MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệch pha số liệu sau kiểm toán

Như mọi năm, hiện tượng lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết lại diễn ra.

 Tuy nhiên, do chưa có chế tài và quy định xử phạt từ các cơ quan quản lý, nên hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến.

Theo BCTC kiểm toán 2013, CTCP Xây dựng số 15 (V15) lỗ sau thuế 60,66 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với con số lỗ trước kiểm toán). Nguyên nhân do V15 trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn khiến chi phí tài chính tăng hơn 4 tỷ đồng sau kiểm toán và trích lập dự phòng phải thu khó đòi, trích lập trước chi phí kiểm toán 2013 nên chi phí quản lý doanh nghiệp lên mức 47,2 tỷ đồng (tăng hơn 26 tỷ đồng so với trước kiểm toán).

Trong BCTC đã kiểm toán, các kiểm toán viên lưu ý về khoản phải thu khách hàng đã quá hạn thanh toán trên 1 năm khoảng 47 tỷ đồng (tại 31-12-2013). Ngoài ra, kiểm toán viên cũng lưu ý khả năng hoạt động liên tục của V15 vì khả năng thanh toán thấp và gặp khó khăn về quản lý dòng tiền, thu hồi các khoản phải thu, thanh toán các khoản nợ vay, nợ đến hạn và tìm kiếm hợp đồng mới.

Lệch pha lớn nhất đến thời điểm hiện nay là trường hợp Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX). Theo BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2013 của PVX, hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến doanh nghiệp này tiếp tục được đơn vị kiểm toán đưa ra.

Theo đó, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh trên báo cáo kết quả kinh doanh của PVX đều thay đổi mạnh so với báo cáo kiểm toán (riêng chỉ tiêu doanh thu thuần giảm 134 tỷ đồng còn 4.962 tỷ đồng, lãi gộp hơn 54 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp khá mạnh 238 tỷ đồng).

Chỉ tiêu doanh thu và hàng loạt yếu tố khác thay đổi mạnh nên PVX chỉ còn lỗ 2.228 tỷ đồng sau thuế, trong đó phần lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ 1.623 tỷ đồng. Mức lỗ này đã giảm gần 500 tỷ đồng so với số lỗ ròng trước kiểm toán 2.110 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) là doanh nghiệp gây bức xúc cho NĐT, do thường xuyên để xảy ra chênh lệch trước và sau kiểm toán. Theo BCTC kiểm toán năm 2013, lợi nhuận sau thuế của ITA nhảy từ 47,5 tỷ đồng lên 90,3 tỷ đồng (tương đương mức tăng 90%).

Về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, lãnh đạo ITA cho rằng do doanh nghiệp tính lại phần lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Trước đó, BCTC năm 2012 và bán niên năm 2013 của ITA cũng có sự chênh lệch khá lớn trước và sau kiểm toán khiến NĐT đặt nghi vấn về chất lượng BCTC của doanh nghiệp này.

Tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng 30 doanh nghiệp niêm yết để xảy ra tình trạng chênh lệch trước và sau kiểm toán năm 2013. Đó là các trường hợp của Tổng CTCP Dung dịch Khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC), CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH), CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm (FCN), CTCP Thủy sản số 4 (TS4), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE)… Thậm chí, 8/8 doanh nghiệp than hiện đang niêm yết xảy ra hiện tượng lệch số liệu trước và sau kiểm toán của BCTC năm 2013.

Việc doanh nghiệp thường xuyên để xảy ra tình trạng lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Trên thực tế, mỗi khi để xảy ra chênh lệch, doanh nghiệp chỉ cần gởi văn bản giải trình là xong và năm sau tiếp tục sai.

Cho dù doanh nghiệp có vô tình hay cố ý, việc để xảy ra tình trạng chênh số liệu trước và sau kiểm toán cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự không lành mạnh cho TTCK, bởi đây chính là kẽ hở tạo nên các giao dịch nội gián.

Theo Kim Giang

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên