MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt đấu giá cổ phần cuối năm

Trong tháng 12 này, Sở GDCKTp.HCM (HoSE) sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần của 17 DNNN, với tổng lượng chào bán tới 253,7 triệu đơn vị. Một số cổ phần thuộc "hàng nóng" đang được các NĐT"săn lùng", thậm chí là tranh mua, với mức giá trúng thầu cao gấp vài lần giá khởi điểm.

Tâm điểm chú ý của TTCK hiện đang đổ dồn về những cổ phiếu của Đạm Cà Mau (PVCFC), Tổng Công ty Thủy Sản Việt Nam (SEAPRODEX), Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC)… sắp sửa "bung" hàng trong tháng này. Các phiên đấu giá cổ phiếu tiềm năng gần đây, không ít NĐT phải ngậm ngùi vì trượt đấu giá.

Tranh mua cổ phần

Sau phiên đấu giá cổ phần SAGS - Công ty TNHH MTV Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam) ngày 8/12, một NĐT đến từ Hà Nội đã phải ra về tay trắng. Trong phiên này, SAGS chỉ chào bán 2.705.000 cổ phần (chiếm tỷ lệ 19,25% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm rất hấp dẫn là 12.371 đồng/cổ phiếu.
Hàng trăm NĐT đã "đặt gạch" mua SAGS gấp tới 15 lần khối lượng chào bán, nhưng chỉ có 7 NĐT mua được với mức giá bình quân 44.693 đồng/cổ phiếu, giá trúng cao nhất lên tới 56.000 đồng/cổ phiếu. Tính giá bình quân, SAGS đã thu về "nhẹ nhàng" hơn 120 tỷ đồng, vượt nhiều lần mức kỳ vọng.
"Tôi đã đặt mua cổ phần SAGS với mức giá gấp đôi, nhưng vẫn trượt đấu giá. Tôi không ngờ giá trúng thầu cao như thế", vị này tiếc nuối cho biết đang tìm mua lại từ các NĐT đã trúng đấu giá và sẽ tiếp tục "săn" hàng trong các phiên đấu giá cổ phần sắp tới tại HoSE.
Không chỉ hàng nóng SAGS, mà 2 phiên đấu giá cổ phần Vietnam Airlines và SASCO trước đó cũng trong cảnh "cháy hàng". Mức giá trúng đấu giá cũng cao hơn nhiều giá chào bán. Thậm chí, có một số NĐT đã đăng ký mua gần hết lượng cổ phần chào bán.

Theo HoSE, trong tháng 12 này sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần cho 17 DNNN theo kế hoạch CPH, thoái vốn của tổng công ty nhà nước. Tổng số lượng cổ phần chào bán là 253.718.394 cổ phần, chiếm tỷ lệ từ 4,34% đến 93,17% vốn điều lệ. Tổng giá trị cổ phần này cỡ khoảng hơn 2.540 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, 100.000 đồng/cổ phiếu).

Chỉ riêng 1 tuần qua, HoSE đã tổ chức thành công 5 phiên đấu giá cổ phần cho các công ty, như: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủ Thiêm (bán 39,2% vốn), Công ty TNHH MTV Cảng sông Tp.HCM (bán 25,39%), Công ty TNHH MTV Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (bán 19,25%)…
Trong ngày 9/12, đã diễn ra 2 phiên đấu giá cổ phần. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) chào bán 5.932.350 cổ phần (tỷ lệ 23,73%) với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phiếu. Mặc dù lượng đặt mua lên vượt gấp 10 lần, nhưng chỉ có 4 NĐT trúng mua được cổ phần với mức giá khá cao 21.482 đồng/cổ phiếu, thu về cho DN 127,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty này cũng chào bán 23,73% cổ phần cho 2 NĐT chiến lược là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phan Thành (mua 12%) và Công ty CP Địa ốc Việt - Vietcomreal (11,73%).
Cùng ngày, cổ đông lớn Red River Holding chào bán 5.000.000 cổ phần tăng vốn của Công ty CP Sợi Thế kỷ (STK) với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, giá trúng thầu cũng ở mức cao.

Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 10 phiên đấu giá cổ phần, trong đó có những công ty có mức vốn điều lệ lớn. Hàng trăm triệu cổ phần sẽ ồ ạt "bung" hàng, tạo nguồn cung mới dồi dào và là cơ hội hiếm có cho các NĐT trong và ngoài nước.

"Săn" siêu cổ phiếu

Một số NĐT chia sẻ, họ đang chờ đợt phiên đấu giá cổ phần các DN lớn, đứng đầu ngành hóa chất, phân bón, hàng không, thủy sản… Bởi các DN này lâu nay thuộc các tổng công ty nhà nước lớn, có tiềm năng phát triển sau khi CPH và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước chỉ trên dưới 51%.

Theo thông báo của HoSE, đã có 1.303 NĐT "đặt gạch" mua cổ phần của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, vốn điều lệ sau CPH là 5.294 tỷ đồng) với tổng lượng đăng ký 141.461.600 cổ phần, vượt 10% lượng chào bán (128.951.300 cổ phần, tỷ lệ 24,36% vốn). Mặc dù giá chào bán thấp, chỉ 12.000 đồng/cổ phần, nhưng giá trúng thầu được dự đoán sẽ cao hơn vì giá trị cổ phiếu này còn hấp dẫn hơn cả SAGS, SASCO, Vietnam Airlines…

Đạm Cà Mau đang có nhiều lợi thế về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, được đầu tư lớn, hiện đại… Năm 2012, nhà máy Đạm Cà Mau đi vào sản xuất với công suất 800.000 tấn/năm và dự kiến sẽ chiếm 55% thị phần phân đạm cả nước vào cuối năm 2014.

Năm 2013, sản lượng Đạm Cà Mau tiêu thụ đạt 747.000 tấn và 9 tháng 2014 đạt 590.000 tấn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 22,5% (năm 2012) và 16% (năm 2013), là mức cao hơn các DN cùng ngành. Đây sẽ là "hàng nóng" và dự đoán sẽ tăng giá mạnh ngay sau khi IPO.
Một DN khác cũng được NĐT rất quan tâm, là 60.823.400 cổ phần của SEAPRODEX, chiếm 48,66% (vốn điều lệ: 1.250 tỷ đồng) sẽ bán đấu giá vào ngày 12/12. Mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, theo Quyết định phê duyệt phương án CPH, giá trị DN này được xác định là 1.480,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước là 1.368 tỷ đồng. Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 51% vốn tại DN này.

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo Kinh doanh

Trở lên trên