MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Research MBKE toàn cầu: Vốn ngoại khi rút khỏi các nước sẽ đổ về VN

Bất chấp những diễn biến xấu đi từ nhóm thị trường các quốc gia mới nổi do động thái thu hẹp gói QE của Hoa Kỳ, dòng vốn ngoại kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Theo MBKE, diễn biến mua ròng của khối ngoại vẫn đang đi theo chiều hướng tăng dần kể từ giữa năm 2013 đến nay và điều này được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp diễn bất chấp những diễn biến xấu đi từ nhóm thị trường các quốc gia mới nổi do động thái thu hẹp gói QE của Hoa Kỳ.

TTCK Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội thảo “Dòng Vốn Ngoại & Thị trường chứng khoán 2014”, tổ chức sáng 8/03/2014, Ông Ong SengYeow - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng:

Năm 2013 dòng vốn ròng vẫn vào Việt Nam và cao hơn so với năm trước. Một trong các lý do là Chính phủ đã thi hành các biện pháp nhằm giảm sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế, giúp cho sự tăng trưởng đi theo hướng bền vững hơn.

Ngoài ra, trong các năm trước, cán cân thương mại bị thâm hụt dẫn tới việc VND liên tục bị giảm giá, gây tổn hại tới danh mục đầu tư của các nhà đầu tư. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai cải thiện dẫn tới VND được ổn định. Những lý do này giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Ông Ong Seng Yeow kỳ vọng năm 2014 dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam bằng chứng là market cap của 2 quỹ ETF chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014 đã tăng mạnh hơn 27% trong khi chỉ tiêu này cả năm 2013 chỉ tăng 24,3%.

So với các thị trường mới nổi khu vực châu Á, định giá của thị trường Việt Nam vẫn rẻ, điều này sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư hơn các thị trường khác. Ngoài ra, tỷ giá VND/USD vẫn đang được duy trì ổn định (biến động không quá 2%) trong khi các nước giảm rất mạnh như Indonesia (-16%), Thái Lan (-12%), Malaysia (-12%) và Philippines (-9%).

Ông On Seng Yeow cũng lưu ý, trong 2 năm 2012-2013, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Điều này  lý giải một phần Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi động thái thu hẹp gói QE của Hoa Kỳ. Do đó, dòng vốn nước ngoài khi rút khỏi các nước sẽ đổ về Việt Nam. Bởi:

Một, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định và có dấu hiệu khôi phục. MBKE cho rằng kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ mạnh hơn, dựa vào những động lực cũ trong năm 2013 như:

(i) quá trình xử lý nợ xấu của VAMC sẽ mạnh hơn (kỳ vọng tăng khoảng 3-4 lần so với năm 2013); (ii) tăng trưởng  tín dụng của hệ thống ngân hàng kỳ vọng hồi phục (tăng thêm khoảng 2-3% so với năm trước); (iii) tiến độ giải ngân gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng sẽ nhanh hơn; (iv) việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thông qua và; (v) cổ phần  hóa các DNNN và việc thoái vốn của SCIC.

Hai, cơ cấu dân số với 70% là lực lượng lao động và 23% chưa đến tuổi lao động; chi phí nhân công thấp; năng suất cải thiện. Cơ cấu dân số thuận lợi giúp Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn sản xuất lớn. Đây được xem là động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.

Ba, kỳ vọng Việt Nam sẽ được lợi khi TPP được thông qua do thuế suất giảm sâu. Dòng vốn FDI sẽ gia tăng để tận dụng  lợi thế mới khi Việt Nam gia nhập TPP.

Các kênh đầu tư truyền thống hấp dẫn đến mức nào?

Ông Ong Seng Yeow cho rằng, dù kinh tế có rất nhiều tín hiệu khả quan đã xuất hiện, bức tranh chung vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Việt Nam cũng như các quốc gia Châu Á khác, đang ở vào giai đoạn tăng trưởng chậm.

Nếu kiểm soát tốt CPI với mức lạm phát mục tiêu 7% thì lãi suất năm 2014 về cơ bản sẽ không có sự thay đổi mạnh. Điều này đồng nghĩa kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn.

Tương tự, tỷ giá USD/VND cũng sẽ được duy trì ổn định trong năm 2014 nên dòng tiền cũng không kỳ vọng sẽ chảy vào kênh đầu cơ tỷ giá.

Bất động sản kỳ vọng sẽ phục hồi, nhưng chủ yếu là phân khúc nhà ở bình vì vậy lợi tức đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng không cao.

Ngoài ra, vàng ít có triển vọng tăng giá trong năm 2014, sức hút của vàng với các nhu cầu đầu tư của người dân Việt Nam sẽ giảm. Ít nhất, vàng sẽ không gây phấn khích như đã từng trong các năm 2011-2012.

Những điều này sẽ tạo cơ hội cho việc đầu tư vào cổ phiếu. CP của các ngành hàng tiêu dùng,  dầu khí (dàn khoan, dịch vụ khoan), dệt may, dược phẩm, bất động sản được kỳ vọng sẽ hấp dẫn để đầu tư. Nhà đầu tư cũng có thể giảm tỷ trọng đầu tư vào CP ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản phân khúc cao cấp.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên