MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC và thách thức định giá

Một điều chắc chắn khi SCIC cung ứng ra thị trường một lượng hàng lớn bắt buộc phải có các nhà phân phối, ở đây các CTCK giúp sức.

Nếu SCIC được đẩy mạnh bán lượng vốn lớn từ 20-50% cổ phần của doanh nghiệp, trong thời gian tới hoạt động M&A sẽ sôi động hơn. Nhưng để có được điều này, cần phải vượt qua một thách thức: định giá.

Từ thách thức định giá

Theo ThS Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp CTCK BIDV (BSC) những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có cổ phần của Nhà nước, nếu tiếp nhận dòng vốn từ khối tư nhân sẽ diễn ra các hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ, doanh nghiệp sẽ “thay máu” và hoạt động hiệu quả hơn.

Hoặc trường hợp khác là các công ty có thể mua lại phần vốn nhà nước từ các công ty nhỏ, cùng ngành của SCIC để phát triển quy mô, hệ thống của mình. Từ đây sẽ có cuộc cạnh tranh rất thú vị giữa các bên mua với nhau.

Để đạt được kết quả này, ThS Phạm Quang Thanh, Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý quỹ Bảo Việt (BaoViet Fund), cho rằng việc SCIC được phép thoái vốn với giá dưới 1.0 thực ra chỉ là bước đầu trong việc xác định mức giá bán phù hợp với cung cầu của thị trường.

Các phương pháp định giá như thế nào thực ra không quan trọng bằng bên bán phải có những giải pháp đẩy mạnh nguồn cung hàng và quan trọng nhất là có một cơ chế giao dịch thuận lợi. Một công ty được định giá phù hợp chưa đủ mà còn phải phù hợp với tiêu chí đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

Vậy nên phải có “nhiều hàng” để đáp ứng nhu cầu của bên mua, tức các NĐT. Chỉ khi nào nhận thấy có “nhiều hàng” và cảm thấy dễ mua lúc đó các NĐT mới thực sự hào hứng, lúc này giá trị các khoản thoái vốn sẽ do thị trường quyết định.

Cách thức thoái vốn trong trường hợp nào nên công khai, trường hợp nào nên bảo mật, vì trong trong một số trường hợp, bên mua thường không muốn công khai. Nhưng bảo mật phải thực hiện như thế nào để đảm bảo lợi ích giữa bên mua, bên bán và nguồn vốn của Nhà nước.

Luật sư Trương Thanh Đức

Đến rào cản thông tin

Tuy nhiên, hiện nay có điểm nghẽn về mặt thông tin liên quan đến việc thoái vốn của SCIC. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nhận xét các thông tin về việc thoái vốn của SCIC mới chỉ dừng ở việc công bố thuần túy theo quy định, thủ tục chứ chưa có các yếu tố để thu hút.

Lấy thí dụ, hiện nay đã có danh sách 376 doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn đến năm 2015, như vậy sắp tới đây cần phải có một lịch trình cụ thể, chẳng hạn khoảng thời gian nào, SCIC sẽ thoái vốn doanh nghiệp nào. Từ trước đến nay, NĐT hầu hết đều tiếp nhận thông tin về hoạt động của SCIC một cách khá bị động kiểu SCIC công bố gì thì biết như vậy.

Để bên ngoài thấy được tình hình của doanh nghiệp và có thể mua với giá hợp lý nhất, SCIC phải thúc đẩy vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp mình muốn thoái vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dưới sàn độ minh bạch nhìn chung không thể bằng các doanh nghiệp niêm yết.

Chưa kể minh bạch còn là một vấn đề mang tính dài hạn, nếu có thay đổi cũng không thể diễn ra trong thời gian ngắn. Đây cũng là vấn đề có thể khiến cho các NĐT cảm thấy “mệt mỏi”.

Một điều hết sức rõ ràng là khi danh sách 376 doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn đến 2015 được công bố, người ta bàn về rất nhiều cái tên như Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… Lý do vì đây là những công ty lớn, đã niêm yết, làm ăn hiệu quả, mức độ ảnh hưởng đến các NĐT cũng sâu rộng. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm công ty có quy mô nhỏ và vừa, chưa niêm yết còn lại sẽ có nguy cơ bị “ghẻ lạnh”.

Vai trò nào cho CTCK

CTCK cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thoái vốn của SCIC. Theo đó, CTCK sẽ đóng vai trò tư vấn cho SCIC trong việc làm các thủ tục đăng ký với Sở Giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, có thể tư vấn về các vấn đề định giá.

Ngoài ra, CTCK cũng là đại lý cho các đợt đấu giá. Nhưng trao đổi với một nhân viên môi giới dày dạn kinh nghiệm, hiện nay không mấy ai quan tâm đến các đợt đấu giá cổ phần của SCIC nữa. Về mặt khách quan, hiện nay không còn là thời hoàng kim để mua bán CP, nhất là những CP trên OTC, mua CP đấu giá cũng không còn cảnh mua xong có lãi, hoặc chưa nhận CP về đã lãi.

Thử nhìn sang trường hợp một loạt công ty quản lý quỹ thời gian qua, đã ký hợp đồng hợp tác với các CTCK với mục tiêu làm đại lý để chào bán chứng chỉ quỹ mở cho mình, điều đó chứng tỏ vai trò của “nhà phân phối” rất được tôn trọng.

Cũng đã có nhiều CTCK đứng ra làm đại lý cho SCIC để chào bán cổ phần, nhưng người ta cảm thấy sự hợp tác này chưa được nâng cấp để có thể đem lại những bước đột phá. Một người đã từng phụ trách tư vấn cho khoảng 20-30 đợt thoái vốn cho SCIC kể lại, thù lao tư vấn cho mỗi đợt tầm vài chục triệu đồng, chỉ đủ chi phí.

Cái được ở đây là CTCK có thêm hồ sơ năng lực và có thể lấy các dịch vụ về sau như quản lý sổ cổ đông, có thêm khách hàng, rồi sau đó nếu công ty lên sàn có thể NĐT bán ra, mua vào CP cũng có thêm phí giao dịch. Vấn đề chưa thấy các hoạt động như CTCK đóng vai trò tư vấn và cả môi giới, đứng ra tư vấn cho SCIC bán với giá nào và phụ trách tìm kiếm đối tác mua cho SCIC, hoặc cũng có thể có nhưng chưa nhiều.

Một điều chắc chắn khi SCIC cung ứng ra thị trường một lượng hàng lớn bắt buộc phải có các nhà phân phối, ở đây các CTCK giúp sức. Với những mặt hàng “xịn”, tức các CP blue chip, tất nhiên cầu lấn át cung, vai trò của nhà phân phối giảm thiểu, nhưng với các mặt hàng tiềm năng, hoặc thường thường bậc trung, vai trò của nhà phân phối vô cùng quan trọng.

Theo Thục Khanh

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên