MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room còn phải chờ Bộ Kế hoạch đầu tư

Đâu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và phân loại ngành như thế nào?

Ngày hôm qua, ngày 27/06, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Điều được cả thị trường mong đợi là quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã được đề cập chi tiết hơn trong Nghị định này. Cụ thể:

a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

c) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

d) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Tuy nhiên, chỉ với 4 khoản mục này, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư vẫn chưa thể xác định rõ: đâu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và phân loại ngành như thế nào?

Đây không phải là những thắc mắc được nhắc đến lần đầu. Trong nhiều cuộc hội thảo về Nghị định 58 sửa đổi trước đây, đã có nhiều ý kiến nêu về vấn đề này. Và cũng tại các cuộc hội thảo đó, đại diện của Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế vẫn đang trong trong quá trình lập dự thảo.

Sự khó khăn của Bộ KHĐT khi hoàn thành danh sách này là thiếu văn bản chi tiết về các quy định hiện hành liên quan đến các ngành thuộc diện hạn chế;  hoàn toàn thiếu các quy định liên quan đến room nước ngoài ở một số ngành & gặp phải vấn đề phân loại ngành do nhiều công ty có hoạt động kinh doanh đa ngành.

Luật Doanh Nghiệp mới có hiệu lực từ 1/7/2015 có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm các ngành quan trọng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khai khoáng, thực phẩm, v.v. Vì vậy, dù Nghị Định 60 được ban hành chính thức nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu Tư sửa đổi có thể có nhiều thay đổi.

Có thể thấy, danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế là mấu chốt của NĐ60. Nếu chưa có danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế thì nghị định sẽ vẫn chưa được áp dụng hay nói cách khác, thời gian nới room cho các ngành không thuộc diện hạn chế sẽ chưa được xác định.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên