MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ HSC: Thị trường phái sinh sẽ làm thanh khoản tăng gấp 2 -3 lần hiện tại

"Giao dịch của các nhà đầu tư có thể không gắn liền với tài sản cơ sở, vì vậy họ giao dịch nhiều hơn so với trước đây và đặc biệt, có thể tăng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy lên cao"

Chứng khoán phái sinh (CKPS) không phải là điều mới mẻ ở các thị trường tài chính tiên tiến nhưng tại Việt Nam hiện nay, ngoài một số khái niệm về CKPS quy định tại Luật Chứng khoán, chúng ta chưa có văn bản Pháp luật cụ thể nào về thị trường CKPS.

Triển khai thực hiện quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014 của TTCP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về TTCKPS để trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Trong vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam VBMA và Phó tổng giám đốc của Công ty Chứng khoán Tp Hồ Chí Minh (HSC) – ông Trịnh Hoài Giang nhận xét, khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, thanh khoản thị trường tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay cũng không phải là điều khó khăn.

Theo ông Giang, các sản phẩm phái sinh ra đời và đi vào thực tế sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính tích cực. Khi đó, giao dịch của các nhà đầu tư có thể không gắn liền với tài sản cơ sở, vì vậy họ giao dịch nhiều hơn so với trước đây và đặc biệt, có thể tăng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy lên cao.

Bên cạnh đó, cơ chế giao dịch cũng tự do hơn do không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, không vướng quy định về công bố thông tin của cổ đông lớn, không phải thanh toán theo T+3 … Sự tự do này sẽ giúp cho mức độ xoay vòng giao dịch của nhà đầu tư trở nên nhiều hơn, đẩy thanh khoản tăng lên.

Ông Giang cũng cho rằng sản phẩm phái sinh sẽ làm tăng tính hiệu quả của thị trường vì những phân tích, định giá của người giao dịch được đưa ngay vào giá hợp đồng, phản ánh ngay vào giá. Khi thị trường cơ sở đi lên lại có tác động tích cực trở lại thị trường phái sinh.

Tuy nhiên, tự do hơn tương ứng với việc rủi ro sẽ tăng cao hơn.

Vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro càng trở nên bức thiết với các đơn vị tham gia, đặc biệt là công ty chứng khoán. Để đảm bảo khả năng tài chính và các hệ số an toàn, Dự thảo Nghị định về TTCKPS của UBCK quy định, điều kiện để các CTCK đăng ký tự doanh CKPS là vốn điều lệ trên 600 tỷ đồng, điều kiện để được môi giới CKPS là vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng và phải đáp ứng các điều kiện về tình hình tài chinh, nhân sự, công nghệ theo quy định.

Nhưng không phải chỉ cần tăng cường quản trị rủi ro, Phó Tổng giám đốc của HSC cho biết “nếu hơn 1 năm nữa chúng ta mới có sản phẩm phái sinh thì chúng tôi cũng phải nỗ lực hết sức mới có thể thực hiện được”.

Về lý thuyết, những nhà đầu tư Việt Nam mới nhìn thấy giao dịch chứng khoán phái sinh ở nước ngoài và hình dung về hoạt động này ở Việt Nam. Nhưng cụ thể thế nào, tất nhiên phải đợi các quy định cụ thể liên quan đến Việt Nam.

Theo ông Giang, quá trình chuẩn bị của các CTCK phải đi từ mô hình kinh doanh để có thiết kế quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị nhân sự, hệ thống giao dịch… phù hợp song “cũng chưa nghĩ ra như thế nào”. Một loạt vấn đề đang đặt ra cho các CTCK: Mấy trăm nhân viên môi giới sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ bán hàng trên thị trường phái sinh hay tách riêng mảng? Việc quản lý ký quỹ cho thị trường chứng khoán phái sinh có theo cơ chế khác so với việc quản lý quỹ trên thị trường cơ sở? Hệ thống giao dịch nhập lệnh cho khách hàng làm sao phải tương thích với thị trường cơ sở, làm sao có thể liên kết hệ thống quản lý tài sản thế chấp của khách hàng?

Ông Giang nhấn mạnh, cần làm rõ hơn phần quản lý tiền của nhà đầu tư và hạch toán tiền của NĐT, đặc biệt là việc quản lý tiền của nhà đầu tư nước ngoài qua Ngân hàng lưu ký.

Mai Linh

trangntm

Tài chính Plus

Trở lên trên