Phát hành cổ phiếu: Cũng năm bảy đường
Nhiều doanh nghiệp đã và đang phát hành thêm cổ phiếu. Phải chăng huy động vốn qua kênh chứng khoán đã có chiều hướng cải thiện?
Từ những con số
Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính từ tháng 6/2013, đã có hơn 50 DN đăng ký phương án phát hành thêm cổ phiếu. Trong đó, đáng kể nhất là kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của Tập đoàn Mai Linh (MLG). Cụ thể, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013, cổ đông của Mai Linh đã nhất trí phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược.
Mục đích là nhằm huy động khoảng 1.000 tỷ đồng để thanh toán khoản vay 800 tỷ đồng ngắn hạn và bổ sung 200 tỷ đồng cho vốn hoạt động. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2012, Mai Linh có tổng nợ phải trả là 4.630 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2012 cũng là năm Mai Linh bị lỗ hợp nhất hơn 33 tỷ đồng.
Ở Tập đoàn Tân Tạo (TIA), nghị quyết HĐQT mới đây cũng cho biết, trong tháng 7 này, ITA dự kiến phát hành khoảng 56,22 triệu cổ phiếu. Trong đó, ITA sẽ phát hành thêm 28,11 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức 2012 với tỷ lệ 5%.
Ngoài ra, ITA phát hành một lượng cổ phiếu tương tự để thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (cho trả cổ tức) và thặng dư vốn cổ phần (cho thưởng cổ phiếu).
Nằm trong top doanh nghiệp có kế hoạch phát hành lớn phải kể đến Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Theo thông báo, Hùng Vương sẽ phát hành thêm 40,8 triệu cổ phiếu bao gồm cả thưởng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ESOP cho mục đích tăng vốn điều lệ, từ gần 792 tỷ đồng lên khoảng 1192,8 tỷ đồng.
Đâu là thực chất?
Hùng Vương, Tân Tạo cũng như các DN đang phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cổ phiếu... tuy sẽ tăng được vốn, nhưng theo Công ty Chứng khóan BSC, thực chất, vốn chủ sở hữu ở DN không đổi.
Sở dĩ vốn điều lệ của các DN này tăng lên là nhờ vào việc chuyển nguồn thặng dư vốn, lãi lũy kế vào vốn điều lệ. Rõ ràng, hoạt động này chỉ đơn thuần là chuyển đổi các khoản mục trong nguồn vốn cổ đông và dòng tiền của doanh nghiệp vẫn như cũ.
Nhưng thống kê lại cho thấy, trong tổng số DN lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hiện nay, khoảng 70% DN đều dự kiến tăng vốn qua cách thức này. Nghĩa là, dù DN ồ ạt lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu thì vẫn chưa thể hy vọng việc huy động vốn ở DN đã được cải thiện.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thậm chí còn cho biết, việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2.344 tỷ đồng.
Năm 2013, thị trường còn chứng kiến những trường hợp phát hành cổ phiếu vì những mục đích khá đặc biệt. Ở Kinh Đô (KDC) là phát hành thêm hơn 1 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Vinabico với tỷ lệ 1:2,2, tức 1 cổ phiếu KDC lấy 2,2 cổ phiếu Vinabico.
Trong khi Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân (HQC) phát hành 18 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá cho Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông và Công ty Việt Kiến Trúc để cấn trừ nợ. Công ty CP CMISTONE Việt Nam (CMI) cũng dự kiến phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho mục đích tương tự.
Lạ hơn, theo nội dung nghị quyết HĐQT, Công ty CP Mirae (KMR) sẽ phát hành 6 triệu cổ phần phổ thông bằng mệnh giá (10.000 đồng) cho Công ty CP Mirae Fiber và ông Shin Young Sik.
Theo đó, Mirae Fiber sẽ góp vốn bằng máy móc, thiết bị là dây chuyền vải không dệt nowoven với giá trị ước tính 56 tỷ đồng, còn ông Shin Young Sik, đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, sẽ góp vốn 4 tỷ đồng.
Với chủ trương đó, KMR sẽ phát hành 5,6 triệu cổ phần tương đương 16,28% vốn với giá 10.000 đồng/CP cho Mirae Fuber Tech và 0,4 triệu cổ phiếu cho ông Shin Young Sik. So với thị giá đang ở mức 2.200 - 2.500 đồng/cp thì giá chào bán cổ phiếu lần này của KMR cao gấp 4-5 lần. Tuy nhiên, với phương án và đối tượng mua cụ thể, không ai nghi ngờ về tính khả thi của phương án này.
Trên thực tế, khi DN có kế hoạch gọi vốn từ thị trường, tính khả thi của phương án luôn là điều băn khoăn.Theo những gì ông Hồ Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mai Linh chia sẻ thì đang có đối tác muốn tham gia góp vốn vào Mai Linh. Vấn đề thương thảo đã được tiến hành.
Bằng chứng, Mai Linh đã cam kết có giám đốc tài chính chuyên trách và tổng giám đốc sẽ do bên cổ đông chiến lược đề cử. Như vậy kế hoạch phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu của Mai Linh nhiều khả năng thành công.
Tuy nhiên, những trường hợp tìm được người mua trước khi trình kế hoạch phát hành cổ phiếu như Mai Linh, KMR không nhiều. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Nam Kim (NKG) cho biết, DN này đã thay đổi phương án huy đông vốn. Thay vì phát hành 30,1 triệu cổ phiếu như phương án cũ, trong vòng 6 tháng cuối năm nay, NKG dự kiến sẽ chỉ phát hành 10 triệu cổ phiếu.
Trong đó, 9,5 triệu cổ phiếu sẽ phát hành cho không quá 5 đối tác chiến lược, giá không dưới 10.000 đồng. Còn lại bán cho cán bộ chủ chốt với giá tương tự. 100 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành dự kiến sẽ được Nam Kim chi một nửa cho đầu tư dây chuyền sản xuất, một nửa bổ sung vốn kinh doanh.
Chưa có tiết lộ nào về đối tác sẽ tham gia vào đợt phát hành nhưng với thị giá cổ phiếu đang 11.000 đồng/cp và có khả năng còn giảm, một số nhà đầu tư lo ngại phương án huy động vốn bằng mệnh giá của Nam Kim có thể sẽ gặp khó.
Rõ ràng, khi DN chưa tìm được người mua, phương án gọi vốn lại ẩn chứa rủi ro. Nhiều kế hoạch huy động vốn như ở Du lịch Golf Việt Nam (VNG), Công ty CP NTACO (ATA) đành phải hủy do không thể triển khai được.