Sở GDCK Hà Nội ban hành quy chế niêm yết năm 2014
Sở bổ sung tiêu chí lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC soát xét gần nhất đối với diện kiểm soát.
Ngày 17/1/2014, Sở GDCK Hà Nội đã ban hành Quy chế niêm yết kèm theo Quyết định số 18/QĐ-SGDHN nhằm hướng dẫn về các vấn đề niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội bao gồm: đăng ký niêm yết, thay đổi đang ký niêm yết, hủy niêm yết, cảnh báo kiểm soát, tạm ngừng giao dịch đối với chứng khoán niêm yết.
Quy chế mới này đã cập nhật quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 và Thông tư 73/2013/TT-BTC ngày 29/5/2013 đồng thời bổ sung các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cụ thể rõ ràng hơn so với quy chế cũ. Theo đó, quy chế có một số thay đổi đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, về đăng ký niêm yết, điểm nổi bật trong Quy chế mới là việc bổ sung các quy định niêm yết đối với công ty hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập và chỉnh sửa, bổ sung các quy định về tiêu chí, hồ sơ niêm yết, trình tự và thủ tục đăng ký niêm yết cho phù hợp với các quy định hiện hành tại Nghị định và Thông tư.
Cụ thể, Quy chế đã bổ sung quy định về cách hiểu đối với các tiêu chí niêm yết như ROE, khoản nợ quá hạn 01 năm, không có lỗ lũy kế… Đồng thời, Quy chế cũng Bổ sung quy định tổ chức đăng ký niêm yết (TCĐKNY) phải nộp bổ sung báo cáo tài chính (BCTC) đến kỳ kế toán gần nhất trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Trong trường hợp cần thiết, SGDCK có thể yêu cầu TCĐKNY kiểm toán/soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ.
Đáng chú ý, về trình tự, thủ tục đăng ký niêm yết, Quy chế mới bổ sung quy định về thời gian tổ chức đăng ký niêm yết phải hoàn tất hồ sơ đăng ký niêm yết theo yêu cầu của Sở GDCK Hà Nội trong vòng 06 tháng kể từ ngày Sở có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Thứ hai, về thay đổi đăng ký niêm yết, Quy chế mới đưa thêm quy định thời gian niêm yết bổ sung cổ phiếu đối với công ty hình thành sau sáp nhập doanh nghiệp là sau 01 năm kể từ thời điểm doanh nghiêp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, về quy định cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, so với Quy chế cũ, Quy chế mới đã bỏ diện cảnh báo/kiểm soát đối với trường hợp tổ chức niêm yết (TCNY) không có đủ 100 cổ đông có quyền biểu quyết và TCNY có nợ quá hạn trên 01 năm, đồng thời điều chỉnh thời gian đưa vào cảnh báo đối với trường hợp cổ phiếu của TCNY không có giao dịch từ 60 ngày lên 06 tháng.
Thêm vào đó, Quy chế mới đã bổ sung thời gian đưa vào diện cảnh báo/kiểm soát đối với trường hợp TCNY ngừng/bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong thời gian từ 03 tháng/09 tháng; bổ sung tiêu chí lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC soát xét gần nhất đối với diện kiểm soát. Đối với các trường hợp dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo/kiểm soát, quy chế quy định cụ thể loại BCTC được chọn làm căn cứ xem xét.
Có thể nói, Quy chế niêm yết mới của Sở GDCK Hà Nội đã hướng dẫn rõ ràng hơn, cập nhật, chỉnh sửa các quy định không còn phù hợp với hiện tại và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đăng ký niêm yết/ tổ chức niêm yết khi áp dụng thực tế, kỳ vọng sẽ là một giải pháp kỹ thuật hữu ích giúp cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường niêm yết và gia tăng thanh khoản cho thị trường.