MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên sàn cho… vui

Niêm yết CP trên TTCK được xem như cú hích để doanh nghiệp có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và TTCK cũng có thêm hàng hóa, sự lựa chọn tốt cho NĐT. Nhưng cũng có những DN không đạt được các tiêu chí tích cực này và dường như đứng ngoài xu hướng tích cực của TTCK.

Lên sàn vẫn làng nhàng

TAG (CTCP Thế giới số Trần Anh) niêm yết tại HNX vào đầu năm 2010 và Trần Anh cũng là một thương hiệu lớn trong mảng phân phối hàng điện tử tại thị trường phía Bắc. Năm đầu tiên trên sàn (2010), TAG lãi ròng gần 37 tỷ đồng, năm tiếp theo được gần 60 tỷ đồng, nhưng kể từ năm 2012 đến nay, chỉ tiêu này cứ giảm dần.

Cụ thể, trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, TAG lãi ròng lần lượt 31,5 tỷ đồng, 1,3 tỷ đồng và 3,9 tỷ đồng. Cộng tất cả các khoản lãi ròng của TAG trong giai đoạn 2010-2014 (đạt hơn 133 tỷ đồng) cũng chưa bằng lãi… một quý trong năm 2014 của MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động). Cũng nên nói thêm, từ 5 năm trở về trước đó, MWG không thể nổi như TAG tại thị trường phía Bắc và MWG cũng chỉ mới lên sàn được hơn 1 năm.

ONE (CTCP Truyền thông số 1) là một mã CK rất dễ nhớ (one trong tiếng Anh là số 1), nhưng nhìn vào giao dịch của CP này thì lại rất… dễ quên vì chẳng có ấn tượng gì. ONE lên sàn HNX từ giữa năm 2008 nhưng tính đến thời điểm này vốn điều lệ mới chỉ đạt 50 tỷ đồng. Nghĩa là công ty hoặc không muốn, hoặc không thể hoặc đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để tăng vốn.

50 tỷ đồng vẫn cao hơn so với mức vốn tối thiểu thời điểm niêm yết tại “sàn Hà” là 30 tỷ đồng, nhưng vẫn có thể nói là thấp nếu so với các doanh nghiệp khác. Trong 4 quý gần nhất, từ quý IV-2014 đến quý III-2015, có đến 2 quý ONE lãi chưa đến 1 tỷ đồng, đó là quý IV-2014 và quý III-2015. Tất nhiên, trong KQKD cũng có cả yếu tố mùa vụ, tuy nhiên việc 1 DN niêm yết có lãi chưa đến 1 tỷ đồng có thể nói là thiếu ấn tượng.

Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, không có phiên nào KLGD của HOT (CTCP Du lịch - Dịch vụ Hội An) vượt quá con số 1.000 CP/phiên, thậm chí chỉ có 1 phiên duy nhất CP này khớp được “hàng trăm”, đó là phiên 16-10 với 240 CP được giao dịch.

Thanh khoản cũng như diễn biến của CP này rõ ràng đã tương phản với mã CK rất “đẹp” HOT. KQKD của HOT tính từ thời điểm lên sàn vào năm 2011 đến 2014 là khá ấn tượng khi lãi ròng đạt lần lượt 28 tỷ đồng, 34 tỷ đồng, 21 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Những khoản lãi ròng như vậy chia cho vốn điều lệ 80 tỷ đồng của HOT sẽ cho một tỷ suất sinh lời hấp dẫn và HOT là một mặt hàng, nếu xét về mặt định giá là “chất”.

Nhưng thanh khoản quá thấp, cộng với việc không có nhiều hoạt động tương tác với thị trường đã khiến CP này không gây được ấn tượng gì đặc biệt. Tất nhiên, công ty làm ăn tốt thì có lợi cho cổ đông, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu các lợi ích này được mở rộng cho các NĐT khác trên thị trường. Thử đặt vấn đề, nếu HOT cởi mở với NĐT hơn nữa thì hoạt động kinh doanh của công ty sẽ thuận lợi đến mức nào?

Đừng để mất cơ hội

Những trường hợp như của TAG, ONE, HOT… hay một số mã CK khác có thanh khoản thấp, CP không được đông đảo NĐT chú ý đã nói lên rất nhiều điều. TTCK tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt, khi cơ hội đến mà các doanh nghiệp không biết nắm bắt, tận dụng tất yếu sẽ bị tụt lại phía sau và không dễ gì có thể lấy lại được.

Một điều cần nhấn mạnh ở đây là CP dù ở giai đoạn nào vẫn có thể thu hút được NĐT, ngay cả lúc thua lỗ. Chỉ cần NĐT nhìn thấy được một điểm tích cực nào đó của CP đều có thể giải ngân. Nghĩa là dù TTCK có phân hóa khắc nghiệt nhưng khi có cơ hội dòng tiền sẽ tìm đến, vấn đề là DN cần cho thị trường thấy “nỗ lực” của mình. Nhìn lại những công ty nêu trên, không có cái tên nào rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên và cũng có những lợi thế nhất định trong hoạt động, nhưng hình ảnh trên sàn thì vẫn cứ “nhàn nhạt”.

Có lẽ vấn đề nằm ở phía doanh nghiệp và người ta có thể đặt câu hỏi cho những công ty niêm yết, nhưng để CP èo uột trên sàn, thiếu thanh khoản về mục đích thực sự để làm gì. Có ý kiến còn gay gắt hơn khi cho rằng với những CP như vậy thì… không nên niêm yết bởi sẽ không tạo được sự tích cực cho thị trường.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một quan điểm, nhưng cần thấy rằng, lướt bảng điện tử mà mới nhìn thấy CP này khớp hàng trăm ngàn, hàng triệu CP, rồi lại đến những mã chỉ khớp có vài chục, vài trăm CP, thậm chí không có giao dịch rõ ràng sẽ có những cảm giác hụt hẫng.

Rào cản của những công ty này cho đến thời điểm hiện tại có lẽ nằm ở chính nội tại doanh nghiệp, có lẽ sau khi đã “lặng lẽ” quá lâu trên sàn thì sức ì cũng vì vậy trở nên quá nặng nề. Muốn đẩy mạnh quan hệ cổ đông, NĐT hiện nay cũng khá dễ vì đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện và có các đơn vị tư vấn. Nhưng liệu DN có chịu làm, rồi duy trì sự liên tục và có cho đó là cần thiết không?

Trong ngắn hạn, có thể những CP niêm yết kiểu cho có, cho vui vẫn… sống khỏe, vì làm ăn có lãi, công bố thông tin đầy đủ, CP có giao dịch. Nhưng theo sự vận động của thị trường, và cũng theo đà phát triển của các doanh nghiệp, ngành nghề, chưa thể khẳng định tương lai sẽ như thế nào. Liệu có chắc rằng, những năm trước cho đến hiện tại, doanh nghiệp không cần tăng vốn và tương lai cũng sẽ như vậy?

Theo Du Miên

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên