Gần 70.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết của SCIC có những gì?
Giá trị cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang nắm giữ có giá trị thị trường lên đến 68,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD.
Phần tài sản giá trị nhất của SCIC có lẽ là danh mục cổ phiếu đã niêm yết. Theo tính toán của chúng tôi, đến đầu tháng 12 này, giá trị cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang nắm giữ có giá trị thị trường lên đến 68,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD.
Bốn doanh nghiệp thuộc diện SCIC đầu tư lâu dài là Vinamilk, Bảo Minh, Dược Hậu Giang và Vinare đã có tổng giá trị thị trường lên đến 57,5 nghìn tỷ, chiếm 84% giá trị.
Riêng khoản đầu tư vào Vinamilk đã có giá trị tới 53 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng giá trị. Mỗi năm Vinamilk còn mang về cho SCIC hàng nghìn tỷ đồng cổ tức.
Các cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của SCIC
Còn lại hơn 50 cổ phiếu SCIC sẽ thoái vốn với tổng giá trị thị trường hiện tại là 11 nghìn tỷ. Lớn nhất trong số sẽ thoái vốn là khoản đầu tư vào Vinaconex, trị giá 2,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2009, Tập đoàn Viettel từng ngỏ lời mua lại phần vốn của SCIC tại Vinaconex nhưng lúc đó SCIC chưa có phản hồi.
Các cổ phiếu sẽ thoái vốn có giá trị lớn khác là Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo Việt, FPT, Traphaco… (xem hình).
SCIC thoái vốn tại FPT nhưng vẫn giữ nguyên hơn 50% vốn tại FPT Telecom. Hiện FPT Telecom là công ty đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn FPT.
Mặt khác, với tỷ lệ cổ tức hàng năm 40-50%, đây là nguồn đóng góp cổ tức lớn thứ 2 cho SCIC sau Vinamilk, với khoảng 200-250 tỷ đồng/năm.
Trong số các doanh nghiệp chưa niêm yết mà SCIC sẽ thoái vốn, có một số khoản đầu tư lớn như vào các công ty Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh (tổng mệnh giá 874 tỷ đồng), Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam VEIC, Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Đầu tư Bảo Việt – SCIC..
Theo Kiến Khang