MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ lên sàn

Trước đây, các doanh nghiệp có thể lấy lý do TTCK không thuận lợi, NĐT kém mặn mòi hay giá CP bèo bọt… để lý giải cho việc không niêm yết. Nhưng đến khi trở ngại không còn, nhiều DN vẫn không muốn niêm yết.

CP thủy sản là một trong những nhóm CP vào loại kém hấp dẫn nhất trên thị trường, thường có định giá hấp dẫn nhưng lại rất ít khi có sóng. Mặc dù vậy, trong khoảng chục ngày vừa qua, CP thủy sản lại trở thành “ngôi sao” trên sàn khi dòng tiền nóng liên tục tìm đến và đẩy nhóm CP này tăng mạnh mẽ. Qua đây có thể thấy rằng TTCK thuận lợi sẽ tạo ra hiệu ứng nước lên, thuyền lên, dòng tiền rồi sẽ phải tìm đến những CP có giá tốt, hấp dẫn, hoặc đơn giản hơn là chưa tăng giá.

Không chỉ 2 sàn HOSE hay HNX, dòng tiền còn tìm đến cả UPCoM. SDI (Đầu tư và phát triển Đô thị Sài Đồng) hồi đầu tháng 8 có giá xấp xỉ 2.4, nhưng kết thúc phiên ngày 17-9 đã có giá lên đến gần 8.4, tức chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi CP này đã tăng giá gần 4 lần. Cũng phải nói thêm, SDI không tăng giá theo kiểu “tiết cung”, thanh khoản thấp, thay vào đó CP này mỗi phiên khớp vài trăm ngàn đơn vị. Ngay đến một CP hàng dạt từ HOSE, phải xuống niêm yết tại UPCoM như SBS cũng có một số phiên tăng trần, để từ mức giá dưới 4.000 đồng/CP lên gần 5.000 đồng/CP và KLGD một số phiên lên đến hàng triệu CP.

Nói không quá, dòng tiền nóng đang lùng sục những CP nào có khả năng tăng giá trên TTCK để chảy vào, thậm chí lý do tăng giá nhiều khi cũng không thật sự rõ ràng. MWG (Thế giới di động) chỉ mới chào sàn được hơn 2 tháng đã tăng giá gần gấp đôi từ 8.0 lên 15.0, có thể xem là một điển hình cho việc NĐT luôn rất thích những hàng hóa mới. Cũng có một số ý kiến cho rằng định giá của MWG không phải rẻ, nhất là khi CP này hiện đã có thị giá ở nhóm cao nhất thị trường.

Ở đây không bàn đến chuyện đúng/sai, vì rẻ/đắt tùy theo quan điểm mỗi người, nhưng cũng gợi ra một vấn đề rằng CP giá cao vẫn có thể cao hơn. Những nỗi lo kiểu như niêm yết CP giá thấp cũng có thể được loại bỏ dần. Thời gian gần đây một số DN lớn khi IPO đã mạnh dạn chọn giá khởi điểm chỉ loanh quanh 1.0, chứng tỏ sự tự tin rất lớn rằng hàng tốt sẽ có giá tốt”. Đến đây, tạm kết luận rằng những lo ngại về TTCK đã giảm đi rất nhiều và lãnh đạo những DN chưa niêm yết cũng nhìn ra được vấn đề này. Trở ngại cho việc lên sàn bây giờ không nằm ở nguyên nhân khách quan (thị trường), mà có lẽ phải xét đến các nguyên nhân chủ quan, cụ thể từ những người có quyền quyết định việc lên sàn của DN.

Có lẽ không ai có thể đọc được suy nghĩ của lãnh đạo các DN. Và lãnh đạo một số DN khi được hỏi về vấn đề này thường khôn khéo đẩy sang một chủ thể nghe rất hợp lý là cổ đông, với lý do chuyện lên sàn do cổ đông quyết. Nhưng cách trả lời này cũng không thể khỏa lấp được nếu lãnh đạo DN cũng chính là những cổ đông lớn nhất; hoặc công ty dù mang tính đại chúng, nhưng phần đại chúng lại sở hữu rất thấp, còn lại nằm trong tay cổ đông lớn. Một số cá nhân sở hữu cổ phần đủ lớn sẽ có quyền quyết định lấn át số đông có cổ phần thấp.

Tuy nhiên, cổ đông hay lãnh đạo DN đều phải có những hành động giúp DN ngày một tốt hơn và chuyện niêm yết, lên sàn sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Cổ đông càng lớn, trách nhiệm càng phải lớn. Trong một chừng mực nào đó, khi cổ phần hóa tức DN đã được đại chúng hóa bước đầu tiên và khi lên sàn, có thể xem như đại chúng hóa lần tiếp theo. Đại chúng hóa cũng dẫn đến việc DN nhận được nhiều sự chú ý/giám sát hơn, quyền lực của những cổ đông lớn, lãnh đạo DN theo đó có thể bị chia sẻ. Những điều này vừa có ý nghĩa tích cực, nhưng cũng có thể tiêu cực.

Chẳng hạn, một trong những nỗi lo của DN khi niêm yết là sợ bị thâu tóm. Những cổ đông lớn, cổ đông sáng lập chắc không ai muốn công ty mà mình đã bỏ bao công sức gầy dựng rơi vào tay người khác. Tuy nhiên, nhìn lên sàn, có DN cổ đông lớn, cổ đông sáng lập vẫn nắm giữ cổ phần không quá lớn, nhưng vẫn kiểm soát được quyền lực của mình. Vấn đề ở đây là cách làm, sự khôn khéo của những cổ đông, lãnh đạo DN trong việc chia sẻ quyền lực/quyền lợi.

Ở đây cần phải nhấn mạnh điểm khác biệt trong cách nghĩ, khi một số cổ đông lớn vẫn thích bao trùm ảnh hưởng của mình trong một công ty có quy mô nhỏ hoặc ở mức trung bình. Trong khi nếu biết chia sẻ, mở rộng, quy mô công ty có thể lớn hơn nhiều, tức nhìn về số tương đối, tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể giảm xuống, nhưng quy mô tài sản lại tăng lên.

Thí dụ, công ty A có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, giá CP dưới OTC 1.5, như vậy cổ đông lớn sở hữu 80% cổ phần công ty A sẽ có số tài sản tương ứng là 600 tỷ đồng. Trong trường hợp công ty A lên sàn, tăng vốn lên thành 1.000 tỷ đồng, nhờ làm ăn thuận lợi, giá CP tăng thành 2.0, lúc này cho dù cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 60% cổ phần, tài sản cũng đã là 1.200 tỷ đồng. Và trong trường hợp nếu vẫn thích ảnh hưởng của mình mang tính bao trùm, thường sẽ nảy sinh ra chuyện kém minh bạch.

Trong khi lên sàn hiện nay phải minh bạch hóa, các quy định liên quan cũng ngày càng chặt hơn. Vậy nên những lãnh đạo DN nào không chủ trương minh bạch, hay chia sẻ quyền lợi, xây dựng công ty dựa vào sự góp sức của đại chúng, hệ quả sẽ là căn bệnh... sợ lên sàn.

Theo Dũng Mạnh

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên