Margin trở lại, nhà đầu tư dè chừng
Theo lý giải từ trưởng phòng môi giới một CTCK trong top 10, lý do NĐT không sử dụng margin đơn giản vì e ngại rủi ro của thị trường.
Tăng nhưng còn thấp
Từ ngày 20-5, NĐTNN bắt đầu tiết giảm hoạt động mua ròng nói riêng cũng như các giao dịch mua-bán nói chung, thanh khoản của TTCK nhìn chung vẫn ổn định với mốc trung bình 2.000 tỷ đồng/phiên và hoạt động tự doanh của CTCK cũng không có gì đáng kể. Điều này chứng tỏ sự tham gia của NĐT trong nước, cụ thể là NĐT cá nhân, đang gia tăng nhanh chóng và kèm theo đó sẽ là dòng tiền margin.
Tuy nhiên, dòng tiền margin đã bắt đầu “bốc” trong 2 phiên 27 và 28-5, GTGD mỗi phiên vào khoảng 2.400 tỷ đồng, tức tăng khoảng 20% so với mức trung bình. Cũng trong 2 phiên này, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường, một tỷ lệ khá thấp.
Giám đốc môi giới của một CTCK lớn ước tính, so với vùng đáy của thị trường vào giữa tháng 5 lượng tiền margin hiện nay đã tăng khoảng 20%, nhưng so về số tuyệt đối không lớn. Chẳng hạn, tại một số CTCK có thể cấp margin lên đến vài ngàn tỷ đồng, trong khi mức độ cung ứng hiện thời chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Còn với các NĐT, tỷ lệ sử dụng margin hiện chỉ khoảng 50% so với vốn tự có, trong khi mức trần là 100%. Thông thường, khi thị trường tạo đáy cũng là lúc các đợt giải chấp kết thúc, mà như vậy tỷ lệ sử dụng margin của NĐT cũng ở mức cực thấp nên giai đoạn hiện nay chỉ có thể mô tả là “nhộn nhịp hơn” và còn cách khá xa mức “nóng”.
Mặt khác, khá nhiều blue chip vốn thu hút nhiều nhất dòng tiền margin, đều đi ngang, như vậy cũng đồng nghĩa với CP ít sóng, khó thu hút được margin nhanh và nhiều trong thời gian ngắn. Nếu điểm lại 10 phiên gần nhất, những CP nhiều sóng nhất thuộc về nhóm mid cap và penny, nên nhóm này có thể là nơi tập trung của dòng tiền margin. Nhưng do quy mô của nhóm CP này không bằng blue chip nên độ lớn của dòng tiền cũng sẽ kém hơn.
Phụ thuộc thị trường
Theo lý giải từ trưởng phòng môi giới một CTCK trong top 10, lý do NĐT không sử dụng margin đơn giản vì e ngại rủi ro của thị trường. Chưa kể những người mới trải qua một giai đoạn phải giải chấp để cân bằng trạng thái, nếu không may thua lỗ còn e ngại hơn trong việc sử dụng đòn bẩy. Phiên 27-5 VN Index đã tăng gần 9 điểm đạt hơn 552 điểm, chính thức bước vào vùng kháng cự 550-555 điểm khá mạnh mẽ.
Thế nhưng sang đến phiên 28-5, mặc dù tâm lý NĐT tiếp tục hưng phấn, nhưng mức độ sử dụng margin vẫn khá dè chừng. Như vậy, khả năng dòng vốn margin tăng hay giảm trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chung. Theo đó sẽ có một số kịch bản có thể xảy ra:
Thứ nhất, nếu VN Index tiến thẳng đến vùng 570 điểm khoảng 5-10 phiên tới, NĐT sẽ rơi vào thế “không thể không mua” và từ đó sẽ hành động gấp gáp hơn, tỷ lệ sử dụng margin sẽ được nâng cao để tranh thủ kiếm lời. Nhưng thị trường tiến càng nhanh rủi ro càng lớn, nên dòng tiền margin có thể tăng mạnh nhưng cũng sụt giảm rất nhanh.
Khả năng này rất dễ xảy ra khi các đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETF sẽ diễn ra trong nay mai và thường rất sôi động. Sóng tăng/giảm của CP và thậm chí của cả thị trường sẽ phụ thuộc vào việc mua vào/bán ra của các ETF
Thứ hai, VN Index sẽ đi ngang và trụ trên ngưỡng 550 điểm. Đây là kịch bản mà nhiều người chờ đợi nhất, bởi ổn định dành cho thị trường cũng quan trọng không kém chuyện sinh lời, vì có ổn định rồi sẽ có cơ hội. Khả năng này sẽ xảy ra nếu các trụ vẫn tiếp tục luân chuyển vai trò “gồng gánh” thị trường như những ngày rồi.
Chỉ cần mỗi ngày có khoảng 3-4 CP trong nhóm 6 trụ gồm BID, BVH, GAS, MSN, VIC, VNM có “giá xanh” (tăng) là VN Index sẽ đồng biến. Lúc này sẽ diễn ra sự phân hóa CP rất mạnh để tạo ra một mặt bằng giá mới. NĐT có thể mua và nắm giữ trung hạn những CP có khả năng công bố KQKD quý II-2014 tích cực, đồng thời cũng tăng margin để lướt sóng hưởng chênh lệch giá khoảng 5%.
Thực tế các CTCK cũng mong kịch bản này xảy ra hơn là thị trường tăng nóng, bởi khi tăng nóng CTCK sẽ chịu sức ép rót vốn nhưng áp lực quản trị rủi ro cũng đè nặng.
Thứ ba, trường hợp VN Index không trụ được ở khu vực 550 điểm, có thể xuất hiện điều chỉnh trong ngắn hạn mặc dù mức độ không lớn. Nhưng tính riêng một số CP sẽ có những động thái như “đè” hay “đạp” để buộc bên bán phải tiến hành giải chấp.
Những CP dễ xảy ra khả năng này, nhất là những mã đã tăng “khỏe” trong khoảng 5 phiên gần đây và được mua dồn dập trong khoảng 2 phiên vừa qua. Trong thực tế, khả năng này khó xảy ra trừ khi có một thông tin tiêu cực hoặc những “tay to” bán ồ ạt. Tuy nhiên, khi thị trường vẫn đang ổn định cho dù đã lãi khoảng 20% nhiều người vẫn chưa vội chốt lời.