MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin hàng "hot" cho CTCK nhỏ

Độ "hot" của CP thường tỷ lệ thuận với sức mạnh của dòng tiền ký quỹ (margin). Dù vậy, không phải dòng tiền margin nào cũng vồn vã với đợt sóng của CP penny trong thời gian gần đây.

Bạc cắc cho CTCK lớn

Trong số 10 CP có số phiên tăng trần nhiều nhất trong tháng 11 (tăng từ 9 phiên trở lên) chỉ có duy nhất 1 mã được giao dịch ký quỹ là Incomfish (ICF), các mã còn lại như VNH (Thủy hải sản Việt Nhật) hay VPC (ĐT&PT Năng lượng VN)... đều nằm ở diện cảnh báo do thua lỗ trong năm 2012 và tất nhiên không được giao dịch ký quỹ.

Mặc dù những thông tin về việc CTCK "lách" luật để cho vay margin một số CP không được cơ quan quản lý cho phép cũng chỉ ở dạng phỏng đoán, nhưng nếu có thật đây cũng là một sự phân hóa không thể rõ hơn giữa các CTCK. CTCK lớn cho margin CP tốt, quy trình chặt chẽ; CTCK nhỏ cho margin "hàng thải" của CTCK với rất nhiều rủi ro. Từ đây chỉ những CTCK nhỏ nào "liều" nhất và may mắn nhất mới có thể sống được.

Phiên 28-11 phiên tăng trần thứ 10 của ICF và mức giá đỉnh được xác lập 7.100 đồng/CP cùng KLGD cũng đạt mức cao nhất 635.120 CP, tương ứng GTGD khoảng 4,5 tỷ đồng. Giả định ICF có dòng tiền margin tham gia với tỷ lệ tối đa 1:1 (NĐT bỏ 1, CTCK cho vay 1) số tiền sẽ vào khoảng 2,25 tỷ đồng.

Lấy mức lãi suất margin ở mức trung bình khoảng 15%/năm, 2,25 tỷ đồng sẽ phải trả lãi mỗi ngày hơn 900.000 đồng, cho dù có "ngâm" số tiền này trong vòng nửa tháng tiền lãi cũng chỉ hơn chục triệu đồng. Đối với nhiều CTCK đây chỉ là khoản thu nhập "bạc cắc".

Các thống kê trên đây cũng chỉ ra cửa để dòng tiền margin có thể hỗ trợ cho CP nóng rất hẹp. Tham khảo từ nhân viên môi giới các CTCK lớn đều cho biết dù các CP nóng kiểu như DRH, PXM, VNH, VPC có "kéo trần" thêm vài chục phiên nữa cũng sẽ không cấp margin cho các mã này.

Có lẽ các CTCK lớn không "dại" cấp margin cho những CP không đem lại thu nhập bao nhiêu, trong khi nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vì không tuân thủ quy định từ cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy những nét tích cực trong nghiệp vụ quản trị rủi ro từ một số CTCK khi đã hệ thống hóa quy trình và kiên quyết nói không với những CP "hàng nóng". Một nhân viên môi giới cho biết có những CP penny mặc dù vẫn đủ quy định cho vay margin nhưng các CTCK cũng chủ động hạn chế bằng cách hạ tỷ lệ cho vay.

Nguồn sống cho CTCK nhỏ

Mặc dù các CTCK nói không với margin hàng nóng, nhưng theo các môi giới dày dạn kinh nghiệm cửa vẫn để ngỏ dành cho các CTCK nhỏ hơn để nắm lấy phân khúc này. Câu hỏi đầu tiên là khi không được phép triển khai margin đối với một số CP, các CTCK sẽ làm thế nào? Để trả lời có lẽ cần dựa vào... lịch sử.

Trong một số trường hợp các CTCK vẫn "sáng tạo" cũng như "liều lĩnh" để tìm được cách lách các quy định của các cơ quan quản lý, nên trong đợt CP nóng này, lịch sử vẫn có thể lặp lại. Nói như lời một NĐT am hiểu, nếu CTCK nhỏ không liều mình margin cho CP penny tăng nóng không biết lấy nguồn nào tồn tại nữa.

Vả lại, CTCK nhỏ vốn margin cũng nhỏ, trong khi CP penny cũng không cần vốn margin lớn. Mục tiêu của các CTCK nhỏ lúc này là tồn tại, nên chỉ cần có cơ hội là nắm bắt, còn chuyện thuân thủ quy định từ từ tính tiếp.

Thông thường, khi CTCK lớn từ chối hoặc hạn chế cho margin một số CP, CTCK nhỏ có thể thu thập thông tin và "bắn tiếng" thông qua các môi giới hay NĐT về việc có thể xem xét hỗ trợ vốn cho khách chơi hàng nóng, nhưng cũng khá kín kẽ, tỷ lệ cho vay margin ban đầu cũng chỉ theo thị trường là 1:1.

Khi khách hàng đồng ý và bắt đầu giao dịch, CTCK sẽ xem xét hỗ trợ gia tăng hạn mức, có thể đến 3:7 hoặc 2:8 (NĐT bỏ 2/3 đồng được vay 8/7 đồng). Những cách lách có khả năng được sử dụng là CTCK sẽ không đứng ra cho vay margin mà sẽ liên kết với một bên thứ 3 để cho NĐT vay hoặc có những tài khoản khác nhau để khách mua bán...

Tất nhiên bên cho vay hay môi giới lúc này đều có những quy định hết sức ngặt nghèo để kiểm soát rủi ro cho mình. Vấn đề nằm ở chỗ, những CP penny hàng nóng chỉ có thể được mua vì tăng giá, đến khi giá hết tăng chẳng ai mua, lúc đó NĐT muốn bán ra để thu hồi vốn cho mình, trả tiền cho CTCK thì không biết sẽ bán cho ai? Vậy nên, để chắc ăn có lẽ những NĐT tiên phong hoặc cầm cái đã "chạy hàng" ngay từ đầu. Nếu khả năng này xảy ra, những bên ôm hàng lúc sau cầm chắc phải lãnh quả đắng.

Theo quy luật từ trước đến nay, thường khi CP penny hoặc mid cap tăng giá sẽ gắn với một hoặc vài CTCK "ruột" có thể là nơi đầu mối về cả cung lẫn cầu. Khả năng cả thị trường đổ tiền vào những CP penny tăng nóng khó xảy ra vì thanh khoản quá nhỏ, nên những mã tăng nóng lần này cũng chỉ có thể phát xuất từ một vài đầu mối nào đó.

Theo Thái Ca

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên