Lực hút Cổ phiếu ngân hàng
Sau khi tăng liên tục 6 phiên từ 530 điểm chạm ngưỡng 570 điểm, VN Index đã có phiên giảm nhẹ đầu tiên trong ngày hôm qua 27-5 khi mất đi 0,72 điểm xuống còn 566,48 điểm. Trong khi đó HNX Index tiếp tục có phiên tăng thứ 3 trong tuần đạt 81,72 điểm.
- 06-05-2015Dòng cổ phiếu ngân hàng – cao trào cuối cùng?
- 20-04-2015Cổ phiếu ngân hàng chưa hết chuyện để bàn, 2 sàn giảm điểm
- 25-03-2015Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á, tín hiệu kết thúc khủng hoảng nợ xấu
VN Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng 562 điểm, dường như kỳ vọng trên thị trường có phần tham lam hơn khi hướng đến mốc 570 điểm. Thực tế ngưỡng 570 điểm đã chạm vào ngày 26-5 nhưng chưa thể vượt qua được, lúc này bắt đầu có sự phân hóa về đường đi của từng nhóm CP cũng như tâm lý của nhiều NĐT trở nên phân vân hơn.
Phiên 27-5, thị trường điều chỉnh có thể xem như là hệ quả tất yếu của một loạt phiên tăng để VN Index chạm đỉnh ngắn hạn và buộc phải “nghỉ”. Nhóm CP của CTCK đã tăng 10-20% chỉ trong 1 tuần đã lấy lại phần lớn mức giá sụt giảm trước đây. Song vấn đề nằm ở chỗ KQKD quý I-2015 của các CTCK không thật sự tích cực, còn diễn biến của TTCK cũng chỉ mới khởi sắc trong khoảng 10 phiên gần đây.
Như vậy dòng tiền dành cho nhóm CP của các CTCK có thể sẽ cần thêm thời gian để “căn chỉnh” kỳ vọng, định giá một cách phù hợp nhất. Trong một chừng mực nào đó, đà tăng của thị trường được hãm lại cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người bỏ lỡ đợt bắt đáy khi VN Index về 530 điểm còn HNX Index về 77 điểm. CP tăng quá nhanh, bên mua e dè, trong khi bên bán có thể chốt lời quyết liệt dẫn đến giá giảm mạnh, lại bộc lộ rủi ro.
Một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của CP ngân hàng và vai trò dẫn dắt còn có thể tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi vẫn còn chứa đựng nhiều bất ngờ.
Một diễn biến cũng không quá bất ngờ khi có một nhóm CP trụ đỡ là ngân hàng tiếp tục bộc lộ vai trò dẫn dắt tích cực. Điều này mở ra khả năng nhóm CP ngân hàng điều chỉnh các nhóm khác sẽ có cơ hội bật tăng trở lại để thay thế vai trò dẫn dắt. Trước mắt, có thể thấy đó là trường hợp của FPT, một blue chip nhưng đã có thời gian dài ngủ yên và năm 2015 bắt đầu thức giấc.
Thời gian qua, ngoài nhóm blue chip ngân hàng như BID, CTG, VCB thì FPT cũng chính là blue chip sáng giá sau đó. Chỉ trong 5 phiên từ 19 đến 25-5, FPT đã tăng giá từ 4.9 lên 5.4, tương ứng tỷ lệ 10%. Hiện tại vẫn còn một số blue chip như VNM, VIC… vẫn đang ở tại vùng giá hấp dẫn và NĐT đang kỳ vọng những CP này sẽ có những diễn biến tích cực trong thời gian sắp tới. Sự bất ngờ lớn nhất có lẽ nằm ở nhóm CP ngân hàng với 2 mã VCB và ACB. Việc VCB vượt ngưỡng 4.0 sau đó tiếp tục tăng mạnh lên 4.3 vượt quá sự tưởng tượng của nhiều NĐT.
VCB vượt qua ngưỡng 4.0 là điều nhiều NĐT tin rằng có thể xảy ra, nhưng sự tin tưởng này đi kèm với nghi ngờ. Vậy nên thực tế mức độ tham gia của NĐT dành cho VCB trong những phiên gần đây cũng chưa đến mức bùng nổ. Phiên 21-5, là phiên CP này chạm ngưỡng 4.0, thanh khoản đạt gần 686.000 CP, phiên sau đó tăng lên 4.2 thanh khoản mới tăng lên gần 1,3 triệu, nhưng phiên điều chỉnh nhẹ vào ngày 25-5 thanh khoản lại giảm xuống 686.000CP.
Phiên 26-5, CP này tăng lên 4.3, thanh khoản lại tăng trên 1 triệu CP. Sự trồi sụt về thanh khoản của VCB cho thấy CP này vẫn chứa đựng những sự e dè hoặc cũng có thể là bùng nổ trong từng phiên. Và chừng nào các yếu tố này còn chưa rõ ràng, ổn định, nhiều khả năng biến động giá của VCB sẽ còn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ và trong điều kiện TTCK vẫn diễn biến tích cực chưa thể nói lên được điều gì.
Ở đây có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, tính đến hết ngày 27-5, giá trị vốn hóa của VCB đã tăng lên đến 114.000 tỷ đồng, trong khi GAS là 118.000 tỷ đồng. Nghĩa là vai trò vốn hóa lớn nhất không còn là sự “độc quyền” của GAS. Điều này có thể sẽ kéo theo rất nhiều giao dịch xung quanh cả 2 CP này và qua đó tác động đến điểm số của thị trường.
Thứ hai, có lẽ rất nhiều NĐT sẵn sàng trả giá 4.0 cho VCB, trong đó có NĐTNN cũng kỳ vọng CP này trong dài hạn. Vậy nên, rất khó để nói rằng 4.0 là đỉnh của VCB hay chưa, dù rằng CP này nói riêng và nhóm CP ngân hàng nói chung cũng đã tăng trong thời gian ngắn. Trường hợp thú vị tiếp theo chính là ACB khi CP này đã có 3 phiên rực sáng rất thú vị để từ mức 1.6 tăng lên 1.8.
Nhìn chung, đến thời điểm này thanh khoản trên cả 2 sàn vẫn đang được duy trì ở mức tích cực ở mốc từ 2.000 tỷ đồng/phiên trở lên, đây là yếu tố quan trọng chứng minh dòng tiền cũng như niềm tin đang tiếp tục trở lại. Bên cạnh nhóm CP lớn, đóng góp đáng kể vào thanh khoản cũng như điểm số của thị trường, nhóm CP có tính đầu cơ cao như khoáng sản, hay thậm chí những CP sắp bị hủy niêm yết cũng đã nổi sóng rất mạnh trong những ngày vừa qua.
Điều này có thể lý giải do việc nhóm CP đầu cơ hoặc một số CP có biến động mạnh đã bị đè nén trong thời gian quá dài, chỉ chực chờ bật lại khi có cơ hội. Dòng tiền tính đến thời điểm này vẫn chỉ mới quanh quẩn tại một số nhóm CP trụ cột chứ chưa có sự luân chuyển rõ ràng. Chẳng hạn từ blue chip chuyển sang mid cap hoặc penny, hoặc một số nhóm CP khác nhau.
Trong 2 phiên 28 và 29-5, nhiều khả năng thanh khoản sẽ tiếp tục được duy trì nhờ dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở những CP chưa tăng giá. Điểm số của thị trường có thể sẽ được quyết định tiếp bởi nhóm CP ngân hàng. CTG và BID đang tiệm cận ngưỡng 2.0 và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều bất ngờ. Trường hợp nếu VN Index vượt ngưỡng 570 điểm, thanh khoản có thể tiếp tục tăng mạnh. Còn nếu VN Index điều chỉnh, vùng 560 điểm trong ngắn hạn vẫn được hỗ trợ rất mạnh.
>> "Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới"