SCIC không có ý kiến, Vĩnh Hảo thông qua phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng và dự kiến niêm yết
Tỷ lệ quyền biểu quyết "không có ý kiến" tương đương số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ. SCIC "im lặng" nhìn ĐHCĐ thông qua?
Công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vĩnh Hảo) vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ xin ý kiến bằng văn bản ngày 16/12/2013.
ĐHCĐ của công ty đã thông qua việc phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 5 triệu cổ phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng. Công ty dự kiến thu được 50 tỷ đồng từ đợt phát hành và toàn bộ số tiền này được sử dụng để mua máy móc thiết bị làm tài sản cố định của công ty.
Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 81:50 tức mỗi 81 cổ phiếu Vĩnh Hảo đang nắm giữ, cổ đông sẽ được quyền mua 50 cổ phần mới phát hành thêm. Quyền mua chỉ được chuyển nhượng 1 lần.
Đáng chú ý là Vĩnh Hảo cũng đã thông qua việc lưu ký và đưa cổ phiếu của công ty vào giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành theo phương án chào bán cổ phần nêu trên (trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch theo quy định).
Chúng tôi cũng xin thông tin thêm, hồi đầu năm 2013, Masan consumer đã chi đậm khoảng 170 tỷ đồng mua vào cổ phiếu Vĩnh Hảo với giá 85.000 đồng/CP. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/3013 của Masan Group (MSN) cũng nêu rõ: “Vào ngày 27 tháng 3 năm 2013, một công ty con của Công ty, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer) đã hoàn tất việc mua lại 5.144.460 cổ phiếu Vĩnh Hảo với tổng số tiền là 438.370 triệu VND. Việc mua cổ phiếu này đã giúp Masan Consumer và Tập đoàn lần lượt sở hữu 63,51% và 49,2% lợi ích vốn chủ sở hữu trong Vĩnh Hảo tại ngày 30 tháng 9 năm 2013”.
Trong lần ĐHCĐ này, số phiếu biểu quyết hợp lệ gửi ý kiến về công ty đạt 7,77 triệu phiếu biểu quyết trên tổng số 8,1 triệu phiếu biểu quyết. Mọi nội dung xin ý kiến cổ đông đều được thông qua với tỷ lệ như sau:
Chúng tôi cũng lưu ý thêm, trong bản đề án Tái cơ cấu SCIC hồi đầu tháng 12 này, SCIC sẽ phải rút vốn tại Nước khoáng Vĩnh Hảo đến năm 2015. Phải rút vốn hoàn toàn trong thời gian tới nhưng SCIC đã không có ý kiến phủ quyết đợt phát hành này. Tỷ lệ quyền biểu quyết "không có ý kiến" nêu trên tương đương số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ. SCIC "im lặng" nhìn ĐHCĐ thông qua?.
Nguyễn Thanh
Trí Thức Trẻ