MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "siêu cổ phiếu" ngày xưa giờ ra sao?

Điểm chung của các cổ phiếu này là sự tăng giá được hỗ trợ bởi thị trường chung, kết quả kinh doanh khá khả quan trước đó và kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm từng chia sẻ quan điểm rằng: thị trường chung lúc lên lúc xuống là chuyện bình thường, người chiến thắng không cần phải mua đúng nhiều cổ phiếu sinh lời, mà mỗi năm chỉ cần “ăn một quả” và quả ấy chính là một siêu cổ phiếu, thế là đủ.

Đôi lúc cần nhìn lại quá khứ để rút ra bài học. Chúng tôi đã thực hiện một series điểm lại một số siêu cổ phiếu từng xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2008 – 2010, có một số tên tuổi nổi bật như VSP, VCG, S96, PVA, KSH, LCG, HDC – những cổ phiếu tăng giá trên 400%.

Tên

Giai đoạn

Tăng

VSP

Vận tải biển và bất động sản Việt Hải

11/06/2008 - 26/08/2008

581%

S96

Sông Đà 9.06

08/09/2009 - 19/10/2009

587%

PVA

Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An

12/05/2009 - 06/05/2010

1144%

LCG

LICOGI 16

24/02/2009 - 20/10/2009

421%

HDC

Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu

25/02/2009 - 17/11/2009

479%

VCG

Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam

24/02/2009 - 20/10/2009

552%

KSH

Tập đoàn Khoáng sản Hamico

01/09/2009 - 22/10/2009

417%

Trong đó, 3 doanh nghiệp VSP, S96, PVA đều là những doanh nghiệp thuộc các tập đoàn nhà nước hàng đầu Việt Nam, giá cổ phiếu tăng trên 500%. Điểm chung của các cổ phiếu này là sự tăng giá được hỗ trợ bởi thị trường chung, kết quả kinh doanh khá khả quan trước đó và kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Một điểm chung nữa, đó là các cổ phiếu này đều đã bị hủy niêm yết.

VSP – CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải, là công ty đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC) niêm yết trên Thị trường chứng khoán. Tên gọi ban đầu của công ty là CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin. Doanh thu chính của VSP đến từ 2 lĩnh vực là dịch vụ tàu biển và kinh doanh gas.

Đợt tăng mạnh nhất trong lịch sử giao dịch của VSP có thể tính từ ngày 11/06/2008 đến ngày 26/08/2008, tăng từ 34.900 đồng lên 237.700 tức tăng 581%.

Đợt tăng giá này diễn ra trong thời gian giao thoa của cuối quý 2 và nửa quý 3. VSP khi đó như là một ngôi sao với vị trí là một công ty thuộc một Tập đoàn nhà nước lớn, lại có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng rất mạnh suốt từ năm 2006. Riêng 2 quý đầu năm 2008, LNST đã là 203 tỷ - tăng gấp 50 lần so với cùng kỳ. Quý 3/2008 VSP vẫn lãi tiếp 149 tỷ.

Không chỉ có thông tin thuận lợi về kết quả kinh doanh, cổ phiếu VSP còn được hỗ trợ bởi thông tin phát hành thêm cổ phiếu và có kế hoạch chuyển sàn niêm yết. Theo đó, VSP có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 158,7 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng bằng một loạt các hoạt động phát hành thêm.

Vào ngày 5/9, khi tin ra, tức HĐQT ra nghị quyết chính thức về việc tăng vốn điều lệ, giá cổ phiếu VSP đã giảm liên tục 4 phiên. Vào ngày 18/09/2008, VSP thực hiện trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:15. Giá cổ phiếu VSP khi đó là 134.100 đồng.

Rồi bất ngờ vào đầu tháng 2/2009, công ty báo quý 4/2008 lỗ 58,1 tỷ mà theo giải trình là do kết quả kinh doanh không tốt của công ty con trong sự khó khăn của ngành vận tải biển.

Tiếp sau đó, VSP rơi vào cảnh lỗ triền miên từ năm 2009 – 2012 do các khoản chi phí tăng vọt, rồi cuối cùng bị hủy niêm yết vào ngày 03/05/2012. Tính đến 31/12/2012, VSP lỗ lũy kế 2.857,4 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 1.553 tỷ. Năm 2013, VSP nỗ lực thoát lỗ bằng cách bán tài sản.

Vừa qua, Đại hội cổ đông năm 2014 đã không tổ chức được và nội dung biên bản nghe khá là chua chát “công ty sẽ chuẩn bị báo cáo xin phép các cơ quan chức năng và các cổ đông lớn trong ĐHCĐ tiếp theo nêu rõ tình hình do công ty lỗ lớn, mất hết vốn nên các cổ đông không quan tâm đến dự”. Kế hoạch tăng vốn lên 500 tỷ của VSP cũng chưa kịp thực hiện xong. Vốn điều lệ của công ty hiện là 380,8 tỷ.

Cũng vang bóng một thời là cổ phiếu S96 của CTCP Sông Đà 9.06

Ngày 08/09/2009, S96 bắt đầu chuỗi 27 ngày tăng trần liên tục và 2 ngày tăng sát trần, chạy từ giá 18.700 đồng lên 128.400 đồng vào ngày 19/10/2009, tức tăng 587%.

Niêm yết lần đầu vào ngày 09/01/2008, báo cáo tài chính của S96 thể hiện từ năm 2006 đến 2008, công ty đều kinh doanh có lãi. Trước năm niêm yết, tức năm 2007, công ty đã tăng vốn điều lệ và LNST cũng tăng vọt từ 948 triệu lên 5,6 tỷ.

Bên cạnh đó, đợt tăng nói trên của S96 được hỗ trợ bởi thông tin tăng vốn. Đợt tăng này đã bắt đầu một thời gian trước ngày 22/09/2009 - khi HĐQT chính thức công bố nghị quyết xin ý kiến ĐHCĐ về việc tạm ứng cổ tức đợt I/2009 với tỷ lệ 13%, tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ lên 100 tỷ trong đó phát hành cho cổ đông chiến lược 95%, cán bộ công nhân viên là 5% với giá bán 10.000 đồng/cp. Đồng thời công ty cũng công bố những thông tin khả quan về các dự án đang thi công.

Tuy nhiên quá khứ đó đã không còn khi S96 vừa bị hủy niêm yết từ 30/05/2014. Năm 2011 và 2012, BCTC của công ty mẹ S96 báo lỗ lần lượt gần 47 tỷ và 5,2 tỷ. Có những quý S96 rơi vào tình trạng không có doanh thu với lý do là công ty đang giảm dần tỷ trọng xây lắp, chuyển dần sang hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng xu hướng trầm lắng của thị trường khiến công ty không bán được. Cổ tức liên tục bị khất lần.

Năm 2013, công ty báo lãi 115,5 triệu đồng nhưng tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến với BCTC 2013 vì không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp làm cơ sở đưa ra kết luận kiểm toán. Và đây là lý do khiến S96 bị hủy niêm yết.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu PVA của CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An mới thật sự là hiện tượng khi tăng 1.765% ròng rã 1 năm trời từ ngày 12/05/2009 đến ngày 06/05/2010. Đây là giai đoạn PVA liên tiếp đưa ra thông tin mới trong hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Niêm yết lần đầu vào ngày 12/12/2008, LNST năm 2008 của PVA đạt 6,3 tỷ - tăng 3,15 lần so với năm 2007. 2 quý đầu năm 2009, PVA đạt gần 5 tỷ đồng LNST - tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể là một cơ sở cho việc tăng giá của PVA. Tuy nhiên, kể cả khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PVA trong quý 4/2009 bị âm do chi phí quản lý quá lớn, thì với lợi nhuận ròng đạt gần 18 tỷ (nhờ lợi nhuận từ hoạt động khác), giá cổ phiếu này vẫn cứ tằng tằng đi lên.

Bên cạnh đó, PVA đưa ra các thông tin khả quan về hoạt động kinh doanh và đầu tư góp vốn như góp 51% vào CTCP Đầu tư Dầu khí VIP Việt Nam để hợp tác đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hoàng Mai (Nghệ An) - một dự án được Chính phủ ưu tiên phát triển đến năm 2015.

Cũng trong thời gian này, PVA thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 9:11 tăng vốn từ 45 tỷ lên 100 tỷ.

Giá cổ phiếu tăng, các nhân sự chủ chốt trong công ty đồng loạt đăng ký bán. Ngày 5/3/2010, PVX đăng ký bán gần 1,15 triệu cổ phiếu. Ngày 01/04/2010, PVX đăng ký bán 1,8 triệu cổ phiếu, sau đó đăng ký bán tiếp 1 triệu đơn vị. Việc PVX thoái vốn khỏi PVA khiến một bộ phận nhà đầu tư lo lắng nhưng ngược lại, thực tế thì việc này tiếp tục tạo ra hiệu ứng "đánh lên" tích cực cho PVA “phi” rất mạnh.

Ngày 22/03/2010, PVA lại thông báo phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Trong đó, 29,5 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 1:2,95; 10 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông chiến lược nhằm mở rộng quy mô hoạt động của công ty với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Với hàng loạt những chiêu kích thích này, giá của PVA tăng đến tận đầu tháng 5/2010 mới rơi.

Thế nhưng sau thời hoàng kim ấy, từ năm 2011 – 2013, PVA liên tục báo lỗ khi các khoản chi phí ăn mòn cả lợi nhuận gộp. Và kết quả là PVA bị hủy niêm yết từ 09/06/2014.

Đợt tăng của VCG, LCG, HDC cùng kéo dài từ tháng 02/2009 đến tháng 10/2009. Thời kỳ đó, các doanh nghiệp này là những cái tên nổi tiếng trong ngành về quy mô tài sản và lợi nhuận đạt được. Quan trọng hơn, giai đoạn này trong năm 2009 cũng là giai đoạn mà cả thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên mạnh mẽ sau nửa năm đi xuống trước đó.

Cũng trong giai đoạn này, cổ phiếu KSH tăng từ 18.000 đồng lên 93.000 đồng từ ngày 01/09/2009 - 22/10/2009 trong đó có 38 phiên tăng trần liên tục. Doanh nghiệp khoáng sản này niêm yết đầu tiên vào ngày 12/11/2008 với báo cáo tài chính cho thấy sự tăng vốn liên tục và đặc biệt là vào năm 2007, KSH đã tăng vốn từ 4,8 tỷ lên 116,9 tỷ. Đi cùng với đó, lợi nhuận sau thuế năm 2007 tăng mạnh so với năm 2006.

Giai đoạn này không chỉ là thời gian chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2009 của KSH mà còn có thông tin về việc triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng hỗ trợ.

Ngày 20/10/2009, thông tin lợi nhuận sau thuế quý III/2009 của KSH đạt 5,18 tỷ đồng – tăng 77,4% so với quý III/2008 đã được công bố. Và sau đó 2 ngày, KSH đã kết thúc đợt tăng trần liên tục nói trên.

Riêng về thông tin triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân sử dụng thông tin nội bộ để mua bán cổ phiếu KSH.

>>> Nhìn từ PVA: Bài học không được phép quên khi đầu tư vào "cổ phiếu nóng"

Duy Hiếu

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên