MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao nhiệm vụ điều tra cho kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán?

Dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đưa ra hai phương án, trong đó phương án 2 bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước được giao một số hoạt động điều tra.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (thay thế Pháp lệnh hiện hành).

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Pháp lệnh Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: Còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể.

>>>>Thống đốc: “Phải nắn chỉnh lại thị trường tài chính”

Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự.

Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng Bộ, ngành nào tổ chức, quản lý Cơ quan điều tra thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.

Theo tờ trình về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong quá trình xây dựng dự án luật, có hai loại ý kiến khác nhau về bổ sung các cơ quan: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 không chỉ đạo bổ sung các cơ quan này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc bổ sung quy định Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán; kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Cùng đó, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách.

Dự thảo Luật quy định theo hai phương án: Phương án 1 giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành; Phương án 2 bổ sung Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để xin ý kiến UBTV Quốc hội.

>>>>Thanh tra Chính phủ Kết luận nhiều tồn tại tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo M.Đ.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên