Quản lý quỹ: Muốn thắng phải bám sát thị trường
Không ít quỹ ngoại có suất sinh lời thấp hơn tăng trưởng của VN Index (6%) trong năm 2015. Một số ước tính nếu trừ phần trượt giá của VNĐ so với USD thì VN Index chỉ tăng vỏn vẹn 1%, nhưng vẫn có khoảng 6 quỹ không đạt được mức này, thậm chí tăng trưởng âm. Và còn ngạc nhiên hơn nữa khi số lượng quỹ nội chiến thắng thị trường (tăng trưởng cao 6%) lại khá nhiều.
- 22-02-2016Bí quyết của nhà quản lý quỹ 9 tỷ USD: Trung thành với tiền mặt
- 17-02-2016Lời khuyên của chiến lược gia quản lý quỹ 1.700 tỷ USD: "Hãy ngồi im và chờ đợi"
- 02-02-20167 nhà quản lý quỹ phòng hộ thành công nhất thế giới
- 15-09-2015Các công ty quản lý quỹ Việt Nam đang rót tiền vào đâu?
Thận trọng hay thiếu năng động?
So sánh chưa bao giờ là điều dễ chịu và thất bại luôn khó nuốt trôi. Việc có những quỹ ngoại mới vào thị trường trong vài năm gần đây hoạt động hiệu quả sẽ buộc những quỹ ngoại vốn có thâm niên trên thị trường nhưng hoạt động kém cần phải xem lại mình. Và đau hơn cả có lẽ là việc quỹ nội vốn được xem như anh lớn đầy kiêu hãnh lại tăng trưởng kém hơn cả một quỹ nội sinh sau đẻ muộn. Trong năm 2015 có nhiều cơ hội, có người thắng kẻ thua, những quỹ nào làm dở sẽ không còn có thể đổ thừa “tại thị trường” được nữa.
Một trong những lý do khá khách quan lý giải cho sự thất bại của một số quỹ ngoại là quy mô lớn, dẫn đến khó xoay trở. Rõ ràng, TTCK Việt Nam vẫn đang khan hàng, những CP được ưa chuộng như VNM, DHG, VCB… không nhiều. Thanh khoản nhiều lúc phập phù cũng dẫn đến việc các quỹ sẽ khó đảo hàng với giá trị lớn.
Nhưng mấu chốt có lẽ nằm sự trì trệ và mạo hiểm có phần thái quá tại một số quỹ. VNM là một trong những CP lớn tăng mạnh nhất trong năm 2015 và góp phần quan trọng đẩy giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ tăng mạnh.
Tuy nhiên, với những quỹ ngoại có thâm niên trên thị trường Việt Nam, thời gian sở hữu VNM có lẽ không tính bằng năm nữa mà tính bằng… thập kỷ.
Có nghĩa thành tựu với VNM là ở quá khứ và kéo dài đến hiện tại. CP tăng giá tất nhiên ai cũng muốn giữ, tuy nhiên với CP không tăng giá thì sao? Liệu quỹ có sẵn sàng cắt lỗ, hoặc bán ra đảo danh mục hay tiếp tục ngồi chờ CP tăng trở lại. Được biết, có quỹ cũng vì giữ CP dầu khí quá lâu, thiếu đi sự linh hoạt nên khi giá dầu giảm mạnh đã không kịp hành động chính xác dẫn đến thiệt hại. Trì trệ nên muốn linh hoạt trong thời gian ngắn là không dễ, có quỹ thậm chí… giữ luôn cả khoản đầu tư thua lỗ. Nhìn bên ngoài có vẻ như đang kỳ vọng về một sự hồi phục ngoạn mục nào đó, nhưng thực tế hành động này có khi chỉ là một sự cố chấp, không thừa nhận thất bại của mình.
Cũng có quỹ thay đổi chiến lược, từ chỗ đầu tư giá trị, đầu ngành chuyển sang chơi cả “hàng thị trường” nhưng làm chưa tới cũng mất cân bằng. JVC có thể là một câu chuyện điển hình. Có những thời điểm CP này nổi sóng cũng là lúc khối ngoại giao dịch rất mạnh.
Tất nhiên trường hợp của JVC còn có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả việc kém may mắn của các quỹ ngoại. Nhưng có một thực tế là trong khoảng 2 năm gần đây, một số quỹ đã chuyển sang đánh những CP có tính thị trường cao và có kẻ thắng người thua, điều không thể tránh khỏi.
Nhưng điều đáng bàn ở đây là nếu đã theo thị trường, linh hoạt, năng động hơn thì liệu đã làm tới nơi hay chưa? Chẳng hạn, nếu một quỹ đầu tư lớn, trả lương cao cho cả một đội ngũ phân tích để làm báo cáo, nghiên cứu học thuật kỹ lưỡng, nhưng khi giải ngân lại chọn những CP có yếu tố… đầu cơ. Chính sự lẫn lộn giữa cơ bản và thị trường có thể khiến các quỹ mất cả cơ hội, bởi lẽ có những CP con đường tăng giá không quá phức tạp nhưng lại phân tích quá kỹ hoặc chê bai “hàng lởm”.
Hiệu quả là tất cả
Khi thị trường ngày một phân hóa, có giảm-có tăng, trong một nhóm ngành không phải CP nào cũng tăng, muốn thành công, ngoài việc có tầm nhìn dài hạn thì trong ngắn hạn cần phải bám sát, bám thật chắc thị trường. Một trong những lý do các quỹ nội, đặc biệt quỹ mở, thắng được thị trường trong thời gian qua cũng chính là việc bám thị trường. Nói cụ thể, ngành quản lý quỹ trong nước sau nhiều năm khiến NĐT thất vọng đã bằng mọi giá phải chứng tỏ năng lực, hiệu quả của mình để vãn hồi niềm tin. Và chỉ nhờ có hiệu quả quỹ nội mới có thể gọi vốn thêm.
Ngoài ra, với quy mô vốn chỉ tầm khoảng 100-200 tỷ đồng, quỹ nội cũng linh hoạt và tập trung hơn vào các khoản mục đầu tư. Để bám sát được thị trường, cần không ít kỹ năng, thậm chí là một nghệ thuật, nhưng trong đó những hoạt động như săn tin, gặp gỡ doanh nghiệp, giao lưu đồng nghiệp (chuyên viên phân tích, đầu tư) rất quan trọng. Tất nhiên là quỹ nào, chuyên viên phân tích, đầu tư nào cũng đều có những hoạt động này, nhưng làm được tới đâu thì hiệu quả danh mục nói lên rất rõ ràng.
Có một điều chắc chắn, tiêu chuẩn chọn lựa nhân sự của quỹ đầu tư thường khắt khe bậc nhất trên thị trường và như vậy ngành quản lý quỹ là nơi tập trung những người giỏi. Người giỏi, nhưng hiệu quả không cao thì chỉ có 2 lý do: Hoặc công việc không phù hợp, hoặc chính từ đội ngũ những người lãnh đạo quỹ không chịu thay đổi tư duy. Cần nhấn mạnh, khi thực hiện đầu tư các quỹ còn nhận được những tư vấn của CTCK và thường CTCK cũng không muốn khách hàng của mình mất lòng. Những thương vụ thắng lớn nhất của quỹ ngoại, xét về mặt hiệu quả, thường nằm ở CP mid cap hoặc penny vẫn đang đều đặn xuất hiện. Điều cần bàn ở đây không phải khả năng bật vọt của những CP này cao hơn blue chip, mà đó là câu chuyện của ý tưởng đầu tư.
Bỏ qua những CP bị đầu cơ, đẩy giá quá mức, những CP tăng mạnh đều có một câu chuyện rất hay (tất nhiên có cả mạo hiểm), vấn đề là có gan để thử sức hay không. Một số quỹ hiện tại đã bộc lộ sự thiếu ý tưởng đầu tư khi chỉ muốn bám theo những CP có tính thị trường, có khả năng tăng, thậm chí có quỹ ngoại nào đó mua trước. Đây rõ ràng là… bắt chước chứ không phải bám thị trường.
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính