Mở room, các doanh nghiệp không nên quá lo lắng bị thâu tóm
Chiều 7/8/2015, tại buổi tọa đàm “Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”, các chuyên gia nhận định nguy cơ bị thôn tính với nhà đầu tư ngoại là không đáng lo.
- 07-08-2015T.S Nguyễn Thành Long: “Hiện đã hoàn thiện tất cả văn bản thông tư hướng dẫn về việc nới room”
- 27-07-2015Một tháng sau quyết định nới room, chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới
- 27-07-2015Trước giờ giao dịch 27/7: Kỳ vọng nới room và cuộc đàm phán TPP
Nới room là điều thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Đây là một lộ trình bắt đầu từ năm 1999. Khi đó, chúng ta lần đầu mở room cho khối ngoại là 20% rồi 4 năm sau là 30% và sau 2 năm tiếp theo tăng lên 49%.
Tới đây, trong từ 1/9, khi Nghị định 60/2015 NĐ-CP được chính phủ ban hành, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Tuy vậy, những vấn đề cụ thể hóa, thông tư hướng dẫn về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa được cụ chỉ rõ. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: “Nghị định có hiệu lực từ 1/9, hiện đã hoàn thiện tất cả văn bản thông tư hướng dẫn theo chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Tài chính”.
Không nên lo ngại thôn tính
Đối với vấn đề rủi ro thôn tính, TS. Võ Trí Thành cho rằng M&A là bình thường, thời gian qua M&A nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò chủ đạo nhưng doanh nghiệp Việt cũng có thể đi thâu tóm.
Việc thâu tóm này phụ thuộc vào chiến lược thâu tóm của từng nhà đầu tư M&A để làm gì, đằng sau đấy. Có thể bây giờ chúng ta phải chấp nhận M&A là để học hỏi để hậu M&A tiếp tục con đường đó hoặc con đường khác.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Long, không nên hiểu thâu tóm theo nghĩa tiêu cực. Thâu tóm bình thường chỉ là hoạt động tập trung kinh tế, tạo sức cạnh tranh. Trong khi đó, thâu tóm theo nghĩa tiêu cực, theo thuật ngữ chuyên môn, là "thâu tóm thù địch" được hiểu như việc công ty bán bán tài sản lớn mà các cổ đông không biết.
Vì vậy, cơ quan quản lý đã dự tính nên quy định rằng ĐHĐCĐ mới là tổ chức còn quyền quyết định mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ nào. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua trên 25% vốn của 1 doanh nghiệp thì đã phải thực hiện chào mua công khai về giá, thời gian mua.
Đứng ở góc độ tổ chức kết nối các nguồn vốn, ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế trưởng, Phó tổng giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital cho rằng nhà đầu tư cũng không nên đánh đồng nhà đầu tư ngoại lại bởi họ là những tổ chức riêng biệt có chiến lược, mục đích, định hướng đầu tư khác nhau, thậm chí họ có thể ghét nhau.