MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty chứng khoán gặp hạn

Theo một số chuyên gia, nhu cầu thị trường hiện nay chỉ cần khoảng 30 - 40 CTCK là đủ. Vậy đến hết năm 2014 sẽ có tới trên 60 CTCK phải tự cơ cấu, hoặc giải thể, sáp nhập.

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn khó khăn, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) không mấy khởi sắc, nhiều công ty bị thua lỗ kéo dài đã chính thức bị rút giấy phép. Cơ quan quản lý tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty chứng khoán, kiên quyết đưa ra án phạt mạnh đối với những đơn vị vi phạm.

Theo thống kê, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã có quyết định cảnh cáo và xử phạt khá nhiều trường hợp vi phạm khác nhau của các CTCK liên quan đến giao dịch ký quỹ và bán khống. Một số công ty bị đình chỉ hoạt động giao dịch, hoạt động lưu ký, bị cảnh cáo do vi phạm các quy định về hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán...

Những cái xác không hồn

Thời gian qua, đã có 3 CTCK là CTCK Hà Nội (HSSC), Chứng khoán Trường Sơn (TSS) và Chứng khoán Delta (DTSC) bị tước giấy phép hoạt động. Các đơn vị này không có bất kỳ hoạt động nào nhằm cải thiện tình hình, lỗ lũy kế vẫn trên 50% vốn điều lệ và không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn.

Trên thực tế, các công ty này từ lâu đã không còn hoạt động, không còn trụ sở, không còn liên lạc, không còn nghiệp vụ môi giới, không còn tư cách thành viên tại 2 giao dịch Sở chứng khoán và không có thông tin gì về tình hình doanh nghiệp cung cấp cho giới đầu tư trong nhiều năm qua. Đây là những công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, thực tế là đã chết từ lâu, giống như những cái xác vô hồn, bây giờ mới được "chôn".

Mới đây, CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBS) bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động do không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt. Công ty này cũng đã bị thua lỗ nặng và đang gánh khoản nợ giao dịch chứng khoán lên gần tới 280 tỷ đồng.

Trước đó, CTCK Tràng An (TAS) cũng đã bị đình chỉ hoạt động khi lãnh đạo bị bắt liên quan đến việc chiếm đoạt cổ phiếu và tiền cổ tức của trên 15.000 tài khoản khách hàng cá nhân.

Còn Công ty chứng khoán SME (SME) thì bị tạm ngừng hoạt động khi mất khả năng thanh khoản, vướng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ lỗ gộp trên vốn điều lệ đạt mức dưới 50%. Ngoài ra, còn có Chứng khoán Đại Việt (DVSC) bị khách hàng tố chiếm đoạt tiền và Thanh tra UBCKNN đang tiến hành điều tra.

Có thể thấy, hàng loạt vấn đề liên quan đến CTCK đang làm không ít nhà đầu tư phải lo lắng. Qua rồi cái thời nở rộ CTCK mọc lên tua tủa mà hệ lụy của việc này đang là bài học nhãn tiền cho các nhà quản lý cấp phép tràn lan.

Vấn đề bây giờ là tái cấu trúc, nhưng để làm được việc này cũng sẽ mất rất nhiều thời gian bởi xử lý hậu quả luôn là vấn đề khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu thanh khoản kéo dài.

Nếu theo đúng lịch trình, từ tháng 10/2013 đến cuối năm sẽ có thêm ít nhất 4 CTCK nữa rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ nay đến lúc đó sẽ có thêm hàng chục CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt để vào danh sách dự khuyết thu hồi giấy phép sang năm.

Sớm nở, tối tàn

Theo một số chuyên gia, nhu cầu thị trường hiện nay chỉ cần khoảng 30 - 40 CTCK là đủ. Vậy đến hết năm 2014 sẽ có tới trên 60 CTCK phải tự cơ cấu, hoặc giải thể, sáp nhập nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Đó là tương lai chắc chắn của các CTCK Việt Nam. Bởi vì cho đến thời điểm này, có chưa đến 10% CTCK bù đủ chi phí và có lãi.

Vào thời kỳ TTCK tăng trưởng nóng, cổ phiếu lên giá chóng mặt, nhiều CTCK được sinh ra để chớp cơ hội kiếm tiền dễ dàng từ kênh đầu tư này. Tuy nhiên, những năm gần đây, TTCK, nhiều CTCK đã thua lỗ 4 - 5 năm liên tiếp. Nhiều thương hiệu lớn cũng đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

TTCK Việt Nam có tổng vốn hóa tương đương trên 40 tỷ USD, có thể nói là lớn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, khối lượng giao dịch chỉ tương đương vài trăm triệu USD.

Với khối lượng giao dịch ít ỏi, có tới hơn 100 CTCK cạnh tranh với nhau để làm dịch vụ là quá nhiều. Chính vì vậy, tình trạng các CTCK thua lỗ, phá sản, chấm dứt hoạt động sẽ còn kéo dài. Danh sách rất nhiều CTCK cũng đang trong tình cảnh tương tự, chỉ còn ngồi xếp hàng chờ... chết. Đây là điểm tối của TTCK, báo hiệu tương lai chưa mấy sáng sủa của thị trường.

UBCKNN vẫn quyết liệt tái cấu trúc TTCK, trọng tâm chính là tổ chức lại các công cụ của thị trường, các CTCK. Các CTCK gặp khó khăn, thua lỗ, rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và nếu không khắc phục được thua lỗ, sẽ tiếp tục bị rút giấy phép hoạt động.

Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn các doanh nghiệp, các CTCK uy tín trên thị trường để chọn mặt gửi vàng.

Theo Sơn Long

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên