SCIC: Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?
Hai, ba năm trở lại đây, việc thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp của SCIC gần như bế tắc. Kinh tế vĩ mô khó khăn đã khiến chúng tôi không thoái được vốn, cũng như không tìm được cơ hội đầu tư.
Temasek Việt Nam-người ta đã từng gọi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) như thế vào năm 2006 khi đơn vị này được thành lập với kỳ vọng trở thành đầu mối quản lý doanh nghiệp, đầu mối đầu tư. Hơn 6 năm sau, kỳ vọng đó vẫn chưa đi tới đích và ngay trước thời điểm một nghị định về chức năng, nhiệm vụ của SCIC chuẩn bị đươc ban hành, câu hỏi mô hình nào cho SCIC, cho quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lại được mang ra bàn thảo.
To mà bé
‘xu hướng quay lại bộ chủ quản đã bắt đầu và kỳ lạ là một số bộ cảm thấy vui mừng khi nhận lại doanh nghiệp, trong khi đáng lẽ đấy phải được xem là một bước thụt lùi trên đường cải cách khối quốc doanh’-một chuyên gia kinh tế nhận xét khi 6 tổng công ty của Tập đoàn Xây dựng công nghiệp vừa được tách ra và giao về cho Bộ xây dựng quản lý. Trước đấy, đích thân Bộ xây dựng có văn bản gửi Chính phủ đề nghị giao các tổng công ty về cho mình.
Mấy năm trước, khi thực hiện IPO thành công, Vietcombank cũng đã được bàn giao về cho SCIC. Nhưng rồi sau đó, không hiểu vì lý do gì, Vietcombank lại trở về với cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước. Người đại diện cho phần vốn nhà nước hiện nay tại Vietcombank là người của Ngân hàng Nhà nước, không phải của SCIC.
SCIC tiếng to, danh kêu, mà thực sự đến nay chỉ mới tiếp nhận 3% tổng vốn nhà nước ở doanh nghiệp. Vốn ít, nhưng đầu mối nhỏ thì nhiều, 430 đơn vị. So với 1.309 đơn vị quốc doanh, nơi Nhà nước đang sở hữu 100% vốn, SCIC tầm cỡ chỉ bằng một doanh nghiệp. So với quy mô một ngân hàng bậc trung, SCIC còn kém xa.
Khảo sát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong đó Nhà nước vẫn còn là một cổ đông, đa số cho biết họ hài lòng về SCIC hơn ở với bộ chủ quản hay địa phương quản lý. Một công ty nói thẳng tư duy quản lý doanh nghiệp ở các bộ chủ quản là an toàn, bảo toàn được vốn nhà nước, còn tư duy quản lý ở SCIC là hiệu quả. ‘Nếu anh làm ăn kém hoặc không hiệu quả, cổ đông nhà nước mà SCIC đại diện gây sức ép như cổ đông bên ngoaài. Họ có thể phủ quyết, chống lại các quyết sách của doanh nghiệp và nếu cần, sẵn sàng ‘dọa’ thoái vốn-một doanh nghiệp phát biểu. Song, trên thực tế một số bộ chủ quản cũ và địa phương lại không muốn rời xa những đứa con đã được đa dạng hóa quyền sở hữu. Có tỉnh không chịu bàn giao doanh nghiệp về cho SCIC dù đã có văn bản chỉ đạo rõ ràng.
Chính vì sự thiếu dứt khoát, chây ì trong bàn giao doanh nghiệp, mô hình quản lý vốn nhà nước ở SCIC trở thành nhùng nhằng. Cho đến nay, tổng công ty này chưa có cơ hội mổ xẻ, xem lại để biết mô hình nào thích hợp. Gần đây có những tiếng nói từ bộ này, ngành kia muốn thành lập một địa chỉ quản lý vốn nhà nước để khi có ‘vấn đề, sự kiện”, thì có nơi mà gõ đầu. Tư tưởng bao cấp ấy không hiểu sao vẫn tồn tại.
Những điều ‘khó nói’ không giống ai
Ý tưởng SCIC-Temasek Vietnam-dường như đang lụi tàn vì không thể thực hiện, không chỉ trong mô hình hoạt động ở khía cạnh quản lý vốn, mà ở cả chức năng thoái vốn. Sự khác nhau về bối cảnh lịch sử ra đời (Temasek Singapore cho đến nay chỉ quản lý 48 doanh nghiệp, nhưg vốn liếng khổng lồ và là một tên tuổi ‘thứ dữ’), về quyết tâm chính trị, về tầm nhìn quản trị kinh doanh và trình độ phát triển kinh tế quốc gia đã đẩy SCIC ngày càng xa mục tiêu hoạch định.
Hai, ba năm trở lại đây, việc thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp của SCIC gần như bế tắc. ‘Kinh tế vĩ mô khó khăn đã khiến chúng tôi không thoái được vốn, cũng như không tìm được cơ hội đầu tư. Nhìn đâu bây giờ cũng thấy bất động sản như cơn ác mộng’-một quan chức SCIC phân trần. Đã thế, SCIC còn ‘đèo bòng” những điều khó nói riêng không giống ai.
Điểm khó nói nhất trong thoái vốn là đến giờ SCIC vẫn phải tính giá trị vị trí địa lý của đất đai khi định giá doanh nghiệp. Có công ty hợp đồng thuê đất đã hết, vẫn phải tính giá thuê đất. Vướng mắc tính giá đất không cần biết hiện trạng pháp lý của đất đã đẩy giá trị doanh nghiệp cao một cách bất hợp lý, người mua không còn quan tâm. Vì sự phức tạp này, nhiều doanh nghiệp đã được SCIC mang ra chào hàng nhưng bán không ai mua, đành gói lại, ‘bỏ vào tủ’ cất đi.
Thứ hai là cơ chế quy định khong được bán doanh nghiệp với giá dưới giá trị sổ sách. Doanh nghiệp phải lỗ 3 năm liên tiếp mới được bán dứoi mệnh giá (10.000 đồng/CP). Có doanh nghhiệp lỗ 2 năm liên tiếp, năm thứ ba lãi tí ti vài trăm triệu đồng, năm thứ tư lại lỗ, thì phải đợi năm thứ 5, thứ 6 lỗ nữa mới được bán dưới mệnh giá. Cả doanh nghiệp và SCIC đều nửa mếu nửa cười. Trên cả 2 sàn niêm yết đang đầy rẫy những cổ phiếu doanh nghiệp giá quanh 5-7.000 đồng, còn thấp hơn giá trị sổ sách thì đếm không xuể. Thoái vốn của SCIC có đủ sức cạnh tranh với sự khuyến mãi mùa ‘sale off’ của HoSE/HNX?
Thứ ba là phương thức chào bán công khai, đấu giá. Theo quy định, doanh nghiệp có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên phải bán qua sàn. ‘Có lần chúng tôi thoái vốn ở một công ty xây dựng tại Bà Rịa-Vũng Tàu’-một nhân viên SCIC kể-‘và đã tìm được người mua số cổ phần của Nhà nước, nhưng bán không được. Theo quy định, người mua cổ phần của SCIC cũng phải mua cổ phần của những cổ đông khác trong đơn vị đó. Thế là người mua bỏ cuộc’. Nhân viên này kể tiếp: ‘Nhiều trường hợp không phải cứ đấu giá là mang lại lợi ích cho các bên. Đấu giá làm cổ phần Nhà nước có thể bị xé lẻ, trong khi nhà đầu tư chiến lược muốn mua cả gói để làm lại doanh nghiệp’. Những doanh nghiệp vốn 20-30 tỷ đồng, gười mua có khi là lãnh đạo công ty, người lao động, đối tác làm ăn, người cung cấp nguyên liệu….không phải ai cũng muốn mang ra sàn đấu giá.
SCIC
đang chờ nghị định, khung pháp lý mới để hoạt động. Trước mắt, việc tập trung
tiếp nhận doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao, từng bước nhận các tổng công
ty, tự củng cố nâng cao năng lực và chọn một số dự án đòi hỏi vai trò chủ động
của SCIC phải được nâng cao. Nhưng nâng như thế nào thì chẳng ai biết!
Theo Hải Lý
TBKTSG