MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu cổ phần hóa những "ông lớn" giao thông ra sao?

Trước khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có không ít nghi ngại trong chính đội ngũ cán bộ, nhân viên, thậm chí lãnh đạo tại 10 tổng công ty diện cổ phần hóa (CPH).

Thế nhưng, sau CPH, một luồng gió mới với những tín hiệu tích cực đã xuất hiện tại hầu hết các tổng công ty này.

Nhen nhóm tư duy kinh tế mới

Chỉ sau thời điểm đồng loạt CPH 10 tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT hơn một tháng, PV Báo Giao thông có dịp trực tiếp làm việc với nhiều đơn vị trong diện chuyển đổi. Phòng làm việc của Tổng giám đốc một tổng công ty xây lắp có thương hiệu lớn khá bề bộn, đủ để thấy những lo toan và một khối lượng công việc đồ sộ đang chờ “vị thuyền trưởng” mới chèo lái. Ông bộc bạch: “Chính thức từ bây giờ tôi chỉ là người làm thuê. Nếu làm việc tốt thì được tín nhiệm giữ lại còn không sẽ bị thay thế ngay lập tức. Ông chủ mới chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc và kết quả sản xuất kinh doanh”.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Bộ GTVT) tính đến nay, ngành GTVT đã có 44 đơn vị, tổng công ty hoàn thành việc CPH. Trong số này, từ đầu năm 2014 đến nay đã CPH 10/11 Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ còn Tổng công ty Hàng không VN. Dự kiến, từ nay đến năm 2015 sẽ tiến hành và hoàn thành CPH tiếp gần 30 doanh nghiệp thuộc ngành. Thậm chí, một số đơn vị sẽ thực hiện CPH trước thời hạn như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) dự kiến sẽ CPH trong năm 2018 nhưng sẽ làm ngay trong năm 2014. Về nhân sự tại các Tổng công ty, trong số 10 Tổng công ty hoàn thành CPH năm 2014 đã có ba tổng giám đốc và chủ tịch được điều chuyển làm nhiệm vụ khác.

Chúng tôi ghé thăm phòng làm việc của trưởng phòng Tổng công ty đó. Đón khách vào phòng, chủ nhân bối rối bởi đồ đạc trong phòng ngổn ngang. Xếp lại đống tài liệu đang bày la liệt trên bàn, ghế, anh bảo: “Đang sắp xếp lại phòng làm việc. Trước đây một mình một phòng nhưng từ khi chuyển sang CPH, sếp mới yêu cầu “ở ghép”.

Cấp trưởng phòng sẽ không còn phòng riêng, bị thu hẹp lại để cho nhân viên vào chung phòng. Không những thế, từ khi chính thức sang CPH, mọi chi phí như: Điện, nước, văn phòng phẩm, xe ô tô cũng được tiết giảm tối đa”.

Tôi hỏi vì sao Tổng công ty còn nhiều phòng chưa sử dụng hết mà phải ghép như vậy? Anh trả lời: “Sếp mới yêu cầu tận dụng diện tích còn lại để cho thuê, tránh lãng phí”.

Qua câu chuyện, chúng tôi nhận thấy trong ánh mắt của vị trưởng phòng hiện rõ nét buồn buồn. Thế nhưng, khi định an ủi thì anh đã nói trước: “Cũng là chuyện dễ hiểu mà. Giờ doanh nghiệp tự bươn trải thì phải tính toán, tiết giảm tối đa, không thể cứ thoải mái như trước được”.

Ra khỏi toà nhà cao tầng của Tổng công ty từng là điểm nhấn kiến trúc trên một con phố lớn Hà Nội, chúng tôi cảm nhận một không khí mới, cách làm mới và một tư duy kinh tế mới đang bắt đầu nhen nhóm ở nơi này.
Sẵn lòng ra đi sau CPH

Tại cuộc họp diễn ra trung tuần tháng 8/2014 vừa qua, để đánh giá kết quả sau CPH của các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt ghi nhận những đóng góp to lớn của lãnh đạo các doanh nghiệp với công cuộc “đưa tàu vượt sóng sang sông”, thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc CPH thành công các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế, thị trường khó khăn, kinh tế suy giảm nhưng chúng ta đã thực hiện thành công CPH. Đó là một sự cố gắng lớn. Cảm ơn các đồng chí quyết tâm thực hiện các chỉ đạo của Bộ để có được kết quả như ngày hôm nay. Tôi cũng chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp gặp phải khi chuyển DNNN sang CPH. Đây là điều khó tránh khỏi và cần thời gian để thay đổi tâm lý, thay đổi quản trị, sắp xếp cơ cấu sản xuất. Tôi biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vừa cổ phần xong, hôm trước còn được tặng bằng khen hôm sau đã rời vị trí lãnh đạo, nhận nhiệm vụ mới. Trước đó, dù họ biết nhưng vẫn làm tốt, để thực hiện CPH thành công. Đấy là một sự cố gắng lớn, cần phải ghi nhận và đánh giá cao”, Bộ trưởng chia sẻ.

Thực tế sau CPH tại các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, có nhiều chủ tịch, tổng giám đốc các DNNN thôi các chức vị liên quan để nhận nhiệm vụ mới. Trong số đó có không ít người đã gắn bó với doanh nghiệp hàng mấy chục năm và có rất nhiều kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời thế đổi thay, cách làm cũng khác và họ sẵn sàng ra đi sau khi đã đưa con thuyền cập bến CPH thành công.
Những luồng gió mới

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, đến hết ngày 30/6, tất cả 10 Tổng công ty trực thuộc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH đều hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp và chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Nhiều người nói, đối với danh nghiệp cổ phần “tiền đi liền khúc ruột”. Chính vì thế cung cách làm ăn, quản lý doanh nghiệp cũng sẽ khác. Trong đó, cái được đầu tiên là sự minh bạch và việc sử dụng con người sẽ hiệu quả hơn. Thế nhưng, suy cho cùng, mọi đổi thay có được đánh giá là thành công hay không đều hướng tới việc đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động có được giữ vững và tốt hơn không. Thật mừng là đến thời điểm này, qua báo cáo của hầu hết các đơn vị CPH trong năm qua thì bức tranh ấy đều có gam màu sáng.

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình CPH mới đây, khi được Bộ trưởng Đinh La Thăng hỏi về tình hình sau CPH, hầu hết lãnh đạo các Tổng công ty đều cho biết, tất cả vẫn được duy trì ổn định, phát triển bình thường, lao động có thu nhập ổn định như trước khi tiến hành CPH.

Là “ông chủ” mới của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Mọi việc diễn ra suôn sẻ, tổ chức Đảng và công đoàn cũng như các đoàn thể vẫn hoạt động như trước”.

Còn theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI): “Sau CPH, chúng tôi đặt nhiệm vụ phải có đột phá, giảm chi phí và tăng công nghệ để phát triển. Dù thể chế doanh nghiệp có thay đổi nhưng về tổ chức Đảng vẫn là “bộ não” chỉ đạo toàn bộ hoạt động”.

Là một đơn vị khá khó khăn trước khi CPH và trong quá trình bán đấu giá, đơn vị này bán không hết cổ phần theo kế hoạch, thế nhưng khi được Bộ trưởng Đinh La Thăng hỏi về tình hình sau CPH, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy khẳng định: “Tuy gặp một số khó khăn về việc giải quyết chế độ dôi dư lao động nhưng tình hình hoạt động chung của đơn vị bắt đầu khá lên. Việc chuyển đổi, sắp xếp lại thì dôi dư lao động là khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi đang phấn đấu để thu nhập của cán bộ, nhân viên phải cao hơn trước”.

Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) cũng là đơn vị có nhiều khó khăn, tồn tại trước khi CPH. Thậm chí ít ai nghĩ đơn vị này có thể CPH thành công nhưng sau đó đơn vị này lại có nhà đầu tư chất lượng. Nói về tình hình sau CPH, ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cho biết: “Nếu trước đây nợ lương là bình thường, nay được trả trước ngày mùng 10 hàng tháng.
Bên cạnh đó, các hoạt động về Đảng, Đoàn cũng được xốc lại bằng cách tăng thêm hỗ trợ và có thêm cán bộ chuyên trách. Chưa bao giờ Tổng công ty có đội văn nghệ, nhưng vừa rồi chúng tôi đã tham gia giải văn nghệ của ngành GTVT và đạt giải khu vực. Tới đây, đội bóng của Tổng công ty cũng sẽ được thành lập. Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, nhân viên”.
Theo Tiến Mạnh

thanhhuong

Giao thông Vận tải

Trở lên trên