MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khan hiếm hàng mới lên sàn

Sức hấp dẫn của TTCK đến từ số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Việc thị trường hút hàng mới trong bối cảnh hiện tại sẽ không thể hút thêm dòng tiền đổ vào TTCK.

Dù TTCK diễn biến khá sôi động trong thời gian gần đây, nhưng số lượng doanh nghiệp niêm yết mới lại không tăng, thậm chí từ nay đến cuối năm nếu tình hình suôn sẻ cũng chỉ có thêm từ 1-2 doanh nghiệp niêm yết mới. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Xuống nhiều hơn lên

 
Theo thống kê của HOSE, trong cả quý III, toàn sàn HOSE chỉ có 3 mã CP và 1 CCQ được niêm yết mới với hơn 244 triệu đơn vị. Còn tính đến thời điểm hiện nay, HOSE đã nhận được hồ sơ niêm yết mới của 5 công ty gồm: CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (44,2 triệu CP), CTCK Thiên Việt (43 triệu CP), CTCP Phân bón Miền Nam (43,5 triệu CP), CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (32 triệu CP), CTCP Phân lân nung chảy Vân Điển (28,9 triệu CP).

Ngoài 5 doanh nghiệp, mới đây HOSE cũng đã có công văn chấp thuận cho CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) được niêm yết 28,8 triệu CP. Theo lộ trình được Cadivi đặt ra sẽ lên sàn trong quý IV. Như vậy, nếu Cadivi thực hiện đúng như cam kết từ nay đến hết năm 2014 HOSE chỉ có thêm 1 doanh nghiệp niêm yết mới.

Sức hấp dẫn của TTCK đến từ số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Việc thị trường hút hàng mới trong bối cảnh hiện tại sẽ không thể hút thêm dòng tiền đổ vào TTCK.  

Tại HNX, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới cũng không mấy khả quan với chưa đầy 10 doanh nghiệp chào sàn kể từ quý II đến nay. Các doanh nghiệp chào sàn có: CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định (NDF), CTCP Quản lý đầu tư Trí Việt (TVC), CTCP Xây lắp III Petrolimex (PEN), CTCP Đầu tư phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII), CTCP Đầu tư C.E.O (CEO), CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco (VMI).

Tuy nhiên, trong cả quý III vừa qua, HNX không nhận thêm hồ sơ niêm yết mới nào. Điều này đồng nghĩa với khả năng từ nay đến hết năm 2014 HNX sẽ không đón nhận thêm mã chứng khoán mới được đưa vào giao dịch.

Như vậy, số doanh nghiệp niêm yết mới thậm chí còn thấp hơn số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết. Theo thống kê, trong tổng số 600 doanh nghiệp đang niêm yết trên cả 2 sàn có gần 50 doanh nghiệp đối mặt nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do hoạt động kinh doanh thua lỗ và vi phạm công bố thông tin.

Sợ bị thâu tóm và minh bạch

Thông thường, yếu tố quyết định cho số lượng doanh nghiệp lên sàn là thanh khoản của dòng tiền và diễn biến của TTCK. Trên thực tế, các doanh nghiệp chào sàn trong những tháng gần đây đều được NĐT đón nhận và tăng giá ngay trong phiên chào sàn. Điển hình là MWG (CTCP Thế giới di động), SHP (CTCP Thủy điện Miền Nam) trên sàn HOSE hay TVC và NDF trên sàn HOSE.

Trong khi đó thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện đáng kể với trung bình 3.000 tỷ đồng được giao dịch mỗi phiên trên cả 2 sàn. Như vậy, cả 2 yếu tố này đều đang ủng hộ cho quyết định niêm yết của các doanh nghiệp, nhưng tại sao số lượng doanh nghiệp niêm yết mới không tăng.

Theo lý giải của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã không còn lo ngại giá CP giảm sau khi niêm yết mà chuyển thành nỗi sợ bị thâu tóm khi số trường hợp doanh nghiệp bị thâu tóm trên TTCK ngày càng nhiều. Một khi doanh nghiệp bị thâu tóm thì quyền lực và quyền lợi của lãnh đạo sẽ bị chia sẻ.

Ngoài yếu tố thâu tóm, còn một nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại lên sàn là phải minh bạch trong các vấn đề công bố thông tin, nhất là sau khi HOSE và HNX ban hành quy chế niêm yết mới với nhiều điều kiện gắt gao hơn (có hiệu lực từ đầu năm 2014).

Chẳng hạn, theo quy định đăng ký niêm yết, điểm nổi bật trong quy chế mới của HOSE là doanh nghiệp phải có lãi, không lỗ lũy kế, ROE năm gần nhất tối thiểu đạt 5%, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm (được xem xét dựa trên BCTC kiểm toán năm gần nhất); giám đốc tài chính được bổ sung vào nhóm cam kết nắm giữ CP từ 6 tháng trở lên kể khi niêm yết CP.

Ngoài ra, trong quá trình đăng ký niêm yết có những điểm thay đổi. Chẳng hạn, trường hợp quá 6 tháng kể từ ngày có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mà tổ chức đăng ký niêm yết không thực hiện bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu, HSOE sẽ dừng việc xem xét hồ sơ đó.

Theo Hải Hồ

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên