MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ mở cần công ty chứng khoán

Với các công ty chứng khoán lớn, thị phần lớn thì việc tiếp cận với những nhà đầu tư nhiều tiền cũng như chào bán được chứng chỉ quỹ cũng dễ dàng hơn.

Một sản phẩm muốn tiếp cận và tồn tại được trên thị trường thì phải có một kênh phân phối chất lượng, hiệu quả. Quỹ mở là sản phẩm mới của thị trường chứng khoán và vai trò của các nhà phân phối cũng vô cùng quan trọng.

Ông Sebastian Subba, Tổng Gíam đốc của Vinawealth, nhấn mạnh: Mạng lưới phân phối của chứng chỉ quỹ mở là một nhân tố quan trọng. Mở rộng và đa dạng hoá kênh phân phối sẽ giúp sản phẩm có thể đến với nhiều phân khúc khách hàng đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức và sự thu hút của nhà đầu tư.

Nhưng muốn phát huy hiệu quả sẽ cần phải có thời gian. Qua đây, cũng có thể nhận thấy một số thách thức trước mắt dành cho các công ty quản lý quỹ cũng như các nhà phân phối mà cụ thể ở đây là các công ty chứng khoán với hệ thống phân phối quỹ mở.

Quỹ mở cần công ty chứng khoán

Trong các buổi ra mắt, giới thiệu về quỹ mở, vai trò của nhà phân phối chứng chỉ quỹ được nhấn mạnh rõ nét hơn. Với một số quỹ đóng trước đây, chỉ cần chào bán, gọi đủ vốn và niêm yết trên thị trường thì ít nghe nói đến nhà phân phối nhưng với đặc điểm hoạt động của quỹ mở thì vai trò nhà phân phối sẽ có nhiều điểm quan trọng hơn.

Nhà phân phối cho chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) là Công ty CPCK Sài Gòn (SSI). Mới tuần vừa rồi, công ty quản lý quỹ Eastspring Investments cũng ký kết hợp tác với Công ty CPCK VN Direct (VND) trong việc quảng bá, phân phối chứng chỉ quỹ. Cả SSI và VND đều là những công ty chứng khoán lớn, có thị phần nằm trong top đầu, nên dễ hiểu VinaWealth hay Eastspring khi bắt tay với các đối tác này cũng sẽ có nhiều lợi thế.

Sau một giai đoạn hoạt động lộ ra nhiều tồn tại, rõ ràng hình ảnh của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư nhìn chung đã bị ảnh hưởng. Người mất niềm tin ở quỹ đầu tư ở hiệu quả công việc, kẻ đặt vấn đề về yếu tố minh bạch của các quỹ đầu tư… nhìn chung có nhiều bất lợi về mặt hình ảnh với các quỹ đầu tư.

Vậy nên, ngoài chuyện quỹ đầu tư tiếp cận với nhà đầu tư thì vai trò của nhà phân phối cũng vô cùng quan trọng. Cứ nhìn vào hiện tượng, cùng một nhãn hiệu sản phẩm, có nhiều nơi bán, nhưng khách hàng lại chỉ chọn một số cửa hàng, siêu thị, trung tâm để thấy được điều này.

Các công ty chứng khoán, trong vai trò nhà phân phối sẽ bảo đảm sự tin tưởng cho nhà đầu tư, có thể xảy ra trường hợp quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ "nói" chưa chắc nhà đầu tư tin, nhưng nhân viên môi giới nói với khách hàng mình thì niềm tin được gia tăng.

Nguồn hàng và khách hàng

Với các công ty chứng khoán lớn, thị phần lớn thì việc tiếp cận với những nhà đầu tư nhiều tiền cũng như chào bán được chứng chỉ quỹ cũng dễ dàng hơn. Nhưng vấn đề ở đây là lượng hàng hoá sẽ tiêu thụ như thế nào. Thực tế, việc các nhà đầu tư bỏ vài triệu đồng mua thử chứng chỉ quỹ mở để biết không khó, hoặc cũng có khi vì "môi giới ruột" mời mọc nên thôi thì mua cho vui cũng được.

Nhưng từ mua thử đến mua thật, từ mua ít đến mua nhiều lại là chuyện khác. Bởi nhà phân phối nào cũng muốn bán được càng nhiều số lượng qua đó có nhiều lợi nhuận hơn. Lợi nhuận của nhà phân phối cũng phải đến từ số lượng lớn, còn số ít thì vô cùng khó khăn. Ở đây, nếu loại trừ một yếu tố vô cùng quan trọng là nhận thức của nhà đầu tư với quỹ mở, đều cần có thời gian để "ngấm", thì cũng có không ít thách thức cho các nhà phân phối.

Hiện nay, mới chỉ có vài quỹ mở xuất hiện trên thị trường, vốn cũng nhỏ, nên các nhà phân phối cũng có ít sản phẩm để mà tiêu thụ. Đã ít về chủng loại, số lượng cũng ít nốt thì quả thực rất khó cho các nhà phân phối mà như vậy tính cạnh tranh giữa các nhà phân phối cũng giảm hẳn.

Giả sử có một quỹ mở vốn lớn, có đội ngũ quản lý hứa hẹn hiệu quả cao, chắc chắn sẽ có các công ty chứng khoán tham gia "ứng cử" để được trở thành nhà phân phối. Điều này không chỉ tốt cho quỹ, công ty chứng khoán mà nhà đầu tư cũng được hưởng lợi.

Hoặc nếu trên thị trường có nhiều sản phẩm quỹ mở, thì một số công ty chứng khoán cũng có thể cạnh tranh với nhau để giành quyền phân phối những sản phẩm tốt nhất, hoặc phân phối nhiều sản phẩm để tạo nên vị thế nhà phân phối quỹ mở. Vậy nên, cần một sự kết hợp từ cả nhà sản xuất (quỹ) và nhà phân phối (công ty chứng khoán) trong việc phát triển quỹ mở.

Nếu các công ty chứng khoán lâu lâu mới có một quỹ mở để phân phối thì việc trở thành một nhà phân phối chuyên nghiệp cũng diễn ra chậm chạp. Mà hàng hoá đưa ra thị trường lại không được phân phối tốt thì dù có tốt cũng chưa chắc đã được nhiều người chú ý.

Theo Khiêm An

phuongmai

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên