MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản – Doanh nghiệp được gì?

Có hai cách để doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là giải thể hoặc phá sản. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thường chọn phương pháp tuyên bố giải thể, tuy nhiên điều này không có nghĩa giải thể là phương án tối ưu.

Doanh nghiệp được coi là lâm vào tình trạng phá sản nếu không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Trong những trường hợp này, Pháp luật phá sản Việt Nam được ban hành và có hiệu lực từ rất sớm nhưng vẫn chưa được áp dụng nhiều trong thực tiễn, một phần là do thủ tục chưa linh hoạt, ngoài ra còn do sự nhìn nhận chưa toàn diện từ phía doanh nghiệp và các chủ thể khác.

Phá sản hoàn toàn không xấu, ngược lại đôi khi còn là một công cụ để bảo vệ “con nợ”, giúp doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự.

Thứ nhất, đây là một cơ hội để doanh nghiệp “hồi sinh”. Sau khi mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp không bị bắt buộc phải thanh lý tài sản ngay mà được áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh.

Bất kỳ chủ nợ hoặc cá nhân nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và nộp cho Toà án.

Thứ hai, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, tất cả các quyền đòi nợ đều được đình chỉ và giải quyết theo một thủ tục chung nhất cho Tòa án tiến hành. Điều này giúp giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp.

Thứ ba, giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, doanh nghiệp được giới hạn trách nhiệm trong phần tài sản hiện có.

Các khoản nợ được thanh toán theo thứ tự: phí phá sản; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; các khoản nợ không có bảo đảm.

Đối với các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn, nhưng không tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn.

Thứ tư, giúp doanh nghiệp thoát khỏi các khoản nợ một cách hợp pháp. Đối với thủ tục giải thể, muốn tuyên bố giải thể các doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ. Còn với thủ tục phá sản, doanh nghiệp chỉ trả nợ trong giới hạn tài sản của mình.

Trừ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh, sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, các khoản nợ chưa được thanh toán đầy đủ cũng được coi như là đã thanh toán và chủ nợ không có quyền đòi nợ.

Luật Phá sản với những ưu điểm đã nêu là một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng lay lắt kéo dài. Vì thế, nên có một cái nhìn khác toàn diện hơn về việc phá sản doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện để Luật Phá sản đi vào thực tiễn hơn.

Theo Công ty luật PLF

thanhhuong

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên