MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua thấp, bán cao?

Một số tổ chức đã và đang gom mua những cổ phiếu giá thấp. Đây có thể xem là tín hiệu vui cho các cổ phiếu này?

Đăng ký mua vào

Theo thông tin công bố cuối tháng 6/2013, Quỹ Đầu tư Việt Nam (VIF) đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Thời gian giao dịch ghi nhận từ ngày 25/6 - 24/72013. Quỹ đầu tư Việt Nam dự tính sẽ gom cổ phiếu TTF qua giao dịch khớp lệnh lẫn thỏa thuận.

Quỹ Đầu tư Việt Nam là quỹ đầu tư do Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV - VN Partner quản lý. Theo chiến lược vạch ra từ khi thành lập năm 2006, Quỹ VIF sẽ chuyên đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hoá, mới phát hành lần đầu, các loại chứng khoán niêm yết có triển vọng tăng trưởng và có tính thanh khoản tốt.

Quỹ cũng sẽ đầu tư vào một số dự án chọn lọc có tiềm năng sinh lời cao để nắm quyền chi phối... Chính vì thế, Quỹ VIF không phải là tổ chức xa lạ ở TTF. Theo báo cáo giao dịch cổ đông nội bộ và cổ đông lớn, quỹ này tham gia mua cổ phiếu TTF từ nhiều năm trước.

Đến cuối tháng 4/2013, sau khi TTF tiến hành thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 50% (tháng 3/2010) và 20% (tháng 6/2012), VIF nắm hơn 6 triệu cổ phiếu TTF, tương đương 10,18% vốn ở TTF. Nếu VIF mua thêm 1 triệu cổ phiếu TTF như kế hoạch, sở hữu của quỹ này tại TTF sẽ tăng lên 11,87% vốn.

Không riêng VIF, trước đó, chỉ trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4, Mutual Elite Fund - quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý quỹ PYN Fund Management đã gây sốc cho thị trường khi ồ ạt giải ngân và nhanh chóng trở thành cổ đông lớn ở nhiều đơn vị như Công ty CP Bao bì dầu thực vật (VPK) với tỷ lệ nắm giữ 9,07%; Công ty CP Bột giặt LIX (nắm giữ 4,34%), Công ty CP Sách giáo dục Hà Nội (nắm 10,42%); Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (nắm 6,43%)...

Trong tháng 5, Mutual Elite tiếp tục công bố kết quả sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở ba doanh nghiệp nữa. Việc đầu tư của quỹ này dường như không theo ngành nghề hay quy mô nhất định nào.

Đáng chú ý, Mutual Elite còn sẵn sàng đầu tư vào cả những doanh nghiệp đang thất thế và thua lỗ như cổ phiếu KDH của Công ty Bất động sản Khang Điền.

Tương tự, những khoản đầu tư của ASEAN small cap Fund vào Công ty CP Ninh Vân Bay (NVT, tháng 7/2012) hay mới đây là vào Công ty CP Chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam (VIG, tháng 3/2013) cũng khiến nhà đầu tư thắc mắc. Vì cả hai cổ phiếu VIG và NVT đều nằm trong diện bị kiểm soát do đã thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Có thể vui không?

Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn - Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, có nhiều lý do để quỹ đầu tư quan tâm tới cổ phiếu giá thấp. Họ mua vì đánh giá đó là những cổ phiếu còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hy vọng một khả năng gặt hái lợi nhuận cao. Ngoài ra, khi tích cực mua cổ phiếu giá thấp, quỹ đầu tư còn có thể đẩy giá cổ phiếu tăng.

Theo quan sát, hầu hết các cổ phiếu này đều tăng giá mạnh trong thời gian các quỹ giải ngân. Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) tăng 40% từ 20.000 đồng lên 28.000 đồng/CP, VPK tăng từ 30.000 đồng lên 37.000 đồng (tăng hơn 20%), TTF tăng từ 5.500 đồng lên 7.500 đồng...

Tuy nhiên, sau khi "lên mây", giá các cổ phiếu này lại sớm trở về mức cũ. Ngay như cổ phiếu TTF thậm chí còn giảm sàn dù tin Quỹ Đầu tư Việt Nam muốn mua vào 1 triệu cổ phiếu TTF có tác dụng làm tăng trần trong phiên giao dịch hôm đó. Hiện tại, giá cổ phiếu TTF vẫn đang giao dịch trong mức 5.500 - 6.000 đồng.

Theo dõi lịch sử giao dịch, Quỹ Đầu tư Việt Nam vẫn giao dịch mua cổ phiếu như đăng ký. Tuy nhiên, số lượng mua thực tế thường ít hơn rất nhiều so với lượng đăng ký giao dịch. Đơn cử, ở thời điểm đầu năm 2012, quỹ này từng lên kế hoạch mua 300.000 cổ phiếu TTF nhưng kết quả chỉ mua 25.100 cổ phiếu.

Lý do được quỹ đưa ra là điều kiện thị trường không thuận lợi. Đối với cổ phiếu VNS của Vinasun, VIF cũng giữ cách giao dịch này. Ngoài mua, Quỹ Đầu tư Việt Nam còn tích cực đăng ký bán.

Vào đầu năm nay, Quỹ Đầu tư Việt Nam từng muốn bán 3 triệu cổ phiếu TTF, nhưng cũng vì điều kiện không tốt nên quỹ đã chưa bán ra cổ phiếu nào như đăng ký.

Rõ ràng, giới đầu tư khó trông đợi nhiều ở hành động của Quỹ Đầu tư Việt Nam. Thực tế, quỹ này từng lướt sóng các cổ phiếu sở hữu và xem khoản đầu tư vào TTF, VNS như khoản đầu tư ngắn hạn.

Nhưng sự quan tâm của giới đầu tư dành cho Mutual Elite có phần kỹ lưỡng hơn. Qua tìm hiểu, đây là quỹ đến từ Phần Lan do PYN Fund Management., Ltd huy động. PYN Fund Management., Ltd tại thời điểm 1/2013 đang quản lý hai quỹ mở gồm Populus và Elite, với tổng tài sản là 194 triệu EUR.

Populus tập trung vào thị trường phát triển ở châu Á (như Nhật Bản) và có tài sản là 106 triệu EUR, còn Elite tập trung vào thị trường các nước đang phát triển ở châu Á, quản lý 88 triệu EUR và chủ yếu đầu tư vào Thái Lan.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Bloomberg, tính đến ngày 28/2/2013, tổng tài sản của Elite đã lên đến 96,77 triệu EUR (khoảng 2.600 tỷ đồng). Trong đó thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất là Thái Lan (30%), thứ nhì là Việt Nam (29%), sau đó tới Trung Quốc (26%).

Ước tính, hiện quỹ còn khoảng 14% tiền mặt, tương đương 440 tỷ đồng. Chiến lược đầu tư của cả hai quỹ do PYN Fund Management quản lý là đầu tư dài hạn vào các công ty vừa và nhỏ tại các thị trường châu Á.

Thực tế, động thái của Mutual Elite từng khiến một số doanh nghiệp muốn thủ thế. EBS đã lên kế hoạch mua 30% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ. Lãnh đạo Điện Quang cũng từng muốn mua 20% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ.

Nhưng nhìn tổng thể, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ việc các quỹ chú ý đến cổ phiếu giá thấp. Vì thanh khoản cổ phiếu đã cải thiện, giá cổ phiếu được "ăn theo" và các kế hoạch huy động vốn cũng có hy vọng dễ triển khai hơn.

Theo XUÂN HÒA

thanhhuong

Doanh nhân Sài Gòn Online

Trở lên trên