Dòng vốn ngoại vào Việt Nam: Lịch sử sẽ khó lặp lại như thời gia nhập WTO?
Điểm lưu ý là hầu hết NĐTNN sang Việt Nam là các định chế tài chính và nhà đầu tư lớn. Khác hẳn với Việt Nam, họ đều đẩy tiền qua các đơn vị có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp thay vì “tự diễn”.
- 13-07-2015Khối ngoại mua gần 20 tỷ USD trên TTCK Trung Quốc khi lao dốc và rót vào TTCK Việt Nam 25 triệu USD
- 09-07-2015Mekong Capital: Nới room giúp quỹ MEF III trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát
- 08-07-2015TTCK tháng 7: Tâm điểm cổ phiếu Large cap và câu chuyện nới room
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần StoxPlus, dự báo năm 2015, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ đón nhận khoảng 4-5 tỷ USD.
Nghị định 60 của Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo cú hích rất lớn khơi thông dòng vốn ngoại không chỉ vào thị trường chứng khoán (TTCK), mà còn cả BĐS trong giai đoạn tới. Liệu chúng ta có quá lạc quan?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Dựa trên các phân tích dữ liệu và khảo sát do chính StoxPlus thực hiện với đại diện hơn 100 định chế tài chính, đặc biệt là các định chế lần đầu tiên đến Việt Nam từ Hàn Quốc, Đông Âu và Nhật Bản, tôi cho rằng sẽ không thể có giai đoạn như năm 2006-2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Ở thời điểm đó, Việt Nam thu hút 6,3 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp “chảy” vào chứng khoán, trái phiếu, đầu tư cổ phần doanh nghiệp tư nhân và BĐS. Cũng trong năm đó, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã mua ròng tới 1,5 tỷ USD trên HOSE và HNX.
Năm 2015, riêng dòng vốn M&A vào Việt Nam đã đạt 1,5 tỷ USD (tính theo giá trị thương vụ) và NĐTNN đã mua ròng 256 triệu USD. Mức mua ròng này đã cao gấp 1,4 lần cả năm 2014. Hiện một số định chế tài chính Nhật như quỹ ASEAN Growth Fund (do Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng CIMB Malaysia là cổ đông chính) đã huy động gần đủ trong quy mô ban đầu 200 triệu USD. Quỹ này chỉ tập trung cho 3 thị trường Việt Nam, Malaysia và Indonedia, trong đó đương nhiên Việt Nam và Malaysia là mục tiêu chính. Hoặc tập đoàn Kusto Group từ Đông Âu cũng cho biết họ vẫn coi Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á tiếp tục đầu tư và dự kiến cũng tăng đầu tư hàng trăm triệu USD thông qua quỹ đầu tư của họ từ Singapore vào Việt Nam.
Riêng với Hàn Quốc và Nhật Bản, gần đây chúng tôi chứng kiến không chỉ có sự “ào ạt” của các tập đoàn hàng đầu hai quốc gia này, mà cả các công ty quy mô nhỏ hơn đã và đang xúc tiến đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Nói tóm lại, cá nhân tôi không kỳ vọng vào con số 6-7 tỷ USD như thời điểm 2006-2007, tuy nhiên tôi cho rằng con số khoảng 4-5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp (không tính vốn FDI) sẽ vào TTCK Việt Nam, vào các DN chuẩn bị niêm yết, các DNNN cổ phần hóa, DN tư nhân thông qua hình thứ M&A hoặc đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Nghị định 60/CP sẽ là một hú hích rất lớn cho TTCK Việt Nam, dù chúng ta cần phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để thị trường chấp nhận.
Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong bối cảnh trên?
Các rào cản hay thách thức đầu tư vào Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng cho NĐTNN thì rất nhiều. Nhưng điểm lưu ý là hầu hết NĐTNN sang Việt Nam là các định chế tài chính và nhà đầu tư lớn. Khác hẳn với Việt Nam, họ đều đẩy tiền qua các đơn vị có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp thay vì “tự diễn”. Do đó, nhu cầu về thông tin và dữ liệu phục vụ việc phân tích, đánh giá, sàng lọc, thẩm định và đưa ra quyết định là vô cùng quan trọng.
Thông tin về giao dịch cổ phiếu thì đã có thể nói là rất tốt cho NĐTNN tổ chức. Tuy nhiên, thông tin liên quan về doanh nghiệp, về ngành và về đội ngũ lãnh đạo, v.v.là một rào cản rất lớn. Không chỉ đối với doanh nghiệp niêm yết mà đặc biệt là doanh nghiệp chưa niêm yết. Đó chính là lý do chúng tôi đã ra mắt cơ sở dữ liệu tài chính chuyên sâu FiinPro để phục vụ họ và cả các định chế tài chính, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công ty đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm v.v. trong nước.
Dưới con mắt của các NĐTNN, thị trường của chúng ta đang thiếu những gì và giải pháp để vượt qua những rào cản trước mắt?
Thực ra có một vấn đề lớn hơn mà các NĐTNN đã lên tiếng. Đó là Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn ở mức “có thể đầu tư được”. Đối với các định chế tài chính và quỹ đầu tư thì họ chỉ ưu tiên các DN trong nước có quy mô doanh thu tầm 50 triệu USD trở lên hoặc có vốn hóa 100 triệu USD trở lên, và đương nhiên phải có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng cao. Đối với các NĐT là các tập đoàn/công ty sản xuất-thương mại thì họ có thể quan tâm đến các DN nội có quy mô thấp hơn. Tuy nhiên, doanh thu tối thiểu phải tầm 15 triệu USD trở lên để họ có thể xem xét hợp tác đầu tư.
Ngoài ra, tính ngay trên sàn chứng khoán HOSE và HNX, NĐTNN cho rằng hiện có tới 5 cổ phiếu có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD và có lộ trình nâng cấp lên thị trường mới nổi thay vì thị trường cận biên, nhưng kể cả có nới room đến 100% thì họ cũng rất khó đầu tư. Lý do là chất lượng và quy mô “hàng hóa” trên HOSE và HNX còn thấp và ít! Khi TTCK Việt Nam vẫn bị phân loại là “cận biên” thì các quỹ đầu tư có quy mô lớn và hoạt động mang tính toàn cầu hoặc khu vực thì họ không thể phân bổ vốn hoặc danh mục cho TTCK Việt Nam.
Theo tôi, “đối sách” chủ yếu dựa trên hai nhóm giải pháp chính. Một là, đưa các DNNN đã và sẽ cổ phần hóa lên sàn và tăng thanh khoản cho thị trường, Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp đại chúng. Hai là tạo cơ chế chính sách để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn hoặc tăng trưởng nhanh lên sàn. Khi đó, không chỉ quy mô thị trường mà đòi hỏi cả tính thanh khoản sẽ được cải thiện!