MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ phòng hộ châu Á: "Đừng mua chứng khoán Trung Quốc, hãy mua của Việt Nam"

Trái ngược với triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, tiêu dùng nội địa và đầu tư nước ngoài gia tăng là những nhân tố thúc đẩy nhà đầu tư rót tiền vào Việt Nam.

Một quỹ phòng hộ ở Châu Á đã tận dụng sự hỗn loạn của TTCK Trung Quốc trong năm ngoái và đã thắng đậm nhờ bán khống. Năm nay quỹ này vẫn tỏ ra bi quan về nền kinh tế lớn nhất Châu Á và tin rằng những cơ hội đầu tư tốt nhất sẽ đến từ Việt Nam và Philippines.

Deng Jiewen, giám đốc quỹ FengHe Asia Fund, cho biết các nền kinh tế Đông Nam Á đang hiệu quả hơn Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài. Quỹ này có trị giá 65 triệu USD và đã tăng 20% trong năm ngoái bất chấp chứng khoán Châu Á lao dốc.

FengHe, có nghĩa là “rủi ro và lợi nhuận” trong tiếng Quan Thoại, là một trong số ít các quỹ phòng hộ đang tranh thủ đầu tư vào các thị trường nhỏ hơn ở Châu Á khi triển vọng kinh tế của Trung Quốc trở nên ảm đạm.

“Chúng tôi rất lạc quan về kinh tế Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở đây”, Deng nói. “Philippines thì có cấu trúc kinh tế và nhân khẩu học vững vàng. Nước này đang trở nên thân thiện hơn với vốn đầu tư nước ngoài.”

Nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 mà chính phủ đã đề ra, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ vào lực cầu nội địa và đầu tư nước ngoài gia tăng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua thêm 100 triệu USD cổ phiếu của các công ty Việt Nam trong năm 2015, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp có dòng vốn ngoại đổ vào trong khi các thị trường khác ở Châu Á lại đang chứng kiến dòng vốn tháo chạy. Ở Philippines, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 16,4% lên 464 triệu USD trong tháng 11 năm ngoái, nâng tổng vốn đầu tư trong 11 tháng đầu năm lên 5,5 tỷ USD.

Theo công ty cung cấp dữ liệu Eurekahedge, trong một năm qua, FengHe được xếp vào nhóm 2% dẫn đầu trong 188 quỹ đầu tư ở Châu Á (không tinh Nhật Bản). Quỹ này cũng không miễn nhiễm với tình trạng mất tiền vào đầu năm nay do chứng khoán toàn cầu lao dốc vì giá dầu sụt giảm, biến động tiền tệ và làn sóng hạ xếp hạng tín dụng. Quỹ đã mất 3,8% giá trị trong tháng 1 khi chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 8%, xuống mức thấp nhất trong 3 năm.

Quỹ FengHe được điều hành bởi công ty quản lý tài sản F&H Fund Management do John Wu, cựu giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Alibaba sáng lập. Quỹ này thường đầu tư vào các lĩnh vực có nền tảng cơ bản vững mạnh trong dài hạn như du lịch, năng lượng sạch, y tế và tiêu dùng ở thị trường Châu Á.

Chỉ số VN Index hiện đang được giao dịch ở mức gấp 1,7 lần tài sản ròng, gần thấp nhất 3 năm sau khi giảm 1,5% vào đầu năm nay. VN Index đã tăng trong 4 năm liên tiếp tính đến năm 2016. Theo dữ liệu của Bloomberg, lợi nhuận của sàn chứng khoán Philippine dự kiến tăng 22% trong 12 tháng tới.

Chứng khoán Trung Quốc đã kéo dài chuỗi mất điểm trong năm nay, khi chỉ số Shanghai Composite tụt xuống mức thấp nhất 14 năm vào 28/1 do các dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế nước này đang trở nên trầm trọng hơn. Morgan Stanley cho biết cổ phiếu của các công ty thuộc chỉ số trên có thể đạt lợi nhuận trung bình 3% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5%.

“Hầu hết nhà đầu tư nhận định rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đang được định giá rẻ hơn trước. Nhưng tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ giảm ở đa số các lĩnh vực”, Deng nói.

Chính phủ Trung Quốc đã nâng số tiền ký quỹ bắt buộc đối với các giao dịch chứng khoán kỳ hạn, buộc các nhà môi giới phải hạn chế cho vay. Cảnh sát cũng đã tăng cường các cuộc điều tra chống bán khống chứng khoán.

Deng đã giảm số cổ phiếu nắm giữ của các công ty Trung Quốc trước tháng 6 năm ngoái khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc. Quỹ cũng đã bán khống cổ phiếu Trung Quốc ở Hồng Kông trong năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng China Enterprises đều đã giảm hơn 40% kể từ mức đỉnh trong năm ngoái.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên