MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận khủng

Nhiều DN niêm yết đang đứng trước áp lực phải hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2014 gấp đôi năm ngoái.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, CTCP Cơ điện lạnh REE - đơn vị nắm 99,99% vốn ở Reetech - đề ra kế hoạch kinh doanh cho công ty con ở mức rất cao: doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 50 tỷ đồng. Đó là một khác biệt lớn với tình hình kinh doanh 3 năm trở lại đây (2011-2013) của Reetech. Sản lượng máy lạnh bán ra của DN này giảm dần và đến năm 2013 chỉ tiêu thụ bằng 76,4% năm 2010 - năm đỉnh cao của Reetech. Doanh thu năm 2013 cũng chỉ đạt 526 tỷ đồng, giảm 25,9% so với năm 2012. Đặc biệt, LNST năm 2013 của Reetech giảm về 24 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Với kết quả này, Reetech đã 3 lần “lỗi hẹn” với các kế hoạch kinh doanh đề ra...

Reetech không phải là DN cá biệt có kế hoạch kinh doanh khủng trong năm nay. Một trường hợp khác, CTCP Chương Dương (CDC) cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2014 rất mạnh. Theo đó, CDC cho biết kế hoạch LNTT 2014 đang được đặt ra ở mức 15-20 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2013. Không chỉ vậy, CDC còn công bố với toàn thể cổ đông là LNST năm 2014 có thể cao hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra, nếu việc chuyển nhượng lại 14.852,6 m2 đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức hoàn tất trong năm nay…

Có thể thấy, trong xu thế chung của nhiều DN niêm yết là điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh, thì việc các DN điều chỉnh tăng chỉ tiêu kinh doanh khiến nhiều cổ đông nghi ngại. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đó là con số ảo mà DN cố tình “tung hỏa mù” để nâng giá cổ phiếu. Một trong những phản biện là, thị trường hiện tại có xu hướng dịch chuyển tốt, nhưng rất khó để trở về “thời kỳ vàng son” như trước kia để các DN có thể kiếm lời khủng bù đắp cho hoạt động sản xuất chính của mình. Riêng với những DN sản xuất - kinh doanh như REE, họ đều đang phải chống chọi với hàng loạt thương hiệu ngoại và sức mua hàng hóa đang giảm sút…

Đơn cử, mặt hàng máy lạnh Reetech rất khó tăng lượng bán trong điều kiện thị trường xây dựng từ nay đến cuối năm chưa thể thay đổi nhanh. Mặt khác, nhà sản xuất này chưa thể mở rộng thị phần ra miền Bắc, dù mặt hàng máy điều hòa dân dụng Reetech có công suất lớn, giá cả trung bình và rất phù hợp với nhu cầu người dân. Trong một báo cáo nghiên cứu thị trường cuối năm 2013 của Công ty GfK, có đến 60% người tiêu dùng thường quyết định mua sản phẩm gắn với những thương hiệu lớn. Dù rằng, Reetech đã xoay chuyển theo thị hiếu người tiêu dùng bằng cách góp vốn liên doanh nhập khẩu máy điều hòa General, nhưng kết quả chưa khả quan.

Việc các công ty niêm yết tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao là điều cổ đông luôn trông đợi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, khi DN tăng lợi nhuận là phải tăng năng suất, tăng hiệu quả đi kèm. Dù thấy được chiến lược của DN đã rõ ràng, nhưng DN muốn phát triển và làm ăn có lãi thì phải lấy các chỉ tiêu về chất lượng hoạt động và sản phẩm để đo lường hiệu quả kinh doanh, chứ không thể chỉ lấy doanh thu để đo lường trong bối cảnh các DN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn từ thị trường.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE giải thích về kế hoạch khủng đặt ra: Reetech sẽ tích cực tìm kiếm những nhà cung cấp mới với giá cạnh tranh để có thể hạ giá thành sản phẩm, cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Thêm ý kiến, lãnh đạo CDC tự tin đang có những lợi thế nhất định từ doanh thu cho thuê văn phòng ổn định. Bằng việc đưa ra doanh thu hàng năm từ mảng kinh doanh này, khoảng 30-35 tỷ đồng doanh thu với lợi nhuận góp vào khoảng 62-65% sẽ giúp DN thực hiện được kế hoạch kinh doanh đề ra. Đồng thời, CDC kỳ vọng thị trường xây lắp phục hồi trong thời gian tới sẽ mang về trên dưới 70% doanh thu cho DN...

Theo KIM

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên