MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả kinh doanh quý 2: Cây đũa thần cho thị trường chứng khoán?

Nhiều tin tốt về dự báo KQKD đã nhanh chóng phản ánh vào giá một số cổ phiếu. Ẩn số vẫn còn nhiều và thị trường chứng khoán sắp tới được dự báo là sẽ phân hóa mạnh theo thông tin KQKD chính thức.


Thị trường chứng khoán đã đi được phân nửa tháng 7. Nhà đầu tư vẫn chờ đợi từng ngày báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp. Vẫn chưa nhiều con số được hé lộ.

Khi thông tin kinh tế vĩ mô trở nên mờ nhạt bởi thời điểm này không có quá nhiều chính sách mới được đưa ra thì kết quả kinh doanh trở thành điểm tựa lớn nhất cho quyết định đầu tư.
Kết quả kinh doanh tất nhiên luôn là mùa mà nhà đầu tư trông đợi nhất bởi nó phản ánh rõ nét nhất sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin này có là "cây đũa thần" hô biến sự biến động giá cổ phiếu hay không thì vẫn cần xem xét!

Kết quả kinh doanh: Đồn đoán và biến động trước

Đồn đoán kết quả kinh doanh được nhà đầu tư truyền tai nhau khắp các diễn đàn từ cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Đồn đoán thì có thể đúng-hoàn toàn có thể đúng nếu nhà đầu tư nghiên cứu kỹ doanh nghiệp và biết được những nhân tố tác động đến nguồn doanh thu, lợi nhuận. Có thể sai-thậm chí sai to bởi đơn giản nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp, càng không phải là thánh nhân để có thể lường hết những biến động thất thường (đó là chưa kể đến những trò tung tin để đẩy giá, dìm hàng...hiển nhiên tồn tại trên thị trường).

Và, nhiều đồn đoán có cơ sở được nhà đầu tư tin, cổ phiếu đã biến động trước.

Thời gian qua, dù thị trường điều chỉnh khá mạnh nhưng những cổ phiếu được đánh giá là kết quả kinh doanh có nhiều triển vọng trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Sự thật, không ít cổ phiếu đã có mức tăng trưởng phi mã trong 6 tháng đầu năm. Đến đầu tháng 7, khi mùa báo cáo tài chính chớm bắt đầu thì nhiều cổ phiếu dù có phân tích cơ bản tốt vẫn bị điều chỉnh.
Thông tin tốt đã phản ánh vào giá?

Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm "nhạy" nhất thị trường đối với thông tin. Điều này khá dễ hiểu bởi đơn giản: hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán dễ "đoán" được theo biến động của thị trường. 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán tạo ra được nhiều con sóng lớn, giá trị giao dịch tăng mạnh so với cùng kỳ...Và, nhà đầu tư có cơ sở để đoán: doanh thu môi giới, tự doanh....của công ty chứng khoán có thể tăng trưởng mạnh.

Dự đoán của nhà đầu tư đã đúng cho kỳ kinh doanh quý 1. Các công ty chứng khoán ồ ạt báo lãi tăng trưởng mạnh và những nhà đầu tư kịp mua cổ phiếu chứng khoán được phen cười tươi khi danh mục của mình tăng mạnh. Sang quý 2, tuy thị trường không thuận lợi như quý 1 nhưng cũng đủ tốt để nhà đầu tư kỳ vọng bức tranh doanh thu, lợi nhuận khả quan cho nhóm công ty chứng khoán trong 6 tháng đầu năm.

Đến đầu tháng 7, khi nhiều con số về thị phần môi giới, về giá trị giao dịch, giá cổ phiếu...trong 6 tháng được chốt thì nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu chững lại và điều chỉnh. Kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn được nhìn nhận là tăng trưởng mạnh nhưng dù sao giá cổ phiếu chứng khoán cũng đã tăng khá trong 6 tháng đầu năm, dư địa để tăng tiếp khi có thông tin báo cáo tài chính là không quá nhiều.

Vẫn đầy những ẩn số

Trong khi kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành dễ thấy, dễ phân tích là ra thì cũng có nhiều doanh nghiệp không dễ đoán. Ẩn số khiến những đồn đoán về hoạt động kinh doanh vẫn tạo hứng khởi cho nhà đầu tư.

Ví dụ như trường hợp của PVX. Không ít nhà đầu tư trông chờ kết quả không quá bi quan trong 6 tháng khi những nỗ lực tái cơ cấu luôn được doanh nghiệp này đưa ra từ lâu nay. Nào là chuyện thoái vốn bằng mệnh giá tại công ty con, nào là dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được bảo lãnh vay vốn nước ngoài, nào là chuyện thoái vốn thành công ở Fecon mining...Thế nhưng, những tin "tốt" liên tục bị những tin như: dự kiến lỗ hàng trăm tỷ đồng đưa ra tại ĐHCĐ, ước doanh thu nghìn tỷ và công ty mẹ bị lỗ trong tin tổng kết hoạt động kinh doanh 6 tháng...được đưa ra. Giá cổ phiếu liên tục "nhảy" theo tin. Đồn đoán vẫn không ngừng!

Những luồng thông tin mà nhà đầu tư thường xuyên khai thác là "đoán" lợi nhuận thông qua tin thoái vốn trong kỳ; bán tài sản; lãi nhờ chiến lược kinh doanh mới; thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn dựa vào vĩ mô chung để đoán kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như: tình hình xuất khẩu được công bố là cải thiện; chỉ số sản xuất được đánh giá ổn định trở lại....

Bởi những ẩn số kết quả kinh doanh vẫn còn nhiều, nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường chứng khoán sẽ sớm phân hóa trở lại trong thời điểm chờ thông tin báo cáo chính thức về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp trên sàn và những mã cổ phiếu triển vọng chưa tăng giá nhiều vẫn sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
 Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên