MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nhà đầu tư bắt đầu tìm cơ hội ở những cổ phiếu tiềm năng khác bên cạnh bluechips"

Thị trường chứng khoán đầu năm 2014 có nhiều diễn biến tích cực, trong đó nhà đầu tư nước ngoài vẫn theo xu hướng mua ròng.

Điều này cùng với những thông tin về kinh tế vĩ mô đã tạo hiệu ứng làm tăng dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư trong nước, đưa thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các biện pháp hút vốn ngoại và triển vọng của thị trường chứng khoán, ông Lê Hải Trà - phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - nhận định:

Ông Lê Hải Trà - Ảnh: CTV
- Về cơ bản, tình hình kinh tế năm 2013 đã có sự cải thiện. Các con số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư thương mại, tỉ giá đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, thu ngân sách vẫn đạt được kế hoạch... thể hiện nền tảng kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn.

Nếu như năm 2012, chỉ số VN30 (nhóm cổ phiếu blue-chip) có tốc độ tăng cao hơn VN-Index của cả thị trường thì trái lại năm 2013,

VN-Index tăng cao hơn VN30. Điều này cho thấy trong lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư sẽ tìm đến các cổ phiếu blue-chip - những thứ hàng hóa tốt nhất trên thị trường - để mua. Nhưng sang năm 2014 khi kinh tế ổn định hơn, nhà đầu tư bắt đầu tìm cơ hội ở những cổ phiếu tiềm năng khác bên cạnh những cổ phiếu lớn trên thị trường.

* Trước kỳ nghỉ tết, thị trường tăng điểm mạnh, theo ông là nhờ vào những yếu tố nào?

- Thời gian gần đây, có nhiều thông tin về việc nới room cho các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (hiện đã được đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu từ mức hiện tại là 49% lên 60% cổ phần có quyền biểu quyết, đang chờ quyết định của Chính phủ - PV); thông tin Chính phủ cho phép hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện hứa hẹn tạo ra các định chế đầu tư mới với nguồn vốn dài hạn trên thị trường; sau khi trì hoãn, Ngân hàng BIDV niêm yết trên sàn TP.HCM theo cam kết của BIDV... Nhà đầu tư đã có phản ứng tích cực với những thông tin này.

* Theo ông, việc nới room ngoại sẽ có tác động như thế nào lên thị trường chứng khoán?

- Việc nới room từ 49% lên 60% sẽ là cú hích đối với khối ngoại và thị trường nói chung. Cuối năm 2005, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% thì sau đó lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2006 đã tăng vọt. Nay nếu mở room lên 60% chắc chắn là một cú hích với thị trường chứng khoán, đặc biệt với những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài tương đối ưa chuộng như các cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Nó sẽ là cú hích với những cổ phiếu đã hết room ngoại, theo đó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa với thị trường.

Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải là giải pháp bền vững về mặt dài hạn. Trên sàn TP.HCM có hơn 300 công ty niêm yết, nhưng chỉ có khoảng chục công ty đã hết room chứ không phải tất cả đều đã hết. Vì vậy, câu chuyện nới room chỉ có tác dụng trực tiếp đối với một số công ty. Phần còn lại là hiệu ứng lan tỏa từ dòng tiền. Đối với những công ty đã hết room, nếu được mở từ 49% lên 60% thì nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ lấp đầy trong một thời gian rất nhanh. Nhưng sau đó lại kịch trần 60% thì quay lại câu chuyện 49% như hiện nay.

* Vốn ngoại vào chứng khoán luôn có tác động mạnh đến thị trường và dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Theo ông, nếu nới room không phải là biện pháp bền vững về dài hạn thì chúng ta cần làm gì để thu hút vốn ngoại?

"Trong bối cảnh VN, cũng có thể cân nhắc cơ chế “cổ phiếu vàng”. Cổ phiếu vàng chỉ có một cổ phiếu nhưng có quyền phủ quyết nghị quyết của đại hội cổ đông hoặc quyết định quan trọng với doanh nghiệp trong những điều kiện/tình huống nhất định"

Ông Lê Hải Trà

- Để giải quyết vấn đề giới hạn đối với tỉ lệ sở hữu của nước ngoài cần có một cách nhìn toàn diện và dài hạn hơn. Thời gian qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có nghiên cứu và đề xuất triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) dựa theo mô hình khá thành công ở Thái Lan. Theo đó sẽ tạo ra một sân chơi chính thức cho các nhà đầu tư tài chính nước ngoài không quan tâm đến quyền kiểm soát (quyền biểu quyết) đối với doanh nghiệp VN nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi kinh tế của việc sở hữu cổ phiếu. Đây là một giải pháp mang tính bền vững và lâu dài hơn. Sản phẩm này sẽ góp phần thu hút dòng vốn ngoại và tăng tính thanh khoản trên thị trường nói chung.

Sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư tài chính chỉ cần một vị thế để được hưởng quyền lợi về mặt kinh tế từ việc tăng trưởng của cổ phiếu đó mà không quan tâm lắm đến quyền biểu quyết, việc kiểm soát công ty. Thật ra, với việc đưa ra một sản phẩm như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một sân chơi cho các nhà đầu tư tài chính. Đó là nhu cầu cần được ghi nhận ở thị trường chứng khoán và chúng ta cần nắm bắt, tạo ra sân chơi cho họ.

* Ngoài NVDR, còn có cơ chế nào để Nhà nước có thể vẫn giữ được quyền can thiệp vào những doanh nghiệp thuộc ngành nghề quan trọng nhưng lại có “cửa rộng” để khối ngoại tham gia?

- Chúng ta có thể cân nhắc một cơ chế khác cũng hiệu quả trong việc quản lý quyền kiểm soát doanh nghiệp VN, đó là mô hình của Nhật Bản (áp dụng đối với một số doanh nghiệp như Hàng không Nhật Bản - Japan Airlines). Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu không hạn chế trên thị trường chứng khoán, nhưng bị hạn chế về quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông. Muốn có quyền biểu quyết, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện việc đăng ký quyền biểu quyết với trung tâm lưu ký chứng khoán trên cơ sở số lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ. Việc đăng ký này được thực hiện trên cơ sở xếp hàng, ai đăng ký trước được quyền trước. Như vậy, khi số lượng đăng ký đạt tới giới hạn sở hữu (49%), những người đăng ký sau sẽ không được quyền biểu quyết.

Trong bối cảnh VN, cũng có thể cân nhắc cơ chế “cổ phiếu vàng”. Cổ phiếu vàng chỉ có một cổ phiếu nhưng có quyền phủ quyết nghị quyết của đại hội cổ đông hoặc quyết định quan trọng với doanh nghiệp trong những điều kiện/tình huống nhất định. Như vậy, thay vì phải nắm giữ x%, Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phiếu vàng. Nếu doanh nghiệp hoạt động bình thường, mọi thứ tiến triển tốt thì Nhà nước sẽ không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn trong tình huống quan trọng với an ninh quốc gia, làm thay đổi cấu trúc doanh nghiệp, những quyết định có tác động lớn đến doanh nghiệp, người lao động, thương hiệu... thì Nhà nước có thể dùng cổ phiếu vàng để can thiệp.

Trên thế giới đã có những thông lệ như vậy, VN có thể học hỏi cơ chế này. Cần xác định, phân loại các doanh nghiệp VN xem loại nào Nhà nước nắm giữ 100%, hoặc chỉ nắm giữ cổ phiếu vàng để trong những tình huống cần thiết Nhà nước vẫn có thể định đoạt những vấn đề lớn với doanh nghiệp.

Chứng khoán nhiều cơ hội?

Ông Phan Hữu Khánh, trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, tỏ ra lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2014. Ông Khánh cho rằng nền kinh tế có các dấu hiệu đã chạm đáy từ năm 2013 và đang có xu hướng đi lên. Một số chỉ tiêu kinh tế đang tích cực hơn như: lạm phát được kiềm chế, số doanh nghiệp trước đây ngừng hoạt động nay đang dần hoạt động trở lại, xuất nhập khẩu được cải thiện, thưởng tết của doanh nghiệp trong năm nay cao hơn năm trước... “Bên cạnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh trong năm 2013 với xu hướng mua ròng. Từ đầu năm 2014 đến nay vẫn tiếp tục tăng. Các quỹ đầu tư nước ngoài huy động được nhiều vốn hơn” - ông Khánh nói.

Theo BẠCH HOÀN

thanhhuong

Tuổi trẻ

Trở lên trên