Những dấu ấn 9 năm HNX
Sở GDCK Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/3/2005 với tên gọi ban đầu là Trung tâm GDCK Hà Nội.
Thị trường cổ phiếu niêm yết: công bố thông tin nhanh hơn nhờ CIMS
Thị trường cổ phiếu niêm yết chỉ với 6 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, đến nay con số này đã là 377 doanh nghiệp với tổng giá trị niêm yết đạt 87.515 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường cũng tăng hàng trăm lần, từ 3 tỷ đồng/phiên trong thời kỳ đầu, hiện tại giá trị giao dịch đạt trên 650 tỷ đồng/phiên trong những tháng đầu năm 2014. Nhà đầu tư có thêm nhiều sản phẩm chứng khoán để giao dịch, còn doanh nghiệp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu và huy động vốn hiệu quả thông qua phát hành cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp đã huy động được vốn cho sản xuất, kinh doanh qua TTCK khi ngân hàng thắt chặt tín dụng.
Sở GDCK Hà Nội đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin, nâng cao năng lực quản trị công ty, kiểm soát rủi ro… Hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS), giúp doanh nghiệp niêm yết tự công bố thông tin qua hệ thống, góp phần rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót trong quá trình công bố thông tin, đảm bảo thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến nhà đầu tư và thị trường. Đến nay, trên 85% số doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội đã sử dụng hệ thống CIMS. Ngoài ra, Sở GDCK Hà Nội còn phối hợp với IFC tổ chức các chương trình đào tạo - hội thảo về quản trị công ty nhằm nâng cao kiến thức về quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết trên Sở, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty và giới thiệu những thông lệ quản trị tốt trên thế giới.
Thị trường UPCoM sẵn sàng các điều kiện cho giai đoạn phát triển mới
Thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu thu hẹp dần thị trường giao dịch tự do, mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau 5 năm đi vào hoạt động, thị trường UPCoM đã có nhiều thay đổi linh hoạt về cơ chế đăng ký, quy định về giá tham chiếu và biên độ dao động của cổ phiếu… nhằm giúp nhà đầu tư giao dịch dễ dàng và thuận tiện hơn, tăng tính hấp dẫn cho thị trường.
Đến thời điểm cuối năm 2013, trên UPCoM có 142 công ty đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 20.421 tỷ đồng. Con số này là rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của thị trường này với số lượng khoảng hơn 3.000 công ty đại chúng chưa niêm yết. Các cơ sở pháp lý đã và đang được hoàn thiện dần nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy các công ty đại chúng lên ĐKGD. Gần đây nhất, nghĩa vụ công ty đại chúng đã được quy định rõ trong Nghị định 108/2013/NĐ-CP sẽ là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của thị trường UPCoM trong thời gian tới.
Hoạt động đấu giá góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN theo chủ trương của Chính phủ
Hoạt động đầu tiên được Sở GDCK Hà Nội triển khai khi bắt đầu hoạt động là tổ chức đấu giá cổ phần hóa các DNNN. Qua 9 năm hoạt động với 2 lần nâng cấp, năng lực của hệ thống đấu giá hiện tại có thể xử lý lệnh của 20.000 – 30.000 nhà đầu tư trong 01 ngày, tính bảo mật tuyệt đối. Ngoài ra, các loại hàng hóa đưa ra đấu giá trên Sở GDCK Hà Nội ngày càng đa dạng, không chỉ đấu giá cổ phần, mà còn đấu giá các loại hàng hóa khác trong quá trình tái cơ cấu như ở trái phiếu chuyển đổi, quyền mua…
Trong 9 năm qua, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức hơn 230 phiên đấu giá với giá trị cổ phần bán được hơn 32 nghìn tỉ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm gần 13 nghìn tỉ đồng. Trong số đó, có những phiên đấu giá lớn với hàng chục nghìn nhà đầu tư tham dự như phiên đấu giá PVI, Bảo Việt, Vinaconex, BIDV, Petrolimex… HNX thực sự đã tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, thành viên, nhà đầu tư khi tham gia đấu giá tại đây. Trong thời gian tới, cùng với chủ trương quyết liệt của Chính phủ trong công tác đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, với hành trang 9 năm đã sẵn sàng về mọi mặt, Sở GDCK Hà Nội quyết tâm và vững tin song hành cùng các doanh nghiệp thực hiện trọng trách mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đóng góp cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế, cung cấp thêm nhiều hàng hóa chất lượng cho TTCK Việt Nam.
Thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển với nhiều đột phá
Được khởi động từ 19/4/2005 tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK Tp.Hồ Chí Minh (HOSE), đến tháng 6/2006, hoạt động phát hành TPCP đánh dấu bước phát triển mới khi Bộ Tài chính quyết định đưa hoạt động đấu thầu TPCP về tập trung, duy nhất tại HNX. Đến nay, Hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX được tổ chức định kỳ, đều đặn hàng tuần, theo lịch biểu được định trước hàng năm, thể hiện tính công khai, minh bạch cao. Từ 2005 đến 12/2013, HNX đã tổ chức được 970 phiên đấu thầu, huy động cho NSNN tổng cộng 505.441 tỷ đồng. Tháng 8/2012, HNX chính thức khai trương hệ thống đấu thầu điện tử, hệ thống đấu thầu điện tử được đưa vào hoạt động cùng thời điểm các cơ quan quản lý ban hành nhiều chính sách đột phá về thị trường trái phiếu đã làm cho hoạt động đấu thầu có sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng. Lượng huy động TPCP cũng như thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã tăng vọt từ cuối năm 2012. Hoạt động đấu thầu TPCP đang tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế.
Sau khi phát hành thành công, toàn bộ TPCP phát hành qua kênh đấu thầu và bảo lãnh đều được thực hiện niêm yết và giao dịch trên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt với các thông lệ và quy tắc giao dịch đã được chuẩn hóa theo quốc tế. Ngày 18/3/2013, hệ thống đường cong lợi suất chuẩn đã được HNX chính thức vận hành tạo được hiệu ứng tốt từ các thành viên. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 2 với nhiều tính năng hiện đại theo chuẩn mực quốc tế được chính thức hoạt động. Hệ thống mới cùng với chính sách mới quy định các thành viên giao dịch đồng thời là thành viên đấu thầu có nghĩa vụ chào mua, chào bán TPCP với cam kết chắc chắn trên hệ thống giao dịch và chào giá tham khảo trên hệ thống đường cong lợi suất đã làm cho thanh khoản TPCP tăng đột biến. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 1.668 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2012; tỷ lệ thanh khoản đã tăng từ mức 0,6 lần trong năm 2012 lên 0,9 lần năm 2013.
Một bước đột phá nữa trên thị trường giao dịch TPCP là tháng 9/2012, HNX đã hoàn thành và chính thức khai trương giao dịch tín phiếu Kho bạc. Việc đưa tín phiếu vào giao dịch trên cùng hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt tạo ra sự liên kết giữa thị trường ngắn hạn và thị trường dài hạn, góp phần tạo thuận lợi cho việc điều hành thị trường, điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ của các cơ quan quản lý cũng như việc thực hiện giao dịch của thành viên. Năm 2013, giao dịch tín phiếu đã có bước tăng trưởng tốt khi tổng giá trị giao dịch cả năm đạt 12.114 tỷ đồng, tăng 1.231,92% so với năm 2012.
Hệ thống công nghệ tiệm cận chuẩn quốc tế
Một trong những chiến lược phát triển quan trọng của Sở GDCK Hà Nội là đầu tư hệ thống công nghệ làm nền tảng phục vụ các hoạt động của thị trường. Từ khi thị trường bắt đầu đi vào hoạt động, hệ thống công nghệ giao dịch không ngừng phát triển một cách vượt bậc. Hệ thống giao dịch phát triển từ hình thức giao dịch rất thô sơ ban đầu là giao dịch báo giá trung tâm (các đại diện sàn nhập lệnh tại sàn), tiến tới hình thức giao dịch từ xa (2008), và giao dịch trực tuyến theo chuẩn FIX (2010). Đây là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giao dịch, cho phép nhà đầu tư sử dụng công nghệ internet nhập lệnh trực tiếp vào hệ thống của HNX thông qua hệ thống máy chủ của công ty chứng khoán, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian giao dịch, góp phần nâng cao tính thanh khoản trên thị trường. Năm 2013 đánh dấu một bước phát triển đột phá với việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch cổ phiếu niêm yết core i5. Hệ thống mới áp dụng công nghệ xử lý khớp lệnh trên memory, thay vì khớp lệnh trên data như trước đây đã gia tăng đáng kể tốc độ xử lý của hệ thống. Năng lực xử lý của hệ thống có thể đạt 20 - 30 triệu lệnh trong một phiên giao dịch, tốc độ xử lý lệnh có thể đạt ngưỡng 15.000 – 20.000 lệnh/giây (gấp hơn 10 lần năng lực của hệ thống hiện nay). Ngoài ra, hệ thống mới này được xây dựng trên cơ sở tích hợp hệ thống giao dịch dành cho thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM và các thị trường dự kiến sẽ mở trong tương lai vào chung cùng một nền tảng phần mềm giao dịch, với nhiều loại lệnh mới và tính năng mới.
Phát triển đa dạng các sản phẩm mới
Nhằm đa dạng hóa các công cụ chỉ báo cũng như công cụ đầu tư trên thị trường cổ phiếu niêm yết và cung cấp thêm thông tin chỉ báo trên thị trường cổ phiếu niêm yết, Sở GDCK Hà Nội đã nghiên cứu và lần lượt đưa vào vận hành chính thức các chỉ số mới. Đầu tiên là chỉ số HNX30 - chỉ số giá của 30 cổ phiếu có tính thanh khoản nhất trên sàn Hà Nội, từ khi ra mắt 7/2012, chỉ số HNX30 luôn được công chúng đầu tư quan tâm đón nhận, giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX 30 luôn chiếm tỷ trọng cao trên thị trường với giá trị giao dịch chiếm từ 50% - 80% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Cuối năm 2013, Sở GDCK Hà Nội đã cho ra mắt 6 chỉ số mới: chỉ số tổng hợp HNX FF Index, 3 chỉ số ngành (công nghiệp, xây dựng, tài chính) và 2 chỉ số quy mô (HNX Large Cap Index và HNX Mid/Small Cap Index), đánh dấu một bước phát triển trong quá trình hoàn thiện các hoạt động trên thị trường chứng khoán, đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp cho nhà đầu tư và thị trường thêm công cụ chỉ báo trên thị trường cổ phiếu niêm yết.
Phát triển đa dạng các sản phẩm mới
Nhằm đa dạng hóa các công cụ chỉ báo cũng như công cụ đầu tư trên thị trường cổ phiếu niêm yết và cung cấp thêm thông tin chỉ báo trên thị trường cổ phiếu niêm yết, Sở GDCK Hà Nội đã nghiên cứu và lần lượt đưa vào vận hành chính thức các chỉ số mới. Đầu tiên là chỉ số HNX30 - chỉ số giá của 30 cổ phiếu có tính thanh khoản nhất trên sàn Hà Nội, từ khi ra mắt 7/2012, chỉ số HNX30 luôn được công chúng đầu tư quan tâm đón nhận, giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX 30 luôn chiếm tỷ trọng cao trên thị trường với giá trị giao dịch chiếm từ 50% - 80% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Cuối năm 2013, Sở GDCK Hà Nội đã cho ra mắt 6 chỉ số mới: chỉ số tổng hợp HNX FF Index, 3 chỉ số ngành (công nghiệp, xây dựng, tài chính) và 2 chỉ số quy mô (HNX Large Cap Index và HNX Mid/Small Cap Index), đánh dấu một bước phát triển trong quá trình hoàn thiện các hoạt động trên thị trường chứng khoán, đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp cho nhà đầu tư và thị trường thêm công cụ chỉ báo trên thị trường cổ phiếu niêm yết.
Tiếp theo, HNX sẽ bổ sung vào hệ thống chỉ báo đầu tư trái phiếu chỉ số trái phiếu Bond-index. Năm 2013, HNX đã hoàn thành dự thảo Bộ nguyên tắc xây dựng và quản lý chỉ số trái phiếu Bond-index và chạy thử nghiệm bộ dữ liệu chỉ số trái phiếu Kho bạc, dự kiến Bond-index sẽ hoàn thành và ra mắt vào quý 2/2014. Sở cũng đang phối hợp với cơ quan quản lý nghiên cứu các sản phẩm mới như When issued, Bond future, Bond options, bộ sản phẩm Repos, đến nay đang trong giai đoạn hoàn thiện đề tài nghiên cứu. Dự kiến các sản phẩm này sẽ được hoàn thiện và ra mắt vào năm 2015.
Ngoài ra, HNX cũng đầu tư nghiên cứu và đang chuẩn bị điều kiện cho giao dịch sản phẩm Quỹ ETF. Đối với các sản phẩm phái sinh, Sở GDCK Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án phát triển các sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ, trong đó hai sản phẩm dự kiến đầu tiên là Index futures và Bond futures.
Sau 9 năm khai trương hoạt động, Sở GDCK Hà Nội đã xây dựng và phát triển cả ba thị trường một cách vững chắc, từng bước khẳng định được vị thế và uy tín của mình trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những thành tựu này sẽ là nền tảng để Sở GDCK Hà Nội tiếp tục phát triển và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.Định hướng phát triển từ nay đến năm 2015 của Sở GDCK Hà Nội sẽ tập trung phát triển các thị trường dựa trên chuẩn mực chung và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thống nhất với chiến lược tài chính, chiến lược phát triển TTCK và định hướng phát triển Trung tâm tài chính của Thủ đô Hà Nội. Phát triển toàn diện và ổn định tổ chức trên cơ sở tăng cường quản trị hiệu quả, hoạt động an toàn, lành mạnh, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng chú trọng việc bảo toàn phát triển vốn Nhà nước.