MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2014: Lướt sóng như VIX

Việc mua đi bán lại trong những khoảng thời gian chóng vánh cũng khiến người ta đặt câu hỏi: Có thật đó là lướt sóng, hay VIX đang trở thành một công ty trung gian mua cổ phiếu rồi bán lại cho nhà đầu tư khác – những người đang muốn trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đó?

Năm 2014 thực sự là một năm thay da đổi thịt của CTCP Chứng khoán IB (mã: VIX) – vốn là chứng khoán Xuân Thành trước kia.

Sự thay đổi đánh dấu bằng việc ông Nguyễn Đức Thụy (hay thường được gọi là bầu Thụy) – nguyên Chủ tịch HĐQT của VIX bán sạch số cổ phần sở hữu, rút chân khỏi công ty này. Sau đó, toàn bộ ban lãnh đạo đã được thay thế bằng những gương mặt mới.

Dù khá khép kín với truyền thông nhưng những người lãnh đạo này không thể không gây chú ý khi điều hành hoạt động đầu tư của VIX như một công ty chứng khoán chuyên đi “lướt sóng” cổ phiếu.

Cụ thể, vào ngày 07/04/2014, VIX đã mua 2.335.270 cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,277% nhưng chỉ vài ngày sau đó, VIX bắt đầu bán VHG ra. Sau 2 đợt bán, đến 18/04/2014 – tức 11 ngày sau khi trở thành cổ đông lớn,  VIX chỉ còn nắm giữ 315.730 cổ phiếu VHG tương đương 0,842% vốn điều lệ.

Tương tự như vậy, cũng ngày 07/04/2014, VIX mua 1.445.490 cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Vinagolf, trở thành cổ đông lớn nắm giữ 11,92% vốn điều lệ. Đến ngày 29/04/2014, VIX đã bán hết, chỉ còn nắm 1.000 cổ phiếu VNG tương đương 0,01% vốn điều lệ.

Điệp khúc này tiếp tục được lặp lại nhiều lần nữa trong năm 2014 với các mã cổ phiếu: S99 của CTCP Sông Đà 9.09; FCM của CTCP Khoáng sản Fecon; QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình; GTN của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất.

Ngày 15/5/2014, VIX đã mua vào 1.263.000 cổ phiếu S99 và chính thức trở thành cổ đông lớn với số lượng cổ phiếu nắm giữ 1.873.077 đơn vị (tức 14,99% vốn điều lệ). Sau 4 tháng, VIX đã bán và chỉ còn nắm giữ 544.900 cổ phiếu S99 tương đương 4,36% vốn.

Ngày 10/06/2014, VIX mua 2 triệu cổ phiếu FCM tương đương 7,46% vốn điều lệ. Sau 1 tháng, VIX đã bán và chỉ còn nắm 1 triệu cổ phiếu tương đương 3,73% vốn điều lệ.

Khi đã không còn là cổ đông lớn thì hoạt động giao dịch của VIX đối với những cổ phiếu này không thuộc diện phải công bố. Trong báo cáo tài chính gần nhất, tức quý 3/2014 của công ty chứng khoán IB cũng không thuyết minh cụ thể danh mục cổ phiếu đang đầu tư.

Trong quý 4/2014, VIX tiếp tục lướt sóng với cổ phiếu GTN. Cụ thể, vào ngày 13/10/2014 và 28/10/2014, VIX mua lần lượt 1,4 triệu và 1,38 triệu cổ phiếu GTN. Cùng với 2 triệu cổ phiếu nắm giữ trước đó, VIX trở thành cổ đông lớn nắm giữ 7,03% vốn điều lệ của GTN. Chỉ 1 tháng sau, VIX bán 1,5 triệu cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,82% nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn – phó chủ tịch HĐQT của VIX mua 3,26 triệu cổ phiếu (4,79% vốn) và bà Dương Thị Hồng Hạnh – vợ ông Nguyễn Văn Tuấn mua 3,2 triệu cổ phiếu GTN (4,71% vốn).

Đến ngày 10/12/2014, VIX đã bán hết hơn 3,2 triệu cổ phiếu GTN còn lại.

Hoạt động đầu tư với một số cổ phiếu khác có lẽ còn đang “dang dở”. Ví dụ như QBS. Là cổ đông lớn của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã: QBS) từ khi công ty này chưa được niêm yết với tỷ lệ sở hữu 10,31%, ngay sau khi QBS lên sàn Hà Nội vào ngày 13/11/2014 thì đến 20/11, VIX đã bắt đầu bán ra. Đến ngày 26/11, VIX đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 3,48%, không còn là cổ đông lớn.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 12, chứng khoán IB đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Everpia (mã: EVE) và đang đăng ký mua thêm để sở hữu 2 triệu đơn vị EVE như kế hoạch trước đó. Ông Ngô Phương Chí là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán IB, đồng thời là thành viên HĐQT độc lập của EVE từ năm 2013.

So sánh một cách tương đối thì thị giá tại những ngày VIX bán cổ phiếu “lướt sóng” thường cao hơn giá tại ngày mua. Báo cáo tài chính quý 3/2014 cho biết, doanh thu tự doanh 9 tháng đầu năm đạt 48,1 tỷ đồng – tăng gần 10 lần so với 9 tháng đầu năm 2014 với lời giải trình là do tận dụng được cơ hội thị trường, đẩy mạnh hoạt động tự doanh.

Ngoài ra, có thể thấy những cái tên nói trên đều là những cổ phiếu mà năm qua đã có sự tăng trưởng về giá rất “nóng” trong một khoảng thời gian nào đó.

Với sự “lột xác” từ trong ra ngoài, năm 2014, VIX là một trong những cổ phiếu có sự tăng trưởng hấp dẫn nhất.

Biến động giá VIX trong 1 năm gần đây

Hẳn là trong năm qua, Chứng khoán IB không chỉ đầu tư vào những cổ phiếu nói trên nên kết quả của hoạt động tự doanh không chỉ đến từ chúng. Bên cạnh đó, việc mua đi bán lại trong những khoảng thời gian chóng vánh như vậy cũng khiến người ta đặt câu hỏi: Có thật đó là lướt sóng, hay VIX đang trở thành một công ty trung gian mua cổ phiếu rồi bán lại cho nhà đầu tư khác – những người đang muốn trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đó?

Bảo Ngọc

thunm

Tài chính Plus

Trở lên trên