Nhà đầu tư ám ảnh hủy niêm yết
Ngoài lý do bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp còn tính chuyện hủy niêm yết tự nguyện. Dù tự nguyện hay bắt buộc, “bản án” đó đang là nỗi ám ảnh đối với NĐT và cổ đông.
Giữa chừng gãy gánh
Điều bất ngờ là việc PHS rời sàn diễn ra quá nhanh khi HNX chỉ mới có công văn chấp thuận cho PHS được hủy niêm yết tự nguyện vào ngày 31-12-2013. Được biết, PHS hủy niêm yết tự nguyện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2013 số 03/2013/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20-12-2013.
Dự báo, tiếp theo sau PHS sẽ là các trường hợp của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Dịch vụ hạ tầng mạng (NIS), CTCP Nhà Việt Nam (NVN), CTCP Ngô Hân (NHW), CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC).
Năm 2013, có 37 doanh nghiệp hủy niêm yết, kể cả tự nguyện lẫn bắt buộc trên 2 sàn HOSE và HNX (gấp đôi năm 2012). Đây là con số kỷ lục từ khi TTCK ra đời đến nay. |
Bên cạnh những doanh nghiệp chủ động rời sàn, hàng loạt doanh nghiệp đang lơ lửng với “bản án” hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Như các trường hợp của CTCP Bê tông Biên Hòa (BHC), CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG), CTCP Xây lắp dầu khí Miền Trung (PXM), CTCP Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Khoáng sản Mangan (MMC), CTCP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (MIC).
Đặc biệt là trường hợp của CTCP Đầu tư Alphanam (ALP). Theo thông báo của HOSE, BCTC hợp nhất quý IV-2013 của ALP có lợi nhuận sau thuế năm 2013 âm 201,62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31-12-2013 âm 237,46 tỷ đồng. ALP hiện đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2012 là số âm.
Như vậy, nếu BCTC kiểm toán năm 2013 của ALP vẫn là số âm mã này sẽ bị tạm ngừng giao dịch theo quy định. Sau khi có giải trình phương án khắc phục, ALP sẽ chuyển sang giao dịch dưới dạng CK bị kiểm soát. Tuy nhiên, trong thông báo mới vừa được ALP công bố về việc tổ chức ĐHCĐ 2014, một trong những tờ trình quan trọng được HĐQT trình cho cổ đông là kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HOSE.
Biến mất dấu
Một trong những vấn đề NĐT hết sức quan tâm là việc giải quyết quyền lợi của cổ đông sau khi hủy niêm yết và mỗi doanh nghiệp có cách giải quyết khác nhau, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chẳng hạn, ALP đề xuất phương án cho ông Nguyễn Minh Nhật, thành viên HĐQT, đăng ký chào mua công khai hơn 9,6 triệu CP ALP (tương đương 5% CP ALP đang lưu hành) thay cho ALP, để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhỏ không có nhu cầu nắm giữ ALP sau khi hủy niêm yết.
Trong khi đó, HĐQT của MPC lên phương án mua lại khoảng 16,2 triệu CP (chiếm 23,21% vốn điều lệ từ các cổ đông nhỏ lẻ). Giá mua được xác định theo nguyên tắc giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Việc mua lại CP của các cổ đông nhỏ lẻ nhằm đạt mục tiêu hủy công ty đại chúng (dưới 100 cổ đông) bằng nguồn vốn thặng dư.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có phương án hỗ trợ NĐT khi hủy niêm yết, bởi vẫn còn những trường hợp sau khi rời sàn doanh nghiệp gần như biến mất dấu gây bức xúc cho NĐT. Điển hình là trường hợp CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV).
Anh Thành (TPHCM), một NĐT đang sở hữu số lượng lớn CP MCV, cho biết sau khi bị hủy niêm yết đến nay anh không hề nhận bất kỳ thông báo nào từ phía doanh nghiệp. Gọi điện thoại tới công ty không ai nghe máy, lên mạng tìm website của doanh nghiệp cũng không ra.
Theo anh Thành, hàng chục ngàn CP MCV đang nắm giữ giờ không khác gì đống giấy lộn nhưng cũng không biết kêu ai. Được biết, CP MCV bị hủy niêm yết từ tháng 11-5-2012 do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.