MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc khuất sau động thái bán tài sản của DN

Mùa ĐHCĐ năm nay hình thành một xu hướng đáng quan tâm là nhiều công ty niêm yết xin ý kiến cổ đông về việc bán bớt hay chuyển nhượng tài sản.

Bên cạnh các lý do thường thấy như thanh lý tài sản hết khấu hao, bán một phần tài sản nhằm tái cấu trúc các mảng hoạt động…, liệu còn gì bất thường ẩn khuất sau động thái này?

Trào lưu bán tài sản

Trong ĐHCĐ tổ chức tháng 6 tới đây, CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) dự kiến thông báo tới các cổ đông về kế hoạch tiếp tục thanh lý nhiều khoản đầu tư.

Đầu tiên là Dự án Cảng tổng hợp số 2 Dung Quất (Quảng Ngãi). Đây là dự án được cấp phép cách đây 7 năm, với vốn đầu tư 340 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã triển khai, nhưng các khó khăn về tài chính của chủ đầu tư khiến việc thi công ngưng trệ. Do đó, MHC tính chuyện rao bán dự án.

MHC cũng đang ráo riết tìm đối tác chuyển nhượng một phần vốn góp tại Công ty TNHH Vận tải và xếp dỡ Hải An, với mức giá 2 “chấm”. Bên cạnh liên doanh đang làm ăn khá hiệu quả này, phần vốn góp của MHC tại một số công ty đang kinh doanh có lãi cũng được cân nhắc chuyển nhượng.

Cũng cần nói thêm, đây là đợt rao bán tài sản quy mô thứ hai của MHC sau việc bán 3 tàu container và chuyển nhượng 15% vốn góp tại Transvina vào năm ngoái.

Phía sau động thái có phần mạnh tay của MHC có lẽ là “cơn khát” lợi nhuận. Năm 2008, Công ty lãi nhẹ 81 triệu đồng và hai năm kế tiếp ngập chìm trong thua lỗ. Thanh lý các tài sản trên, MHC dự kiến thu về 10 - 20 tỷ đồng, chiếm 50 - 75% lợi nhuận cả năm 2011.

Một DN cùng cảnh ngộ là CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM). ĐHCĐ DDM mới đây đã cho phép HĐQT được chuyển nhượng một danh sách nhiều tài sản: Tàu chở hàng khô Đông Phong, 2 tàu container chuyên dụng Đông Mai/Đông Du, 2 nền đất ở khu trung tâm Hà Nội và Nha Trang... Sức ép lợi nhuận cũng là lý do chính.

Xét trên góc độ ngành, xu hướng thanh lý, chuyển nhượng tài sản diễn ra phổ biến với các công ty hàng hải: CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) lên kế hoạch bán ít nhất 3 tàu Chương Dương, Hà Giang và Hưng Yên; CTCP Vận tải biển Việt Nam Vosco (VOS) chào bán 2 tàu hàng khô là Sông Tiền và Vĩnh Long. Sau khi bán hai tàu cũ năm ngoái, CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam - Vitranschart (VST) dự kiến bán tiếp 2 tàu Phương Đông 1 và Phương Đông 3.

Bên cạnh các lý do thường thấy như việc thanh lý tàu cũ nhằm trẻ hóa đội tàu, thì bán tài sản còn là giải pháp giúp DN vận tải cải thiện tình trạng tài chính. Chẳng hạn, với báo cáo kiểm toán năm 2010 của Vinaship, kiểm toán viên lưu ý người đọc tới việc nợ ngắn hạn của Công ty đang vượt quá tài sản ngắn hạn. Để giải quyết sự mất cân đối, Ban lãnh đạo Vinaship đã quyết định thanh lý 3 tàu trên, nhằm bù đắp vốn lưu động và thanh toán các khoản nợ dài hạn.

Nhìn rộng hơn trên thị trường, xu hướng bán, thanh lý tài sản tập trung vào nhóm các công ty đang có vấn đề trong kinh doanh. ĐHCĐ bất thường của CTCP Dược Viễn Đông (DVD) đã cho phép HĐQT bán hầu hết tài sản có thanh khoản. CTCP Nhựa Tân Hóa (thua lỗ liên tục 9/10 quý gần nhất) đang rao bán 2,2 héc-ta tại Khu công nghiệp Tân Đức - Long An. Chung tình cảnh trên là CTCP Basa (thua lỗ hai năm liên tiếp) đã lên kế hoạch bán Nhà máy cá Basa 2… Với các DN hoạt động không hiệu quả và vay nợ nhiều, bán và thanh lý tài sản như chiếc phao cứu sinh duy nhất vượt qua các căng thẳng tài chính trước mắt.

Hiện tượng trên không chỉ xuất hiện ở nhóm DN có kết quả kinh doanh “nhấp nháy đèn đỏ”. Nhiều tài sản của công ty bất động sản cũng được đặt trong tầm ngắm chuyển nhượng.

Chẳng hạn, bên cạnh kế hoạch phát hành 400 - 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, ĐHCĐ của CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) mới đây đã thông qua kế hoạch thoái vốn ở 6 công ty thành viên, giảm tỷ lệ sở hữu từ 75 - 70% xuống 40%.

ĐHCĐ của CTCP Xây dựng điện VNECO 9 (VE9) đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu mới, theo tỷ lệ 2:1. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 63,4 tỷ đồng/vốn điều lệ 72 tỷ đồng và mức cổ tức 30% của VE9 được “bảo hiểm” bằng việc Công ty chuyển nhượng một dự án bất động sản (ước thu về 123 tỷ đồng).

Tương tự, CTCP Chương Dương (CDC) đang đàm phán với đối tác để chuyển nhượng Dự án Golden Land. CTCP Địa ốc Khang An (KAC) xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng Dự án KDC Tân Tạo A…

Góc khuất

Trong quá khứ, cổ phiếu của các DN hứa hẹn có khoản lợi nhuận đột biến khá thu hút giới đầu cơ và thường “tạo sóng”. Vì vậy, nhóm công ty lên kế hoạch rao bán tài sản được nhiều NĐT cá nhân đặt vào tầm ngắm đặc biệt. Nhưng giới phân tích nhìn nhận xu hướng này một cách khá cẩn trọng.

Việc thanh lý các tài sản đã hết khấu hao là bình thường. Sau giai đoạn DN mở rộng và phát triển “nóng”, hoạt động tái cấu trúc đang diễn ra phổ biến. Do đó, việc DN thu hẹp một số lĩnh vực kinh doanh không thuộc ngành nghề “lõi” thậm chí là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi hoài nghi với việc một số DN chuyển nhượng các tài sản đang vận hành, hoạt động tốt. Ẩn chứa sau các giao dịch có thể là bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình tài chính (áp lực chi phí lãi vay buộc DN phải bán tài sản để trả nợ) và hoạt động kinh doanh (không có khả năng tiếp tục triển khai dự án).

Xu hướng bán tài sản hiện nay khá giống với một cuộc đua tự do đường trường mà các “cua-rơ” có thể vứt bỏ nhiều phụ tùng của phương tiện di chuyển. Khối lượng nhẹ đi, có thể một số tay đua di chuyển nhanh hơn, nhưng cũng có thể khiến nhiều “cua-rơ” tụt hậu hay gặp tai nạn, do không còn công cụ tăng, giảm tốc.

Vì vậy, động thái các dự án bất động sản được chuyển nhượng nhộn nhịp nên được chú ý đúng mức. Sự trầm lắng của thị trường và chi phí lãi vốn tăng cao khiến hiện thời ưu thế không thuộc về bên bán.

Thực tế, ở dự án bất động sản của một DN niêm yết lớn đã xuất hiện dấu hiệu về các liên minh tay 3, tay 4, chuyển nhượng lòng vòng để cùng ghi nhận lợi nhuận trên sổ sách. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến trường hợp một số DN bất động sản bán dự án nhưng vẫn có nhu cầu huy động vốn lớn. Phải chăng, hoạt động chuyển nhượng nhằm “đánh bóng” số liệu, hỗ trợ cho công tác phát hành? Cả hai hoạt động được tiến hành song song nhằm khỏa lấp bức tranh thực không mấy sáng sủa về tình hình tài chính của DN?

Theo Giang Thanh

ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên