SCIC bán nửa tỷ cổ phiếu niêm yết từ nay đến 2015: Đâu là cơ hội
Trong danh mục bán ra của SCIC có nhiều cổ phiếu hết room như FPT, NTP, BMP..ngoài ra chỉ riêng việc bán 10 cổ phiếu nắm giữ nhiều nhất mang về cho SCIC gần 7.500 tỷ đồng.
- 04-12-2013Phê duyệt đề án tái cơ cấu: SCIC vẫn giữ 54.000 tỷ cổ phiếu Vinamilk, bán Bảo Việt
- 04-12-2013SCIC vẫn giữ 54.000 tỷ cổ phiếu Vinamilk, bán Bảo Việt, FPT
- 27-11-2013SCIC được thêm quyền: Hạ giá khởi điểm, bán dưới mệnh giá công ty thua lỗ
- 05-12-2013Gần 70.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết của SCIC có những gì?
Ngày 2/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015.
Tăng vốn gấp 10 lần
Theo đó SCIC sẽ được tăng gấp 10 lần vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng hiện tại đến năm 2015 là 50.000 tỷ đồng, SCIC xây dựng phương án tăng vốn điều lệ, báo cáo Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn điều lệ của SCIC, việc điều chỉnh tăng vốn trong tháng 12/2013.
SCIC sẽ lên phương án tái cơ cấu và kế hoạch bán vốn hàng năm để đảm bảo danh mục đầu tư vốn đến năm 2015 không quá 100 doanh nghiệp nhưng vẫn tiếp tục việc tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các DN chuyển giao từ các Bộ, địa phương.
Cổ tức của 4 doanh nghiệp mang về hơn 2.000 tỷ trong năm 2013
SCIC được giữ lại và đầu tư lâu dài 4 công ty là CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Viễn thông FPT, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Ai cũng biết VNM là “con bò sữa” của SCIC khi tổng công ty này đang nắm giữ 375,7 triệu cổ phiếu VNM (tương đương hơn 45% vốn).
Chỉ tính riêng năm 2012, VNM trả cổ tức bằng tiền mặt 46% (đã trả 38% và tiếp tục trả 8% trong tháng 12 tới), tiền cổ tức VNM mang về cho SCIC trong năm 2013 đã lên tới gần 1.730 tỷ đồng.
Cổ phiếu | Số lượng nắm giữ | Tỷ lệ % |
VNM | 375,732,000 | 45.08% |
FPT Telecom | 49,145,800 | 50.20% |
VNR | 40,696,950 | 40.36% |
DHG | 28,313,119 | 43.31% |
Ba công ty còn lại đều là các công ty trả cổ tức cao, FPT Telecom (SCIC nắm 50,02% vốn), trả cổ tức hàng năm từ 40-50%, VNR trả cổ tức 20% và DHG trả cổ tức 25%. Tính chung trong năm 2013 các công ty này dự kiến sẽ mang về cho SCIC hơn 2.070 tỷ tiền cổ tức.
Trong danh mục các doanh nghiệp Tổng công ty có cổ phần vốn góp chi phối, ngoài Tổng công ty cổ phần Bảo Minh thì các công ty khác đa phần liên quan đến cảng, đường sông và đường bộ.
Thoái vốn tại 376 doanh nghiệp: Bán ra hơn nửa tỷ cổ phiếu niêm yết từ nay đến 2015
Trong danh mục 376 doanh nghiệp mà SCIC phải thoái vốn từ nay đến năm 2015 có 66 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HoSE, Hà Nội và UpCOM. Tổng số cổ phiếu SCIC đang nắm giữ chỉ tính riêng trên sàn là hơn 553 triệu cổ phiếu (hơn nửa tỷ). Việc bán ra một lượng cổ phiếu khủng như vậy sẽ mang lại cả mặt tốt và mặt xấu cho thị trường.
Về mặt tốt, nhiều cổ phiếu tốt được bán ra sẽ tạo cung hàng nhiều hơn cho các tổ chức trong và ngoài nước. Trong danh mục SCIC nắm giữ nhiều nhất là VCG (255 triệu cổ phiếu), VSH (49,5 triệu cổ phiếu), BVH (22 triệu cp), FPT, NTP (hơn 16 triệu cổ phiếu), BMP (13 triệu cổ phiếu) trong đó BMP, FPT, NTP đều đã hết room, trong trường hợp thời gian tới Chính phủ mở room ngoại, SCIC cần bán bớt ra cổ phiếu để khối ngoại có thể mua trên 49% cổ phần của các doanh nghiệp này.
Các cổ phiếu trong danh mục thoái vốn SCIC nắm giữ nhiều nhất về số lượng
Nếu tính với giá hiện tại trên sàn, nếu bán hết số cổ phần SCIC đang nắm giữ tại VCG, VSH, BVH, VNE, FPT, NTP, BMP, TBC, số tiền SCIC sẽ thu về đạt gần 7.500 tỷ đồng trong đó giá trị cổ phíếu VCG do SCIC nắm giữ đạt hơn 2.700 tỷ, giá trị cổ phiếu BVH, NTP và BMP hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra trong danh mục của SCIC còn có ngân hàng Hàng Hải, Gemadept, nước khoáng Vĩnh Hảo, Nhiệt điện Phả Lại...
Thứ hai, việc bán bớt cổ phiếu tại các doanh nghiệp SCIC đang nắm giữ cổ phần chi phối sẽ tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) tại các mã này. Ở thời điểm hiện tại SCIC đang nắm giữ trên 50% vốn tại 11 doanh nghiệp niêm yết và nắm từ 40-49% tại 6 doanh nghiệp khác. Việc tăng cung hàng và bán bớt vốn nhà nước sẽ khiến cung cầu tại các cổ phiếu này phản ánh thực chất hơn.
SCIC đang nắm giữ cổ phần quá bán tại 11 doanh nghiệp niêm yết
Các doanh nghiệp này đều nằm trong lộ trình thoái vốn của SCIC từ nay đến 2015
Về mặt lo ngại, khi SCIC bán ra thị trường cũng cần phải có một khoản tiền đối ứng, và liệu thị trường có thể hấp thụ hết số cổ phiếu này trong 2 năm tới đây mà không gây xáo trộn quá lớn trên sàn là câu hỏi cần phải có thời gian trả lời. Chúng ta vẫn kỳ vọng về động thái mở room của Chính phủ sẽ diễn ra sớm và dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường sẽ giúp hấp thụ hết lượng cổ phiếu khổng lồ này.
Ngoài ra, không phải cổ phiếu nào SCIC đang nắm giữ có thể thu hút được nhà đầu tư, thực tế trong thời gian qua rất nhiều lần SCIC đấu giá bán vốn tại các doanh nghiệp OTC nhưng thất bại do không tìm được bên mua. Trong 2 năm tới, để thoái sạch vốn tại 376 doanh nghiệp, SCIC nên "cầu nguyện" cho thị trường chứng khoán tăng điểm bền vững để có thể bán cổ phiếu với giá hời.
Phương Mai
Trí Thức Trẻ