MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niêm yết để tạo thanh khoản cho cổ phiếu IPO

Ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Trong thời gian gần đây, nhiều DNNN quy mô lớn đưa ra đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đều không thành công. Vậy theo ông nguyên nhân vì sao?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc IPO các DNNN hoặc đấu giá bán thoái vốn Nhà nước không thành công trong thời gian gần đây. Có thể xem xét trên một số mặt sau: Thứ nhất phải kể đến là chất lượng “hàng hóa” đem ra đấu giá, hay nói cách khác là DN đưa ra cổ phần hóa (CPH) có tạo sự hấp dẫn đối với NĐT hay không. Những yếu tố đó bao gồm: lĩnh vực kinh doanh, tình hình tài chính, công nợ, tài sản tồn đọng…

Thứ hai là thời điểm đấu giá. Trong bối cảnh TTCK mới hồi phục, sức cầu còn yếu, nếu đưa ra đấu giá một khối lượng cổ phiếu lớn và tập trung vào thời điểm nhiều DN cùng IPO, trong khi sức cầu yếu thì khả năng bán hết là rất khó.

Thứ ba là cách thức IPO gắn kết với bán cổ phần cho NĐT chiến lược trong và ngoài nước trên cơ sở định giá DN và xác định giá bán cho NĐT chiến lược, trong đó phải kể đến cơ chế xác định giá cho NĐT chiến lược theo phương pháp “dựng sổ - book building”.

Thứ tư theo tôi cũng không kém phần quan trọng, là tỷ lệ cổ phần đưa ra IPO và lộ trình đưa cổ phần đấu giá vào niêm yết giao dịch trên thị trường tập trung. Thực tiễn trong thời gian vừa qua, khá nhiều NĐT tỏ ra quan ngại khi DN sau IPO kéo dài thời gian lên niêm yết, gây khó khăn cho thanh khoản cổ phiếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến trình IPO không thành công của các DNNN thời gian qua còn có nguyên nhân từ việc định giá DN. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong định giá DN, khó khăn nhất vẫn là định giá về đất đai. Hiện nay, pháp luật về đất đai rất phức tạp. Về nguyên tắc, đất đai là tài sản của Nhà nước nên định giá đất đai do Nhà nước giao cho DN, hay giá trị đất đai do DN thuê đất cũng cần được làm rõ. NĐT nhìn nhận vào đây để có đánh giá, xem xét và ra quyết định đầu tư, mua hay không mua, mua theo giá nào là hợp lý.

Bên cạnh đó là định giá các tài sản mang tính chất vô hình như: thương hiệu, lợi thế thương mại… cũng cần được xử lý tốt và phải có tổ chức định giá chuyên nghiệp để định giá. Còn nếu không giải quyết được bài toán này là rất khó. Thương hiệu, lợi thế thương mại là tài sản vô hình nhưng phải xác định cụ thể giá trị kế toán để đưa vào giá trị DN.

Một vấn đề nữa đối với DNNN CPH, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là vấn đề giải quyết công nợ, xử lý và làm sạch báo cáo tài chính, vấn đề công nợ, khoanh nợ và xử lý dứt điểm nợ đọng trước khi thực hiện IPO.

Có ý kiến lo lắng mục tiêu CPH khó đạt khi các NĐT chiến lược tìm đến với DNNN chủ yếu mạnh về tài chính, thay vì có thế mạnh về ngành nghề hỗ trợ DN sau CPH?

Cái này cũng cần tính đến. Bởi khái niệm thế nào là NĐT chiến lược rất rộng. Đối tác chiến lược ở đây có thể là cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm, là tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh đưa vốn vào DN, hoặc có năng lực điều hành quản trị công ty hoặc trong góc độ nào đấy NĐT có hướng xử lý tốt cho DN trong bao tiêu sản phẩm, chuỗi cung ứng dịch vụ, hoặc có thể giúp DN tham gia mắt xích bên ngoài.

Tôi cho rằng, mục tiêu CPH là chuyển từ một chủ sở hữu là Nhà nước sang đa sở hữu, qua đó góp phần tăng vốn và thay đổi cách thức quản lý điều hành DN. Vì vậy, không nhất thiết bất cứ DN IPO nào cũng cần phải tìm đối tác chiến lược. Chỉ đối với công ty có quy mô lớn, hoặc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cần thiết có đối tác chiến lược để phát triển định hướng ngành dài hạn, ổn định thì mới cần thiết tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược.

Thực tế trong nhiều năm CPH DNNN cho thấy, không phải DN nào cũng tìm đối tác chiến lược. Ngày đầu CPH REE, Sacom người ta cũng không xác định đối tác chiến lược mà chỉ tính đến việc thay đổi từ một chủ sở hữu sang đa chủ sở hữu, từ đó thay đổi điều hành, quản trị rủi ro để DN phát triển tốt hơn.


Vietnam Airlines đang trong quá trình IPO

Luật Chứng khoán (sửa đổi, bổ sung) đã quy định trong một năm chào bán ra công chúng, cổ phiếu phải niêm yết trên TTCK. Vậy tại sao quy định này chưa được thực thi một cách triệt để?

Việc gắn kết giữa IPO với niêm yết trên TTCK không phải bây giờ mới được nhắc đến. Tại Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam cũng đã quy định “Cải tiến phương thức định giá và chào bán cổ phiếu của DNNN CPH gắn với niêm yết trên TTCK”, hoặc tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH cũng đã thể hiện rõ: “DN CPH có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đối với DNNN CPH, việc gắn kết giữa đấu giá IPO với đưa vào niêm yết như thế nào cho hợp lý lại là vấn đề cần xem xét thận trọng. Vì sau IPO, đối với DNNN CPH một loạt vấn đề cần được tháo gỡ, xử lý, trong đó có vấn đề cấu trúc lại DN, đặc biệt trong mô hình tập đoàn, tổng công ty và lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài để báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án.

Hiện nay, chúng tôi đang dự thảo văn bản để xin ý kiến cộng đồng DN về dự kiến sau IPO, kể từ khi DN được cấp đăng ký kinh doanh, tiến hành ĐHĐCĐ thì khoảng 30 ngày tiến hành thủ tục đăng ký giao dịch UPCoM để tạo thanh khoản cho cổ phần đã đấu giá. Trường hợp DN có lộ trình niêm yết cụ thể, thì khi đấu giá CPH, kế hoạch niêm yết được thể hiện rõ trong Bản cáo bạch trước khi đưa ra đấu giá.

Xin cảm ơn ông!

Công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Công ty đại chúng được VSD cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện đăng ký giao dịch trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Còn công ty đại chúng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện đăng ký giao dịch trong thời hạn ba tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán.

Công ty đại chúng thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng chưa niêm yết hoặc chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết thì phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường của công ty đại chúng chưa niêm yết theo quy định. Công ty đại chúng bị hủy niêm yết (bắt buộc hoặc tự nguyện), nhưng vẫn là công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong vòng ba mươi ngày làm việc kể từ ngày hủy niêm yết.

Công ty đại chúng hình thành từ DN 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện đăng ký đại chúng với UBCKNN, đăng ký lưu ký tại VSD và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

(Trích Dự thảo Thông tư Hướng dẫn tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết)

Theo Trần Hương

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên