Liều lĩnh và toan tính
Khác với sự hồ hởi trước đây, các nhà đầu tư hiện tỏ ra khá dè dặt với cổ phiếu thưởng, hay cổ tức được chia bằng cổ phiếu.
Ngày 18/7 tới đây, Pjtaco (PJT) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:12 và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:3, đồng nghĩa với việc cổ đông có 100 cổ phiếu cũ thì được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. PJT hiện đang niêm yết tại HoSE và có vốn điều lệ 84 tỷ đồng, thuộc vào loại thấp nhất vào sàn này, lượng cổ phiếu phát hành thêm cũng chỉ 1,26 triệu cổ phiếu.
Vậy nên, ảnh hưởng gia tăng nguồn cung, pha loãng của PJT cũng khó lòng tác động đến thị trường chung mà sẽ chỉ gói gọn trong phạm vi các cổ đông hiện có của PJT. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, không có phiên nào khối lượng giao dịch của PJT vượt quá 10.000 cổ phiếu, trái lại có phiên mã này chỉ được giao dịch có 10 cổ phiếu. Có khá nhiều cách "cắt nghĩa" về việc cổ phiếu có thanh khoản thấp như không ai mua, không ai bán, và thậm chí là không ai mua bán…
Trong 4 năm gần nhất, PJT đều làm ăn có lãi, lợi nhuận cũng gia tăng khá đều đặn, EPS của cổ phiếu này khoảng 1.800 đồng/cổ phiếu, với mức giá 8.700 đồng/cổ phiếu thì P/E của PJT chưa đến 5 lần. Điểm qua như vậy để thấy rằng PJT không phải dạng "hàng lởm", làm ăn yếu nên khó rơi vào diện bán mà không ai mua. Năm 2013, PJT đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ 10,9 tỷ đồng, thấp hơn hẳn so với mức 15,4 tỷ đồng đạt được năm ngoái. Điểm hạn chế nữa của PJT chính là cổ phiếu nhỏ dẫn đến thanh khoản kém, công ty làm ăn cũng ở mức ổn định, ngành nghề cũng không phải quá hấp dẫn, nên sức cầu của thị trường cũng không đột biến. Ở trong trạng thái, nếu cổ đông "sợ" lượng cổ phiếu phát hành thêm của PJT thì sẽ có thể xuất hiện xu hướng bán ồ ạt nhưng theo dõi lệnh mua bán của cổ phiếu này thì có thể thấy cung cầu cũng không có gì bất thường.
Điều này gợi ra khả năng PJT "yên vị" trong tay một số cổ đông có ý định nắm giữ tương đối dài hạn hay chí ít cũng không chịu áp lực bán trong hiện tại. Vậy nên, khi công ty có gia tăng một lượng cổ phiếu mới với tỷ lệ 15% thì mức độ ảnh hưởng cũng không quá lớn với những người có ý định giữ cổ phiếu lâu dài.
HGM (Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang) với mức lợi nhuận khủng, chia cổ tức cũng khủng trong thời gian gần đây cũng quyết định sẽ chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ từ 63 tỷ đồng lên thành 126 tỷ đồng.
Năm 2013, Bao bì Biên Hòa (SVI) đặt kế hoạch lãi 75 tỷ đồng trước thuế, trong khi vốn điều lệ của công ty hiện chỉ mới xấp xỉ 90 tỷ đồng. Sau 7 ngày nữa (15/7) SVI sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1, đồng thời cũng chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%. Cách làm của SVI có thể làm hài lòng các cổ đông cả trong ngắn lẫn dài hạn.
Bởi lẽ, khi chia cổ tức bằng tiền mặt, thì cổ đông cũng được đảm bảo một nguồn thu nhập rõ ràng, qua đó cũng có thể tin tưởng hơn với kế hoạch trong dài hạn của công ty. Nếu SVI duy trì được tỷ suất lợi nhuận như thời gian qua, tiếp tục hoàn thành những kế hoạch mà công ty đã đặt ra cho đến năm 2017 (đạt lợi nhuận 130 tỷ đồng trước thuế) thì khả năng pha loãng cổ phiếu trong đợt tăng vốn này cũng không quá cao.
Từ đầu năm đến nay, SVI cũng đã tăng giá rất mạnh, từ 25.000 đồng/cổ phiếu lên gần 40.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này cũng có thanh khoản không cao và nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ việc cổ đông chưa vội bán ra, hoặc muốn giữ dài hạn. Tương tự như SVI, Thủy sản Mekong (AAM) và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cũng sẽ tiến hành vừa trả cổ tức bằng tiền mặt lẫn cổ phiếu trong những ngày tới đây.
Điểm qua một số trường hợp để thấy rằng những công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ phiếu thưởng hiện nay thường ít nhất phải có những nền tảng nhất định trong hoạt động kinh doanh. Hiện tượng những công ty hoạt động không hiệu quả hay không có lợi thế nhưng vẫn cố đấm ăn xôi chia cổ phiếu cho cổ đông đang dần bị thu hẹp.
Sự liều lĩnh, nếu có sẽ nằm ở thì tương lai, quá khứ, thành tích đã đạt được dù là cơ sở tin cậy nhưng không thể là điều kiện chắc chắn 100% doanh nghiệp sẽ duy trì, hay làm được hơn thế nữa. Bản thân doanh nghiệp khi tăng vốn trong thời điểm hiện nay, chỉ cần không làm được như kỳ vọng, hay không theo kế hoạch thì cổ đông sẽ lập tức quay lưng, chứ không kiên nhẫn hay dễ dãi như trước nữa.
Theo Khiêm An