MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối lương duyên đứt đoạn

Theo một chuyên gia chứng khoán, mấu chốt nằm ở khả năng kiểm soát rủi ro với các khoản cho vay. Ngân hàng cho CTCK vay và CTCK dùng số tiền này cấp margin cho khách hàng để mua cổ phiếu.

Thời báo Kinh Doanh đã từng có bài viết "Cuộc chiến thị phần nhìn từ doanh thu khác" thể hiện những khoản lợi nhuận hấp dẫn từ hoạt động cấp margin cho khách hàng của các công ty chứng khoán (CTCK). Câu hỏi đặt ra ở đây là trong hoạt động margin, cũng giống như cho vay, có vẻ như các CTCK đang có nhiều thuận lợi, vậy còn ngân hàng chuyên cho vay, đang ở đâu?

Một thời, nguồn vốn ngân hàng và thị trường chứng khoán có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, nhưng giờ đây lại đang "lạnh nhạt" thực sự. Giật mình vì mối quan hệ từ chỗ mặn nồng chẳng mấy chốc đã bị đứt đoạn, có khi còn có thể đoạn tuyệt.

Từ không cần vay

Trên báo cáo tài chính quý I/2013 của Công ty CPCK Tp.HCM (HCM), vay và nợ ngắn hạn của công ty bằng 0. Công ty có khoản vay và nợ dài hạn 110 tỷ đồng thì đây là khoản trái phiếu phát hành vào năm 2011 với kỳ hạn 5 năm. Nhìn vào báo cáo tài chính quý đầu tiên trong năm 2013 của Công ty CPCK VNDirect (VND), các khoản vay và nợ ngắn hạn lẫn dài hạn đều bằng 0. Một số CTCK khác cũng có trường hợp tương tự như HCM hay VND, hầu như các khoản nợ vay rất ít.

Một số CTCK khác cũng tương tự như HCM và VND, không tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Tổng giám đốc một CTCK nằm trong top 10 cho biết, hiện nay hoạt động cấp margin cho khách hàng của công ty này chủ yếu sử dụng vốn của công ty, mà có khi dùng còn chưa hết công suất, nên nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng không có. Những công ty này, do hoạt động có chiến lược và khá ổn định trong những năm vừa qua, nên bảo toàn được nguồn vốn của mình.

Trong khi đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng ở mức vừa phải, lâu lâu mới bùng nổ, nguồn vốn của các CTCK thừa sức đáp ứng, không cần "chi viện" từ phía ngân hàng. Ví dụ: giá trị giao dịch cả 2 sàn ở mức trung bình khá sẽ ở mức trên dưới 1.500 tỷ đồng/phiên. Giả sử toàn bộ thị trường sử dụng margin với tỷ lệ 50:50, thì nguồn vốn cần có sẽ là 750 tỷ đồng một phiên, 3 phiên tương ứng 2.150 tỷ đồng. Mà con số này thì chỉ cần một CTCK là thừa sức đáp ứng. Huống chi, có nhiều thời điểm thanh khoản của thị trường còn ở dưới mức trung bình còn dưới mức này và đâu phải lúc nào nhà đầu tư cũng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đến không dễ cho vay

Những CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau hỗ trợ hoặc cổ đông lớn là ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn. Đặt trong bối cảnh hiện nay thì đây không phải là sự hỗ trợ hay lệ thuộc theo kiểu "mẹ" cứu hay giúp "con" mà đây là quan hệ đôi bên cùng có lợi. Bởi ngân hàng tìm được đầu ra cho đồng vốn lúc này không dễ, trong khi đó lãi suất cấp margin của các CTCK với khách hàng cũng rất hấp dẫn (15 - 18%/năm). Nhưng trong thực tế, không phải ngân hàng và CTCK nào cũng có cơ hội để đem lại lợi ích cho nhau.

Nhìn lại thì không ít CTCK đã và đang phải trả giá cho việc vay vốn sau đó đem về cho vay lại nhà đầu tư một cách quá đà. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các CTCK rơi vào trạng thái mất thanh khoản, dẫn đến rủi ro trong hoạt động.

Bản thân chứng khoán đã là một ngành được xem là rủi ro, trong khi hoạt động của một số CTCK cũng rất rủi ro, tựa tựa như việc rủi ro kép. Như vậy thì ngân hàng, lại đang trong tình trạng không muốn gia tăng, liệu có muốn rót vốn nữa hay không?

Cũng phải nói rõ, không phải CTCK nào có ngân hàng mẹ đứng sau cũng phát triển, mở rộng thị phần. Vì nhiều lý do, trong đó có thể do chiến lược của ngân hàng mẹ không đẩy mạnh, thì CTCK cũng phải tuân theo. Vì vậy, số lượng CTCK có thể kết hợp với ngân hàng để nhận sự hỗ trợ nguồn vốn như khi trước cũng bị thu hẹp lại.

Theo một chuyên gia chứng khoán, mấu chốt nằm ở khả năng kiểm soát rủi ro với các khoản cho vay. Ngân hàng cho CTCK vay và CTCK dùng số tiền này cấp margin cho khách hàng để mua cổ phiếu.

Trong mối quan hệ cấp margin, cũng giống như cho vay, giữa CTCK với khách hàng, thì cổ phiếu đóng vai trò như tài sản đảm bảo. Nhưng khi ngân hàng cho CTCK vay, thì tìm đâu ra tài sản đảm bảo lại không dễ.

Nếu CTCK có danh mục đầu tư, có hoạt động tự doanh thì còn có thể có tài sản, nhưng số này càng ngày càng ít. Còn lại, nếu CTCK chỉ chuyên môi giới thì không có tài sản, mà ở đây nếu cho vay theo kiểu tín chấp thì những những CTCK có thị phần lớn, ổn định mới đáp ứng được. Mà số công ty này, như đã nói ở trên, nhiều khi cũng… không cần vốn vay.

Vậy nên, lời giải của bài toán có thể tìm ra nếu ngân hàng kiểm soát được hoạt động cho vay của các CTCK, thí dụ cho khách hàng vay hạn mức bao nhiêu, quy trình quản trị rủi ro thế nào… Muốn làm được điều này hiện không dễ, và chỉ những ngân hàng mẹ mới có thể kiểm soát CTCK con như vậy. Thế nên, dù cho vay margin rõ ràng là hấp dẫn nhưng ngân hàng để vừa đảm bảo được quản trị rủi ro, để cũng vừa tham gia vào hoạt động này, thông qua việc cấp vốn cho CTCK cũng gặp không ít thách thức.

Theo Khiêm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Từ Khóa:
Trở lên trên