OGC và hành trình đi tìm đáy
Từng là một trong những cổ phiếu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước với thanh khoản khá cao. Tuy nhiên trước những biến cố thời gian gần đây, cổ phiếu OGC đã liên tục tạo đáy mới và hành trình đi tìm đáy thực sự vẫn chưa có hồi kết.
- 07-05-2015Ai đang "kẹp hàng" OGC?
- 04-05-2015OGC có khả năng mất gần 3.000 tỷ đồng?
- 01-12-2014OceanBank đã bán giải chấp xong cổ phiếu OGC để thu hồi tiền nợ
Ocean Group (Mã CK: OGC) là một cái tên khá quen thuộc với nhiều người. Tập đoàn này nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, tài chính ngân hàng, truyền thông cho tới bán lẻ. Vì lẽ đó, không quá ngạc nhiên khi cổ phiếu OGC luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ tháng 10/2014, thời điểm mà OGC bắt đầu quá trình lao dốc không phanh và hiện vẫn chưa thể xác định khi nào cổ phiếu này “ngừng rơi”.
23/10/2014, ngày mở màn cho quá trình “rơi tự do”
Phiên giao dịch ngày 23/10/2014 là phiên giao dịch mở màn cho chuỗi ngày giảm điểm của OGC khi cổ phiếu này đã giảm hết biên độ. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường chung đang diễn biến trong giai đoạn không mấy tích cực cùng với những thông tin rò rỉ về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT tại OceanBank đối với ông Hà Văn Thắm.
Ngay sau đó, tối ngày 24/10/2014, cơ quan cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Hà Văn Thắm về tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ông Thắm khi đó bên cạnh chức danh chủ tich HĐQT OceanBank còn là chủ tịch HĐQT tại Ocean Group.
Trong những năm gần đây, các thông tin về đến bắt giữ lãnh đạo tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thường gây ra tác động tiêu cực không nhỏ cho cổ phiếu liên quan trực tiếp và thị trường nói chung.
Sau khi thông tin được công bố chính thức, cổ phiếu OGC đã có 2 phiên liên tiếp giảm sàn và đây được coi là bước mở màn cho quá trình lao dốc của OGC.
Tiếp tục bị phong tỏa tài khoản
Sau biến cố ông Hà Văn Thắm bị bắt, thì lại tiếp tục đến việc tài khoản ngân hàng của Ocean Group mở tại OceanBank đã bị phong tỏa kể từ ngày 6/1/2014 và thông tin đã được công bố chính thức trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày hôm sau đã nhanh chóng tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữu cổ phiếu OGC.
Hiệu ứng tiêu cực đã đến với OGC khi cổ phiếu này bị bán tháo mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 8/1/2015 và cũng như lần trước đó, OGC đã có 2 phiên giao dịch liên tiếp giảm sàn.
Sau đó, mặc dù tài khoản của OGC đã được mở phong tỏa kể từ ngày 19/1/2015. Tuy nhiên điều này cũng không có tác động đáng kể nào tới hoạt động giao dịch của OGC khi giảm giá vẫn là xu hướng chủ đạo của cổ phiếu này.
Nhiều khả năng mất tiếp gần 3.000 tỷ đồng
Sau những biến cố liên tiếp xảy ra, OGC lại tiếp tục gặp phải tin tức tiêu cực khi mới đây, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Hiện tại, Ocean Group đang sở hữu trực tiếp 20% cổ phần tại OceanBank. Với việc OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng sẽ khiến Ocean Group mất trắng toàn bộ số vốn góp tại ngân hàng này, tương ứng 971 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo nhận định của một CTCK, số tiền mà OGC có khả năng mất sẽ lên tới gần 3.000 tỷ đồng do phải đối mặt với nguy cơ không thu hồi được một số khoản phải thu tại các công ty có liên quan tới OceanBank. Tổng số tiền mà OGC có khả năng mất (bao gồm cả 20% vốn góp tạo OceanBank) sẽ lên tới 2.944 tỷ đồng.
Ngoài ra, OGC sẽ phải hoàn trả ngay khoản nợ với OceanBank với tổng giá trị hoàn trả tối đa là 752 tỷ đồng. Theo BCTC năm 2014, OGC đang nợ OceanBank 752 tỷ đồng (với khoảng 413 tỷ đồng có tài sản đảm bảo). Trong đó, OGC vay OceanBank là 658 tỷ đồng và có khoản phải trả 94 tỷ đồng.
Chính những yếu tố trên đã khiến giá cổ phiếu OGC tiếp tục giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Cụ thể, sau khi ĐHCĐ Oceanbank diễn ra (25/4/2015), cổ phiếu OGC đã có 5 phiên liên tiếp giảm sàn với dư bán lớn và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Kết thúc phiên giao dịch 7/5/2015, thị giá OGC chỉ còn 3.200 đồng, tức giảm 73% so với mức giá đóng cửa ngày 22/10/2014 (12.000đ). Vốn hóa thị trường của OGC hiện chỉ còn chưa đến 1.000 tỷ đồng. Chỉ vỏn vẹn trong hơn 6 tháng, nhà đầu tư đã mất mát khá nhiều khi đầu tư vào OGC.
Việc giảm giá trong thời gian qua đã khiến OGC liên tục thiết lập đáy mới và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây thực sự là “kỷ lục” đáng buồn cho một trong những cổ phiếu từng được nhà đầu tư ưa chuộng nhất trên thị trường.
Diễn biến giao dịch OGC trong 1 năm qua
Nguyên Vũ
Tài chính Plus