"Ông lớn" đưa con lên sàn niêm yết, lựa chọn đầu tư vào mẹ hay con?
Giữa HAG và HNG, giữa Masan và Masan Resources, chọn cổ phiếu nào để mua?
- 20-07-2015Tại sao Masan phải “vội vàng” đưa Masan Resources lên sàn?
- 17-07-2015CEO HAGL: "Giá cổ phiếu HNG không cao mà là giá HAG thấp"
Gần đây làn sóng niêm yết các công ty con của các tập đoàn như Hoàng Anh Gia Lai và sắp tới là Masan đang tạo ra một nguồn hàng có chất lượng hơn cho thị trường chứng khoán, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kiếm lời hơn cho các nhà đầu tư.
Có thêm cổ phiếu để lựa chọn là lợi ích của nhà đầu tư nhưng đôi khi lựa chọn giữa việc đầu tư vào cổ phiếu của công ty mẹ hay của công ty con trong tập đoàn cũng là một băn khoăn khó quyết định.
Đặt câu hỏi này với một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, đa số họ cho biết quyết định đầu tư không quan trọng vào tiêu chí công ty mẹ hay công ty con mà được dựa trên các đánh giá riêng biệt về từng công ty theo lĩnh vực hoạt động, các chỉ tiêu tài chính, tiềm năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, EPS… và quan trọng hơn là diễn biến giao dịch của cổ phiếu trên sàn, yếu tố quyết định thời điểm giải ngân.
Rõ ràng điều này không phụ thuộc vào mối quan hệ công ty mẹ, công ty con của các cổ phiếu được so sánh. Nói cách khác, tiêu chí lựa chọn đầu tư của mỗi nhà đầu tư là yếu tố quyết định.
Nếu tiêu chí của nhà đầu tư là ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động thì có thể thấy, công ty mẹ thường hoạt động đa ngành, còn công ty con vốn là công ty phụ trách một mảng nào đó trong các lĩnh vực của công ty mẹ, nên thường là công ty hoạt động đơn ngành.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá công ty đa ngành sẽ ít rủi ro hơn công ty đơn ngành khi có ngành này “gánh” ngành kia, nhưng ngược lại có nhà đầu tư sẽ ưa thích công ty đơn ngành bởi sự gọn gàng trong mô hình kinh doanh, dễ tìm hiểu và đánh giá.
Tất nhiên khi cùng niêm yết trên sàn giao dịch, mối quan hệ sâu sắc giữa 2 công ty là mẹ - con cũng sẽ tạo nên sự biến động tương đồng trong diễn biến giá cổ phiếu. Một thông tin tốt về hoạt động kinh doanh có thể đem lại sự cải thiện trong lợi nhuận của công ty con cũng đồng thời đóng góp thêm khoản lợi nhuận cho công ty mẹvà tác động tích cực đến giá cổ phiếu, nhưng chiều ngược lại không xảy ra.
Đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân,diễn biến giao dịch của cổ phiếu thường chi phối lớn vào quyết định đầu tư. Khi đó, một công ty con vừa niêm yết, cơ cấu cổ đông cô đặc, giao dịch chưa ổn định, sẽ khiến nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi và quan sát. Còn cổ phiếu của công ty mẹ đã được niêm yết trong thời gian dài, thậm chí nhà đầu tư có thể tự tin nắm bắt được quy luật của cổ phiếu, do đó lựa chọn đầu tư thường có nhiều cơ sở hơn.
Nhìn vào tính huống của Masan (MSN) và Masan Resource (MSR), một chuyên viên phân tích cao cấp cho biết sẽ lựa chọn đầu tư vào MSN do ngành tiêu dùng của MSN vẫn hấp dẫn hơn ngành khoáng sản của MSR.
Trong trường hợp của HAGL (HAG) và HAGL Agrico (HNG), công ty con phụ trách mảng nông nghiệp đang là trụ cột kinh doanh của tập đoàn.Năm ngoái, mảng nông nghiệp (gồm mía đường, cao su, bắp) mang lại gần 50% tổng doanh thu và 65% lợi nhuận gộp.Tỷ trọng này sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài năm tới và có thể tăng lên với sự đóng góp của mảng chăn nuôi.
Tuy nhiên, CEO của HAGL, ông Võ Trường Sơn cho rằng khi so sánh hệ số nợ của 2 công ty thì đầu tư vào HNG an toàn hơn. Cụ thể, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của HAG là 82,5% Trong khi đó, con số này tại HNG chỉ là 59%, thấp hơn nhiều so với HAG.
Ngược lại, một lãnh đạo của công ty là cổ đông của HNG cho biết, ông không đánh giá cao HNG do công ty đã đầu tư vào ngành mía đường, cao su ở mức giá đỉnh và đến nay giá các nguyên liệu này vẫn trong xu hướng giảm mạnh.
Ngay Tổng giám đốc của HAG cũng thừa nhận, từ năm ngoái, giá cao su sụt giảm quá nhanh và quá sâu, đã làm cho HAG và HNG khó khăn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi (bò sữa, bò thịt), đang được HAGL đầu tư rất lớn và kỳ vọng cũng rất nhiều, giá thịt bò cũng đang ở mức cao so với các năm trước. Với nguồn cung gia tăng nhanh như hiện nay, một xu hướng giảm giá có thể diễn ra bất kỳ lúc nào và gây bất lợi cho HAGL.
HAGL Agrico sau khi niêm yết có giá trị vốn hóa khoảng 1 tỷ USD, trong khi HAGL chỉ có vốn hóa khoảng 700 triệu USD mặc dù tập đoàn còn sở hữu những tài sản lớn khác như dự án tại Myanmar, được định giá khoảng 550 triệu USD. Điều này khiến nhà đầu tư băn khoăn, liệu HNG có bị định giá quá cao hay HAG đang bị định giá thấp?
Trí Thức Trẻ