SBS dư bán sàn 5 triệu cổ phiếu, HNX-Index bất ngờ tăng nhẹ cuối phiên
VN-Index mất 0,05 điểm do MSN và BVH cùng giảm 1000 đồng. Nhóm cổ phiếu khoáng sản và cao su tiếp tục tăng trần, ACB gây bất ngờ khi có lúc chạm trần trong phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch 23/4:
Thị trường phân hóa mạnh khi vẫn có tăng trần nhưng vẫn có mã giảm sàn, số mã tăng giá và giảm giá khá cân bằng với 121 mã tăng và 120 mã giảm. SBS dẫn đầu danh sách bị bán ra với dư bán sàn gần 5 triệu cp (cả lệnh ATC).
Trong nhóm Vn30, BVH và MSN giảm 1.000 đồng đã khiến VN-Index mất điểm nhẹ cuối phiên, công thêm STB giảm 300 đồng, VCB, CTG, FPT, HPG giảm nhẹ khiến VN30-Index mất điểm trong 15 phút cuối. Nhóm tăng giá đáng chú ý có SBT dư mua trần hơn 200 nghìn cp, CII tăng 1.300 đồng, GMD có lúc tăng trần nhưng cuối phiên tăng 1.100 đồng/cp, SSI tăng 100 đồng/cp lên 21.800 đồng/cp tuy nhiên sáng nay SSI thỏa thuận 1 triệu cp giá 22.700 đồng/cp (cao hơn giá khớp lệnh trên sàn 900 đồng), GMD cũng thỏa thuận hơn 2 triệu cp.
Tại nhóm penny và midcap, ngoài SBS dư bán sàn khối lượng lớn, các mã khác giảm sàn đều là cổ phiếu tăng nóng trước đó như PVT, NVT, MCG…
Riêng nhóm khoáng sản như KSA, KSH, KSS, KTB vẫn tăng trần đồng loạt, NTL, HQC chỉ còn dư bán giá trần, nhóm cổ phiếu cao su như CSM, DRC, SRC…đều tăng trần.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index cuối phiên tăng nhẹ nhờ ACB tăng 300 đồng, đã có lúc ACB chạm giá trần, một điều khá bất ngờ bởi đã từ rất lâu ACB không biến động mạnh trong phiên; một số mã tăng trần phiên này có SCR (dư mua trần 300 nghìn cp), IVS (dư mua trần 200 nghìn cp), HBB, SHB đứng giá.
Hai sàn vẫn duy trì đà tăng nhẹ cuối phiên sáng, Vn-Index tăng 0,66 điểm lên 466,38 điểm (+0,14%) trong khi HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,14%).
Nhà đầu tư hiện vẫn chưa xác định rõ xu hướng thị trường và các thông tin trái chiều sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá cổ phiếu. Rõ ràng thông tin CPI cả nước tăng 0,05% so với tháng trước là thấp so với dự đoán của nhiều chuyên gia, lạm phát tính theo năm (y0y) đã giảm mạnh xuống 10,54% thay vì đỉnh 23% của tháng 8/2011. Việc lạm phát giảm mạnh sẽ hỗ trợ cho động thái hạ lãi suất của NHNN. Tuy nhiên bên cạnh đó, giá xăng tăng vào cuối tuần trước lại khiến tâm lý NĐT khá lung lay.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2012 cũng khiến nhiều cổ phiếu khó có thể bứt phá khỏi vùng đỉnh của tháng 3. Thị trường sáng nay phân hóa mạnh.
Một số mã tăng trần như HBC, HSG, GSP, các cổ phiếu khoáng sản như KTB, BMC, KSA, KSS, KSH…các cổ phiếu cao su như SCR, CSM…vẫn được mua mạnh và duy trì sức cầu lớn. Tuy nhiên một số mã khác giảm sàn như NVT, SBS, SGT…
Bên sàn Hà Nội, các cổ phiếu chứng khoán cuối giờ sáng đều bị đẩy về giá tham chiếu, SCR tăng trần lên 14.500 đồng/cp nhưng lực bán khá lớn, DBC sau khi “gây shock” toàn thị trường với lợi nhuận quý I/2012 đạt hơn 200 tỷ, gần hoàn thành kế hoạch năm, tuy nhiên mã này sáng nay bị bán khá mạnh, giảm 600 đồng xuống 23.100 đồng/cp.
Các cổ phiếu ngân hàng sáng nay tăng nhẹ, ACB tăng 400 đồng, MBB, HBB tăng 100 đồng, SHB, EIB, VCB đứng giá, CTG giảm nhẹ 100 đồng.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,5 điểm lên trên 78 điểm. PVV hiện dư mua trần hơn 130 nghìn cp, HBB tăng nhẹ 100 đồng, nhóm cổ phiếu chứng khoán như KLS, BVS, VND tăng nhẹ trở lại.
SHN dư bán sàn 1 triệu cp, xuống 2.100 đồng/cp.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
Giá xăng tăng 900 đồng/lít vào cuối tuần
CPI TP.HCM tháng 4 tăng 0,08%, thấp nhất trong 20 tháng
Thảo luận tăng thanh khoản cho thị trường: có thể NĐT được bán chứng khoán vào ngày T+3 và tăng thời gian giao dịch buổi chiều
Tuần qua khối ngoại bán ròng hơn 800 tỷ STB
ĐHCĐ CTCK Sài Gòn (SSI): Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho rằng VN-Index cuối năm không thay đổi nhiều so với hiện tại
ĐHCĐ CTCK Tràng An (TAS) nhóm cổ đông Trung Quốc sở hữu trên 40% vốn đề cử 2 người vào HĐQT
ĐHCĐ CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) thông qua việc tăng vốn gấp đôi lên 370 tỷ, không chia cổ tức năm 2011
Kiều hối năm 2012 có thể đạt tới 12 tỷ USD và kênh giới Việt kiều hướng đến là chứng khoán
Tổng giám đốc WSS cho rằng vụ việc với PVFI đã kết thúc
Phương Mai