MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Quan tâm sâu sắc” của SCIC ở Vinamilk

Hiện đang có những “đợt sóng ngầm” giành quyền kiểm soát công ty sữa lớn nhất nước giữa cổ đông tổ chức là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với ban lãnh đạo, hội đồng quản trị (HĐQT) Vinamilk.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty Sữa Việt Nam diễn ra mới đây, kết quả kinh doanh năm ngoái và ba tháng đầu năm nay, thị phần, chi phí quảng cáo, kế hoạch M&A, chỉ tiêu đầu tư... đã không được chú ý nhiều lắm.

Trên bề mặt dường như mọi động thái đều yên ả, nhưng bên dưới là những “đợt sóng ngầm” giành quyền kiểm soát công ty sữa lớn nhất nước giữa cổ đông tổ chức là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với ban lãnh đạo, hội đồng quản trị (HĐQT) Vinamilk - những người chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, quyền lợi của các cổ đông còn lại.

Các đề xuất của SCIC bao gồm bầu thêm một thành viên độc lập vào HĐQT, trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty, sửa đổi điều lệ công ty đã bị ĐHĐCĐ phủ quyết. Một cổ đông cá nhân cho biết ông không thể tán đồng đề xuất có thêm thành viên độc lập. Ông nói trước đây SCIC đã đề cử ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương làm thành viên độc lập và ông Thắm đã được chấp thuận. Sau đó không lâu, ông Thắm tự động xin rút khỏi vị trí này. “Cũng may là ông Thắm đã rút, chứ nếu đến tận khi bị bắt tạm giam ông Thắm vẫn là thành viên HDQT Vinamilk, thì không biết các nhà đầu tư sẽ phản ứng thế nào với cổ phiếu VNM trên sàn”, vị cổ đông giãi bày.

Trước cuộc họp vài tuần, theo một nguồn tin đáng tin cậy, SCIC đã mời đại diện một số tổ chức nước ngoài đang sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu Vinamilk ra Hà Nội họp. Giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu (room) của Vinamilk luôn đầy và tiếng nói của khối ngoại có trọng lượng trong biểu quyết các vấn đề của công ty. SCIC hiện nắm giữ khoảng 40% cổ phần Vinamilk, là cổ đông “to” nhất, nhưng khối ngoại lại sở hữu tới 49% cổ phần và nếu chỉ 2-3 tổ chức nước ngoài nói “có” hoặc “không”, mọi vấn đề có thể được quyết định.

Đề xuất thứ hai của SCIC bị phủ quyết là “việc đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT, ban kiểm soát trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức”. Đề xuất này, theo lý giải của một quỹ đầu tư, ít nhiều liên quan đến bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.

Bà Liên hiện đang đại diện cho phần vốn nhà nước, tức phần vốn mà SCIC quản lý. Khi đến tuổi nghỉ hưu năm tới, bà sẽ không còn đại diện cho phần vốn nhà nước, SCIC sẽ cử người khác thay thế. Trong trường hợp đó, theo đề xuất của SCIC, bà Liên đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT. Thế nhưng ĐHĐCĐ đã không thông qua đề xuất này. Đây là những vấn đề thuộc về quản trị doanh nghiệp.

Hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc không nhỏ vào ban lãnh đạo. Giới đầu tư nhìn thấy Vinamilk dưới sự lãnh đạo của ban tổng giám đốc đã phát triển nhanh, bền vững trong suốt gần một thập kỷ qua. Năm ngoái Vinamilk đạt doanh thu 35.700 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.068 tỉ đồng, vươn lên tầm cỡ khu vực. Quí 1-2015, lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ, nhảy lên 1.884 tỉ đồng, vượt qua cả lợi nhuận của những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Ở vị trí cổ đông, SCIC đã hưởng lợi không ít từ Vinamilk. Cổ tức bằng tiền mà SCIC nhận được từ Vinamilk chiếm tỷ lệ cao trong lợi nhuận ròng hàng năm của tổng công ty. SCIC cũng không mất công sức gì trong điều hành, quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên mọi quyết sách điều hành của Vinamilk đều chỉ có thể thực hiện một khi SCIC đồng ý. Hơn nữa, vốn nhà nước ở Vinamilk luôn được bảo toàn. Ngay cả việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động ở Vinamilk cũng đã không còn do SCIC không muốn pha loãng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ.

Vậy hà cớ gì giờ đây SCIC lại thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” đến việc thay đổi quản trị doanh nghiệp và ban điều hành Vinamilk, một công ty cổ phần, không phải doanh nghiệp quốc doanh và SCIC không phải cơ quan chủ quản?

Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc thoái bớt vốn nhà nước ở Vinamilk, lấy tiền đó đầu tư cho y tế, giáo dục hay cơ sở hạ tầng bởi sữa không phải là lĩnh vực Nhà nước cần nắm quyền kiểm soát chi phối. Thay vì “quan tâm sâu sắc” đến Vinamilk, SCIC nên chăng tập trung vào mục tiêu thoái vốn khỏi các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thu hồi vốn cho Nhà nước.

PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên