Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Kỳ vọng chưa tỏ tới nhà đầu tư
Việc phát hành cổ phiếu phổ thông của các ngân hàng trong bối cảnh TTCK khó khăn như hiện nay là không khả thi, kết quả kinh doanh của các ngân hàng không mấy khởi sắc.
Ông Hoàng Đình Kế, Phó tổng giám đốc CTCK VSM phân tích, nhìn vào kế hoạch tăng vốn của các NHTM cho thấy, đa số dựa vào nguồn lực từ cổ đông nhà (cổ đông hiện hữu hoặc các NĐT chiến lược của ngân hàng).
Điều này có thể được xem là dễ hiểu bởi lẽ, việc phát hành cổ phiếu phổ thông trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn như hiện nay là không khả thi, kết quả kinh doanh của các ngân hàng không mấy khởi sắc.
Vốn điều lệ tăng thêm chủ yếu được chuyển đổi từ nguồn vốn tại ngân hàng như lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay thưởng cổ phiếu.
Chẳng hạn, NHTMCP Sacombank mới đây hoàn tất việc tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 năm 2013, từ 10.740 tỷ đồng lên 12.425,5 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2011 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ cốt cán.
VPBank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2013 thêm 577 tỷ đồng, lên 6.347 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2013, VPBank dự kiến sẽ phát hành thêm 57,741 triệu cổ phiếu để chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng dễ dàng làm được việc này. Cuộc họp ĐHCĐ tổ chức đầu năm nay, NHTMCP Việt Á đã giảm kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng (kế hoạch 2012) còn 3.500 tỷ đồng (năm 2013), dự định sẽ thực hiện trong quý III.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía ngân hàng nọ, mặc dù gần 72% kế hoạch phát hành đã chắc chắn thành công khi tăng vốn điều lệ, thông qua phần lợi nhuận để lại từ thặng dư cổ phiếu và nguồn quỹ dự phòng tăng vốn điều lệ.
Sự chông chênh của kế hoạch chỉ nằm ở 11,078 triệu cổ phiếu dự kiến chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư (NĐT) chiến lược. Nghị quyết cũng ghi rõ, nếu cuối năm 2013 vẫn không tăng kịp thì kế hoạch sẽ dời sang năm 2014.
Hay như NHTMCP Phương Đông, việc tăng thêm 766 tỷ đồng vốn điều lệ cũng chưa thực hiện được vì vướng ở kế hoạch phát hành 442 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT có chọn lọc. Trong khi phần tăng vốn điều lệ còn lại đã chốt xong nguồn từ quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối.
Ông Hoàng Đình Kế cho biết, muốn đánh giá sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng cần xem xét ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, quan sát thị trường thời gian qua cho thấy, khi kết quả kinh doanh sụt giảm, cộng với tình hình kinh tế chung chưa có nhiều biến chuyển, nhiều NĐT cá nhân đang nhìn nhận không tích cực lắm với nhóm cổ phiếu này.
Để tăng tính hấp dẫn cho các kế hoạch phát hành này, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần phải giải cùng lúc nhiều bài toán. Bởi mặc dù có những cải thiện về thanh khoản, việc xử lý ngân hàng yếu kém nhưng vẫn dở dang. Thêm nữa, trong quá trình tái cấu trúc, lợi nhuận ngân hàng còn thấp.
Cũng theo chuyên gia này, bài toán để tăng tính hấp dẫn, để NĐT quay trở lại với cổ phiếu ngân hàng không chỉ từ ổn định vĩ mô, khi độ nhạy lớn của hệ thống tài chính ngân hàng với sự phục hồi, ấm lên của kinh tế vĩ mô. Hơn thế, NĐT đang chờ vào con đường tái cấu trúc hệ thống ngân hàng rõ ràng hơn, nhưng điều đó còn phụ thuộc nhiều vào các cải cách khác như đầu tư công, DNNN...
“Đầu tư chính là mua bán kỳ vọng trong tương lai. Trong bối cảnh mọi thứ chưa sáng rõ, các ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn cần cho NĐT thấy đường đi, nước bước của mình”, TS. Võ Trí Thành nói thêm về tính minh bạch của cổ phiếu ngân hàng.
Theo Hiền Thanh