MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quán quân tăng giá tháng 11, họ là ai?

Dù thị trường chung đi xuống, vẫn có những cổ phiếu đi ngược lại thị trường và có mức tăng giá ấn tượng trên 200% trong tháng qua. Đáng nói là các mã niêm yết trên Upcom đã chiếm một nửa trong top 6 các mã tăng giá mạnh nhất.

Tháng 11 đã kết thúc với sự đi xuống của các chỉ số. VN-Index giảm 34,2 điểm còn 566,6 điểm còn HNX-Index đã bị kéo tụt xuống 87,4 điểm.

Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu đi ngược lại thị trường và có mức tăng giá ấn tượng trên 200% trong tháng qua. Đáng nói là các mã niêm yết trên Upcom đã chiếm một nửa trong top 6 các mã tăng giá mạnh nhất.

Đứng đầu về tăng trưởng giá trong tháng 11 là cổ phiếu ITQ của CTCP Tập đoàn Thiên Quang (niêm yết trên HNX). ITQ đã tăng 239% và đang có giá 36.600 đồng. Theo thông tin từ công ty, trong 11 tháng đầu năm 2014, ITQ đã đạt 527 tỷ đồng tổng doanh thu – tăng 36% so với 11 tháng đầu năm 2013 và hoàn thành 97% kế hoạch cả năm 2014. Lợi nhuận trước thuế của ITQ trong 11 tháng đầu năm đã đạt 22 tỷ đồng – tăng 401% so với năm trước và vượt 47% so với kế hoạch.

Ngày 18/12 tới, công ty này sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua việc bổ sung một số ngành nghề kinh doanh.

Đồ thị của ITQ trong riêng tháng 11 có thể gọi là “dựng ngược” bởi 16/20 phiên tăng điểm, trong đó có 5 phiên tăng trần.

Biểu đồ giá ITQ

3 cổ phiếu niêm yết trên UpCom là NBS (CTCP Bến xe Nghệ An), CZC (CTCP Than Miền Trung) và SNC (CTCP Thủy sản Năm Căn) có mức tăng giá trong tháng lần lượt là 220%, 183% và 145%.

Không phải đến bây giờ, các cổ phiếu Upcom này mới khiến nhà đầu tư chú ý. NBS bắt đầu tạo dấu ấn bằng phiên tăng trần với biên độ 40% vào ngày 4/11 sau 27 phiên không có giao dịch, và sau đó là chuỗi ngày tăng trần 10 phiên liên tục, giảm sàn 2 phiên, đứng im 2 phiên rồi tiếp tục phi lên mức giá 55.400 đồng vào ngày cuối tháng.

CTCP Bến xe Nghệ An có cơ cấu cổ đông rất cô đặc với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC nắm 40,4%; Ông Phạm Quốc Tuấn nắm 34,4% và Công ty TNHH SX&TM Quốc tế Vũ Hoàng nắm gần 20%. Trong đó, ông Phạm Quốc Tuấn vừa trở thành cổ đông lớn vào ngày 10/11 sau khi mua hơn 1 triệu cổ phiếu NBS. Trước đó, ông Tuấn không nắm giữ cổ phiếu NBS nào.

Biểu đồ giá NBS

Về phía CZC, vào ngày 7/11, công ty thông báo sẽ tiến hành đấu giá 1.337.820 cổ phần (số cổ phần do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sở hữu) với giá khởi điểm là 33.100 đồng/cổ phần vào ngày 09/12/2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tại thời điểm đó, cổ phiếu CZC đang được giao dịch trên Upcom với mức giá 3.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm đấu giá lần đầu của CTCP Than Miền Trung – Vinacomin cao hơn gần 9,5 lần so với thị giá ngày 7/11. Tuy nhiên, ngay sau ngày này, CZC đã tăng trần, đứng giá 2 phiên rồi tăng trần liên tục 11 phiên. Đóng cửa ngày 28/11, CZC đang có giá 9.900 đồng – vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá 33.100 đồng nói trên.

SNC mới bắt đầu giao dịch trên Upcom vào ngày 11/11/2014 nhưng đã kịp góp tên vào danh sách tăng trưởng mạnh nhất tháng bằng việc tăng trần 6 phiên liên tục từ ngày 20/11 đến 28/11, trong đó ngày 20/11, SNC tăng trần với biên độ 40% do là ngày có giao dịch đầu tiên kể từ khi niêm yết.

Tương tự NBS, SNC có cơ cấu cổ đông rất cô đặc. Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam-Công ty TNHH MTV nắm 50,8% vốn điều lệ, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 19% và CTCP Thủy sản Minh Hải nắm 8,85%.

Biểu đồ giá SNC


CTCP Tư vấn điện lực Dầu khí Việt Nam PPE thì nhanh chóng chạy ngay từ đầu tháng với chuỗi tăng trần liên tục từ ngày 3/11 – 21/11 (chỉ trừ ngày 7/11 đứng giá). PPE đang ở trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2013 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2013 bị âm. Thông tin hỗ trợ cho chuỗi tăng trần của PPE có thể là việc Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam đăng ký bán 1.020.000 cổ phiếu từ ngày 7/11 – 5/12 theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty.

CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn SBC cũng vậy. Sau thông tin CTCP Bia Sài Gòn – Bình Tây chào mua công khai hơn 5,1 triệu cổ phiếu SBC với giá 11.500 đồng/cp trước khi SBC hủy niêm yết, thời gian thực hiện từ 10/11 – 10/12 thì cổ phiếu này đã bật tăng và tăng trần liên tục 11 phiên từ ngày 14/11 – 28/11. Giá hiện tại của SBC đang là 31.700 đồng. Với mức giá này, CTCP Bia Sài Gòn – Bình Tây sẽ phải tốn kém hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu để mua được số cổ phần chào mua.

>>> Bất ngờ những cổ phiếu tăng 40% trong một phiên

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên