MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới thiệu Công ty Phân lân Ninh Bình-Niferco sắp sửa chào sàn HNX

Phân lân Ninh Bình sẽ giao dịch trên HNX từ 3/3/2014 với mã chứng khoán NFC. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 21.000 đồng/cổ phiếu.

Sở GDCK Hà Nội vừa có thông báo về việc chính thức đưa cổ phiếu của CTCP Phân lân Ninh Bình-Niferco vào giao dịch.

Theo nội dung thông báo, 10.487.551 cổ phiếu Cổ phiếu CTCP Phân lân Ninh Bình sẽ được chính thức giao dịch trên HNX từ thứ 2 tuần sau, ngày 3/3/2014. Mã chứng khoán là NFC.

Tổng giá trị chứng khoán niêm yết (theo mệnh giá) là 104.875.510.000 đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 21.000 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi giới thiệu sơ bộ với nhà đầu tư về Phân lân Ninh Bình-Niferco.

3 cổ đông lớn nắm đến gần 72% vốn

Bản cáo bạch niêm yết của NFC cho biết, tính tại 20/12/2013, công ty mẹ và là cổ đông lớn nhất của công ty là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu 51%. Công ty còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Phạm Mạnh Ninh (Chủ tịch HĐQT) với tỷ lệ sở hữu 10% và Công ty TNHH Hoàng Ngân với tỷ lệ sở hữu 10,82%.

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2012 thấp hơn 2011

Sản phẩm chính của Công ty là phân lân nung chảy và phân NPK. Phân Lân nung chảy là mặt hàng chủ đạo chiếm 70-80% tổng sản lượng sản xuất. Tổng sản lượng sản xuất của 2 dòng sản phẩm này trong năm 2012 là hơn 252 nghìn tấn, giảm 21% so với 2011.

Về khâu tiêu thụ, nhìn chung trong giai đoạn từ năm 2011 cho đến 9 tháng đầu năm 2013, sản lượng tiêu thụ khá ổn định. Do nhu cầu thị trường trong năm 2012 giảm nhẹ, do đó tổng sản lượng tiêu thụ của năm 2012 đạt 250.518 tấn giảm 16.019 tấn, tương ứng tỷ lệ giảm 6,01% so với năm 2011.

Nguyên liệu đầu vào có thể mua trong nước

Nguồn nguyên liệu chính đầu vào của quá trình sản xuất các sản phẩm Công ty bao gồm các loại quặng như: quặng Apatit, quặng Secpentin, quặng Sa thạch, than cục Vàng Danh, Uông Bí (Antraxit), phân đạm, phân kali. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất phân lân Công ty đều có thể mua từ các nhà cung cấp trong nước.

Nhiều đối thủ cùng ngành làm ăn tốt

Hiện tại ngành phân bón có hai doanh nghiệp hoạt động tốt đang niêm yết là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) và Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS). Bên cạnh đó, một đối thủ trực tiếp có quy mô hoạt động tương đương với Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình (NFC) là Côngty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (VAFCO).

Nhìn vào bảng so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, Niferco có vòng quay hàng tồn kho 3,09 lần, cao hơn đáng kể so với Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao và Vafco nhưng thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp kinh doanh phân đạm đang niêm yết trên sàn là Đạm Phú Mỹ (DPM).

Hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 8,27% còn Đạm Phú Mỹ đạt tới 22,65%. Tuy nhiên, ROE của công ty đạt mức khá cao trong ngành với 32,27%.

Thu nhập bình quân của người lao động năm 2012 tăng trưởng khá mạnh so với 2011. Năm 2013 công ty dự tính lượng lao động bình quân đạt 435 người với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.

Cổ tức cao ngất ngưởng

Dựa vào tình hình trả cổ tức 3 năm gần nhất của công ty có thể thấy công ty duy trì cổ tức bằng tiền mặt các năm khá cao nếu so với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Kế hoạch kinh doanh 2013, 2014 đều giảm mạnh so với năm 2012

Kế hoạch lợi nhuận năm 2013 đạt 48,8 tỷ đồng, giảm 23,39% so với năm 2012 và sang năm 2014 dự kiến tiếp tục "đi lùi" ở chỉ tiêu lợi nhuận với kế hoạch 41,6 tỷ đồng.

Việc đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm năm 2013 so với 2012 và 2014 giảm so với 2013 được công ty lý giải là do Công ty đã lường trước được việc cạnh tranh khó khăn trên thị trường phân lân nung chảy nói riêng khi đón nhận thêm 1 nhà máy công suất 330.000 tấn/năm phân lân nung chảy của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát Lâm Thao; cũng như sự cạnh tranh ngày càng mạnh của phân bón Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch.

Giá trị sổ sách tại thời điểm 30/9/2013 đạt 28.425 đồng/CP, cao hơn mức giá tham chiếu chào sàn nêu trên.

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên