%.

Ông Phạm Thiên Quang (Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS)

2015 là năm phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu, với tôi việc lựa chọn cổ phiếu cụ thể quan trọng hơn là xu thế tăng đã “gãy” hay không. Hiện tại tôi vẫn đang duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp (tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt 30/70) và dự kiến sẽ tăng dần tỷ trọng cổ phiếu nằm trong danh mục theo dõi, khi giá cổ phiếu điều chỉnh giảm về vùng đủ hấp dẫn. 

Rủi ro ngắn hạn vẫn còn. Tuy nhiên về dài hạn, tôi vẫn lạc quan trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang hồi phục vững chắc, hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang tiến triển.

Nguyễn Hoàng: Thị trường đang xuất hiện quan ngại không nhỏ về biến động tỷ giá USD/VNDnhững ngày qua. Ngày 19/3 vừa rồi quỹ ETF V.N.M cũng bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ, giá giảm mạnh và discount tới 1,88%. Liệu những biến động này có dẫn tới những ảnh hưởng của dòng vốn ngoại tới đây?

Ông Phạm Thiên Quang (Trưởng bộ phận Equity Research – Chứng khoán MBS)

Biến động tỷ giá gần đây có thể là do i) tác động của việc đồng USD đã liên tục tăng giá, ii) Việt Nam đã nhập siêu trở lại (2 tháng đầu năm nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 1,35 tỷ USD) và iii) hoạt động đầu cơ. 

Tuy nhiên, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ không để tỷ giá biến động quá mạnh (biên độ mục tiêu 2% trong năm 2015), do đó tôi không cho rằng rủi ro tỷ giá là đáng lo ngại trong năm 2015, mặc dù có thể mức độ điều chỉnh tỷ giá USD/VND có thể sẽ cao hơn một chút so với kế hoạch 2% trong năm nay. Do vậy, rủi ro tỷ giá không phải là mối quan ngại chính ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại trong thời gian tới đây.

Sự kiện quỹ ETF VNM bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ và discount tới 1,88% là một diễn biến bình thường, dòng tiền có ra có vào. Do đó, tôi không cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

Trong trung hạn, yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại chính là chính sách mới room theo Nghị định 58, và FED có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong nữa cuối năm nay. Do vậy, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố này trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS)

Chắc chắn đây không phải thông tin tốt gì và sẽ có tác động không tốt đến dòng vốn ngoại.

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS)

Việc đồng USD tăng giá gây ra những nguy cơ khác, ngoài việc vốn ngoại có thể rút ròng. Đó là gánh nặng nợ công thêm lớn, hoạt động nhập khẩu bất lợi trong khi Việt Nam là nước nhập siêu. Chính vì vậy đây được đánh giá là một trong những rủi ro lớn của nền kinh tế năm 2015, là cơ sở cho nhận định năm nay sẽ là một năm không dễ dàng cho thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, chúng ta nhận thức rủi ro đó chỉ để chuẩn bị sẵn về mặt tâm lý khi có những diễn biến bất thường xảy ra, không nên lấy đó làm rào cản, dễ bỏ lỡ các cơ hội ngắn hạn nhưng không kém hấp dẫn của thị trường.

Ông Trần Xuân Bách (Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt)

Tôi cho rằng, những biến động này trên thực tế đã được phần nào phản ánh trước và minh chứng qua những đợt bán ròng liên tiếp của khối ngoại như trong giai đoạn 4 tháng cuối năm 2014 và ngay cả trong khoảng thời gian 3-4 tuần gần đây.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có thể sẽ nhẹ hơn tương đối do chúng ta vẫn đang thực hiện chính sách tỷ giá cố định với biên độ điều chỉnh tỷ giá nhiều khả năng sẽ thấp hơn tương đối so với các nước đang thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi khác.

Theo Nguyễn Hoàng

PV

Vneconomy

Trở lên trên