MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhức nhối chênh lệch trước và sau kiểm toán

VAFI đề xuất từ 2012, Sở GDCK TP.HCM nên có quy định buộc DN niêm yết soát xét BCTC hàng quý.

Mấy tuần nay, báo chí liên tục đưa tin về các DN niêm yết có sự chênh lệch số liệu tài chính trước và sau kiểm toán. Cùng nội dung là báo cáo năm của DN, nhưng sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán đang khiến môi trường đầu tư chứng khoán rủi ro hơn.

Trong khi TTCK Việt Nam rất ảm đạm, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung là chán nản, việc ngày càng có nhiều DN bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận sau kiểm toán, đã và đang bào mòn thêm nữa sức chịu đựng của thị trường. Vai trò của cơ quan quản lý và các tổ chức giám sát thị trường ở đâu trước sự thực nhức nhối này?

Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, chênh lệch tại báo cáo tài chính (BCTC) trước và sau kiểm toán của DN có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng vấn đề là các nguyên nhân này lẫn lộn nhau, nhà đầu tư thường không phân biệt được.

Thực tế, để giảm bớt tình trạng này, UBCK đã có những quy định như buộc DN niêm yết phải thực hiện soát xét BCTC bán niên (thực hiện từ năm 2010), hay sắp tới sẽ buộc kiểm toán viên phải có giải trình trước ĐHCĐ về những sự sai lệch, nếu có, trong BCTC của DN mình kiểm toán. Tuy nhiên, những động tác này có lẽ vẫn chưa đủ mạnh để đi đến một chuẩn mực thông tin DN công bố trước và sau kiểm toán.

Theo ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM, để giảm thiểu sự chênh lệch số liệu, khuôn khổ pháp lý trên TTCK phải hoàn thiện hơn nữa. Ở Mỹ, người ta có riêng một ủy ban giám sát chế độ kế toán, kiểm toán của công ty đại chúng. Ngoài việc giám sát DN, ủy ban này còn liên tục đưa ra các hướng dẫn, chuẩn mực phụ trong công bố thông tin tài chính của DN để hỗ trợ DN và bảo vệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt DN vi phạm quy chuẩn về công bố thông tin, sai phạm trong BCTC là rất nặng, nhằm cảnh báo chung cho các DN khác.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có DN niêm yết hoặc lãnh đạo DN niêm yết nào bị phạt vì lý do bất nhất số liệu trước và sau kiểm toán.

Tại Việt Nam, vì chế độ kế toán, kiểm toán vẫn còn nhiều khoảng hở, nên rất khó để đi đến cùng kết luận một sự vụ chênh lệch báo cáo trước và sau kiểm toán tại DN là sai phạm hay không.

Vì thế, để giảm bớt tình trạng này, VAFI cho rằng, từ năm 2012, Sở GDCK TP. HCM nên có quy định buộc DN niêm yết soát xét BCTC hàng quý, như quy định mà một số TTCK lân cận đã thực hiện. Bộ Tài chính nên có biện pháp tăng cường trách nhiệm của công ty kiểm toán, chẳng hạn, hàng năm Bộ kiểm tra điểm một số BCTC đã kiểm toán, hoặc thanh tra công tác kế toán, kiểm toán tại DN theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Tuần sau, VAFI dự kiến sẽ có cuộc làm việc với Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam để đi đến thống nhất, trước khi cùng ký công văn đề xuất với Bộ Tài chính.

Một công việc khác mà VAFI đang làm là thống kê một số tình huống tạo lợi nhuận giả tại DN. Theo VAFI, tại DN hiện có một số hành vi tạo lợi nhuận giả, nhưng không vi phạm pháp luật và được cơ quan kiểm toán làm ngơ. Trong khi pháp luật trên TTCK Việt Nam chưa có chế tài cho hành vi này thì nếu VAFI vạch ra được những trường hợp như thế, sẽ là là sự cảnh báo hiệu quả với các DN đang lạm dụng việc này để đánh bóng số liệu tài chính.

Theo Phạm Oanh
Đầu tư chứng khoán

phuongmai

Trở lên trên